Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày Tết
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:22, 22/01/2023
Tết quả là một ngày hội của trẻ em. Xúng xính trong những bộ quần áo mới, trẻ được cha mẹ đưa đi chơi công viên, thăm ông bà, họ hàng và thích nhất là đi đến đâu cũng được cho ăn bánh kẹo thoải mái, mỗi nhà lại có những món ăn khác nhau, mà món nào cũng thật ngon chỉ có Tết mới có. Vậy là trẻ có thể bị "ngộp thở" trước vô số các loại thức ăn trong những ngày Tết do chưa thể tự chủ và không biết cách chọn lựa nên ăn món nào vào lúc nào.
Việc trẻ ăn lặt vặt không điều độ như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt như dễ rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng chướng hơi; ăn quá nhiều ngọt, béo gây ra béo phì thêm hoặc ngược lại với trẻ đã lười ăn thì dễ bị "no ngang" nên không nhận đủ năng lượng trong bữa ăn chính gây ra sụt cân… Vì vậy cha mẹ càng phải chú ý đến ăn uống của trẻ nhiều hơn đặc biệt trong những ngày này.
Bác sĩ khám, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh minh họa
Theo BS Trịnh Thị Thu Huyền - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mặc dù sự thay đổi về lịch trình ăn uống của trẻ trong ngày nghỉ là bình thường, điều quan trọng là cố gắng tuân thủ thói quen ăn uống thường ngày của con càng nhiều càng tốt. Cha mẹ cần lên lịch cho các bữa ăn chính và ăn nhẹ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, nhưng đừng quá căng thẳng nếu đôi khi bị sai lệch thời gian.
Hầu hết trẻ nhỏ cần 3 bữa ăn chính mỗi ngày, xen kẽ với các bữa ăn nhẹ lành mạnh để đảm bảo trẻ ăn 2-3 giờ một lần.
Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn gồm nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ….), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…).
Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình, có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng. Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ.
Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… . Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì, với một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga, đồ uống có tính kích thích như trà, café và không dùng đồ uống có cồn.
BS Huyền cũng thông tin, cứ sau mỗi dịp Tết, trẻ đến khám tại Khoa Khám trẻ em của Viện Dinh dưỡng quốc gia thường có biểu hiện rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có gas hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng vì "nạp" nhiều bánh, kẹo gây rối loạn tiêu hóa hay ăn ít rau, quả gây táo bón. Do đó, giữ được tốc độ tăng trưởng bình thường cho trẻ trước, trong và sau lễ Tết là điều rất quan trọng.
Nếu gia đình tổ chức đi du xuân, các BS khuyến cáo, nên tìm hiểu trước nguồn thực phẩm tại nơi đến, tránh để trẻ ăn những món ăn quá khác biệt so với thường ngày. Bởi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh với thức ăn lạ. Cụ thể, với trẻ dưới 1 tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức đang sử dụng. Trẻ 1-3 tuổi chỉ nên uống sữa, ăn cháo, cơm và những món quen thuộc như đã từng ăn ở nhà. Trẻ trên 3 tuổi, có thể cho ăn theo thực đơn quen thuộc cùng gia đình và cần lưu ý về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Tết là dịp để gia đình nghỉ ngơi nhưng đồng thời cũng là dịp mọi người có thể "phá vỡ" những nguyên tắc ngày thường, đặc biệt là về chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ con luôn cần đảm bảo dinh dưỡng để khỏe mạnh, phát triển và tận hưởng một mùa xuân vui tươi cùng gia đình", BS Huyền nhấn mạnh.