Trẻ đổ bệnh vì thời tiết nồm ẩm

Sức Khỏe - Ngày đăng : 12:06, 09/02/2023

Thời tiết nồm ẩm là môi trường thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh phát triển mạnh… khiến nhiều người bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe.

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện ở phía Bắc ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết. Theo số liệu từ ngành y tế, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp vào mùa nồm thường tăng tới 30%, thậm chí là 40% so với các thời gian khác trong năm.

Đang trông cháu nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bà Vũ Thị Tuyết (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, cháu của bà Tuyết được 7 tháng tuổi, từ hôm trời nồm ẩm cháu có biểu hiện ho, thở khò khè.

Tình trạng khò khè của bé ngày càng nặng, mệt nhiều nên gia đình đã đưa bé vào viện thăm khám. Kết quả thăm khám cho thấy bé đã bị viêm phổi. Đến nay, sau 3 ngày điều trị, tình trạng của bé đã đỡ hơn.

Bà Tuyết cho biết thêm, với kiểu thời tiết khó chịu, trời nồm ẩm như hiện nay làm trẻ nhỏ như cháu bà rất dễ ốm dù gia đình đã chăm sóc, theo dõi sát sao.

Bé được bà và bố mẹ kiểm tra cơ thể, lau người rất kỹ, không để ra mồ hôi nhưng cháu còn nhỏ, sức đề kháng kém nên vẫn mắc bệnh và gặp phải biến chứng nặng.

Trẻ đổ bệnh vì thời tiết nồm ẩm

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe cho trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Còn trường hợp con gái của chị Nguyễn Phương Nga (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), cơ địa mẫn cảm với thời tiết nên bị dị ứng, khiến cháu khó thở, ho dai dẳng về đêm. Khi vào viện, cháu được chẩn đoán viêm phế quản co thắt.

Đây là 2 trong số rất nhiều bệnh nhi đến khám và nhập viện liên quan đến các bệnh lý về đường hô hấp trong giai đoạn thời tiết nồm ẩm này.

TS.BS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế này gia tăng. Tuy nhiên, số lượng không đột biến. Hiện khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 3.500 bệnh nhi/ngày.

Theo TS Tùng, trong thời tiết nồm ẩm, nhiều bệnh nhân đến thăm khám bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, BS Nghiêm Thị Sang Mai - Phó Trưởng khoa Nhi cho biết, những ngày qua số lượng bệnh nhi đến khám bắt đầu có xu hướng gia tăng, đa số trẻ mắc các bệnh như viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thuỷ đậu…

Còn tại Bệnh viện E, BS Lê Thị Thu Phương - Khoa Nội Nhi tổng hợp) cho biết, trong 2 ngày vừa qua số lượng bệnh nhi đến khám tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó. Đặc biệt, lượng trẻ đến khám buổi tối cũng gia tăng với khoảng 20 bệnh nhân/đêm. 

Theo thống kê tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám tuy không tăng đột biến so với ngày thường, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen.

TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khoẻ do thời tiết nhất.

Khi thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Nền nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, rubella phát triển gây bệnh...

Bên cạnh đó, trong tiết trời nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn nếu không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...

Những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.

Với thời tiết như hiện nay, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ đúng cách, cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng; giữ môi trường nhà ở được đảm bảo khô thoáng, có thể sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy hút ẩm để giảm bớt độ ẩm của phòng, trong nhà nhằm hạn chế virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh.

"Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Vì vậy, để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi.

Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ tránh tình trạng để bệnh nặng lên phải nhập viện", TS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.

Thảo Nguyên