Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc giải rượu

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:05, 15/01/2023

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại "thuốc giải say", nhiều người cứ tha hồ uống rượu bia cho tới say xỉn rồi uống thuốc giải rượu. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dùng như vậy rất nguy hại cho sức khỏe.

Anh P.A.T. (39 tuổi) làm nhân viên kinh doanh ở Đống Đa, Hà Nội vẫn không quên được cảm giác không còn là mình cách đây 2 tuần khi anh nhậu say cùng cả văn phòng, rồi nghe theo một đồng nghiệp, anh đã "tống" vào người mấy viên paracetamol để hy vọng giảm cơn đau đầu và nhanh chóng giải rượu.

Thế nhưng rượu chưa kịp giải được, đầu cũng chưa hết đau thì người anh đã mệt lả, mặt tái mét, nôn thốc nôn tháo và co giật. Cả bàn nhậu đã phải tạm gác để đưa anh T. vào cấp cứu tại Bệnh viện E.

Hệ lụy khôn lường khi lạm dụng thuốc giải rượu

Nhiều người chủ quan và dựa vào các loại thuốc giải bia rượu mà uống quá nhiều bia rượu dẫn đến ngộ độc rượu, thậm chí tử vong. Ảnh minh họa

Trường hợp của anh T. không phải là hiếm, anh N.Đ.D. làm việc tại một công ty phần mềm ở Hà Nội cũng là "tín đồ" của thuốc giải rượu. Từ ngày được bạn nhậu mách nước có những loại "thần dược" giải rượu, anh lại càng mê nhậu hơn. Hậu quả là sau một lần vừa uống rượu, vừa uống thuốc giải, giữa đêm khuya anh đã trở thành bệnh nhân của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai...

Hiện nay trên thị trường để mua được các thuốc quảng cáo là có tác dụng giải rượu không có gì là khó khăn, chỉ cần ra các hiệu thuốc là nhu cầu của các tín đồ lưu linh sẽ được đáp ứng ngay. Tại một quầy thuốc trên phố Vũ Trọng Phụng, nhân viên bán hàng đã rất niềm nở giới thiệu một số tên thuốc khi khách hàng đặt vấn đề mua thuốc giải rượu cho người thân. Cũng theo người này ngoài những sản phẩm kể trên, để nhanh chóng cắt giảm cơn đau đầu do rượu có thể uống một số thuốc có tác dụng giảm đau như pamin, aspirin hay paracetamol...

Theo ThS.BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E Hà Nội, trong ngành y không có khái niệm "thuốc giải rượu".

Thực chất, đây không phải là thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng với tác dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển hóa rượu thành những chất không gây độc. Các chất này không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại.

Theo đó, đối với người uống nhiều rượu những thứ được gọi thuốc giải rượu sẽ không có tác dụng, người uống vẫn có thể say xỉn, thậm chí ngộ độc. Đã có trường hợp dân nhậu suýt mất mạng vì tưởng mình đã có thuốc giải rượu nên cứ uống thoải mái bất kể liều gây độc đưa đến ngộ độc rượu cấp.

Theo bác sĩ, để khỏi "lấn cấn" khi sử dụng rượu bia, tốt nhất là biết lượng sức và uống chừng mực để bảo vệ gan. Thực tế khi điều trị những ca ngộ độc rượu hoặc cấp cứu do uống quá nhiều rượu, một số bệnh nhân uống rượu sáng sớm trong lúc bụng đói. Uống bia rượu nhưng không ăn hoặc ăn không đầy đủ. Dùng những loại thuốc truyền miệng mong muốn giảm cảm giác say, ngăn tác hại của rượu bia nên cứ thế uống quá nhiều dẫn đến say, hại sức khỏe…

Bên cạnh đó, việc uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng chỉ mang tính chất tạm thời, không thể dựa vào đó để uống bia rượu quá nhiều.

Trường hợp phải uống rượu, một số giải pháp giúp hạn chế một lượng lớn acetaldehyd (chất có trong máu sau khi uống rượu) như: không uống ngay một ly lớn rượu mà từng ít một, đặc biệt rượu có độ cồn cao. Cần uống nhiều nước tinh khiết để bù nước (cơ thể mất nước qua mồ hôi, đường tiểu tiện khi uống rượu).

Ngoài ra, nước ép trái cây như cà rốt, rau má, cà chua, nước mía sạch, trà đường nóng, cà phê, nước đậu xanh, nước ép sắn dây có tác dụng giải rượu.

Chí Tâm