Hẹp khí quản trên nền tim bẩm sinh, bé gái 14 tháng tuổi được cứu khỏi "cửa tử"

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:47, 06/02/2023

Trải qua 5 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật thành công, mang lại sự sống cho bé gái 14 tháng tuổi mắc bệnh tim, hẹp khí quản.

Từ khi sinh ra vài ngày, bé B.N. (14 tháng tuổi, ở Trà Vinh) đã khò khè, thở yếu hơn các bạn bình thường. Đi khám ở các bệnh viện trong tỉnh chỉ được chẩn đoán bị viêm phổi, uống thuốc theo đơn khỏi được một thời gian rồi bị tái lại liên tục. Khi bé được 1 tháng tuổi càng ho và khò khè nhiều, uống thuốc dài ngày mới đỡ.

Đến khi bé 12 tháng tuổi, các triệu chứng trên vẫn không thuyên giảm, cứ đi bệnh viện khám rồi uống thuốc liên tục. Gia đình quyết định cho bé đến 1 bệnh viện ở TP.HCM khám thì được chẩn đoán bị hẹp khí quản kèm theo bất thường động mạch phổi. Tuy nhiên trường hợp bệnh của bé rất phức tạp, tiên lượng xấu, ra vào bệnh viện nhiều lần nhưng chưa tìm được hướng giải quyết.

Trong số các bé mắc bệnh hẹp khí quản bẩm sinh thì có 60% có các triệu chứng tổn thương tim bẩm sinh kèm theo. Bởi hẹp khí quản là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc suy hô hấp và khi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tim mạch.

Hẹp khí quản trên nền tim bẩm sinh, bé gái 14 tháng tuổi được cứu khỏi

Bé N. được cứu sống sau ca mổ phức tạp. Ảnh: Lê Hiếu

Ngày 14/1, gia đình đưa N. bay từ Trà Vinh ra Hà Nội, đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị khí quản cho con. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã lập tức đưa bệnh nhi vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để chăm sóc đặc biệt, chuẩn bị các điều kiện sức khỏe tốt nhất cho trẻ trước mổ.

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường -  Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn trương, thực hiện các xét nghiệm chi tiết để xác định vị trí khí quản bị hẹp và lên phương án phẫu thuật bài bản.

Sau gần 5 tiếng trong phòng mổ, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp với niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và ê-kíp bác sĩ.

"Trường hợp của bé N., khí quản bị hẹp khá phức tạp, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thật mừng là ca phẫu thuật suôn sẻ, đường thở của bệnh nhi đã rộng hơn so với trước mổ gấp 3-4 lần.

Sau khi mổ xong tình trạng trẻ cũng diễn biến tốt, trẻ được thở máy tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong 2 ngày, sau đó bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi, chăm sóc cẩn thận và ở cùng bố mẹ", TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường chia sẻ.

Xúc động sau ca mổ thành công, mẹ bé N. bày tỏ: "Con tôi bị hẹp khí quản từ khi sinh ra mà bố mẹ không biết. Nhìn con gái đi vào phòng mổ mà lòng tôi như lửa đốt, chỉ biết cầu nguyện con được các bác sĩ phẫu thuật thành công. Chúng tôi đã vỡ òa nghẹn ngào sau gần 5 tiếng chờ đợi. Ca mổ suôn sẻ, con gái tôi đã được cứu rồi. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất gửi đến tất cả các y bác sĩ Trung tâm Tim mạch. Các bác sĩ không chỉ cứu sống con tôi mà còn giúp đỡ gia đình rất nhiều".

Theo các bác sĩ, phần lớn các trẻ mổ tạo hình khí quản xong diễn biến sức khỏe tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao, giữ gìn trong 6-9 tháng đầu sau mổ để không gây tổn thương đường thở. Đồng thời, cần quay lại tái khám sau 3 tháng để các bác sĩ đánh giá mức độ hồi phục của trẻ, cũng như hướng dẫn các biện pháp chăm sóc tại nhà đúng cách.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trẻ sau khi ra đời, có tiếng thở khò khè khi thức và ngay cả khi trong lúc ngủ, đặc biệt là lúc hít thở vào sẽ có tiếng khò khè rõ do đường thở bị hẹp, thì cha mẹ có thể nghĩ đến nguy cơ trẻ bị hẹp khí quản. Cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp trẻ em để được thăm khám, nội soi đường thở, chẩn đoán chính xác, đồng thời lên kế hoạch xử trí kịp thời, bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh cho con.

Thảo Nguyên