Bí ẩn phía sau những con tem siêu lợi nhuận của Triều Tiên
Chuyện lạ bốn phương - Ngày đăng : 06:35, 18/07/2017
Hai chiếc tem tuyên truyền "chống Mỹ" của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Tem thư - công cụ tuyên truyền chính trị
CNN đưa tin ngày 17/7, nhằm kỷ niệm ngày Hiệp định đình chiến giữa 2 miền Triều Tiên được ký kết và tháng “chống Mỹ”, chính phủ Triều Tiên đã cho ra mắt 2 chiếc tem đặc biệt: hình ảnh nhà quốc hội Mỹ bị tấn công và nắm đấm bẻ cong tên lửa của Mỹ.
Những thông điệp “chỉ trích Đế quốc Mỹ” từ lâu đã trở thành truyền thống trên những con tem của Triều Tiên. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập tem “khác lạ” của đất nước này.
Tổng công ty Bưu chính Triều Tiên, đơn vị chịu trách nhiệm phát hành tem của cả nước, đã đưa ra một danh mục trực tuyến hơn 70 mẫu tem khác nhau. Các chủ đề thường thấy là lịch sử cách mạng hay các nội dung tôn vinh ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc những chủ đề như “nấm”, “động vật lớp giáp xác”, “cờ vua”... Các nhà sưu tầm tem còn chú ý tới niềm yêu thích đặc biệt của chính phủ Triều Tiên: hình ảnh những con mèo dễ thương.
Cũng giống các nước phương Tây, Triều Tiên thường in tem để đánh dấu những thành tựu quốc gia hoặc sự kiện trên thế giới. Một con tem in hình khách sạn Ryugyong cao 105 tầng tại thủ đô Bình Nhưỡng, có hình kim tự tháp, là niềm tự hào của người Triều Tiên.
Nguồn thu ngoại tệ từ các nhà sưu tầm
Bộ tem về Triển lãm Hàng không Wonsan năm 2016 (Ảnh: KCNA)
Theo ông Ross King, trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á của Đại học British Columbia, với mục tiêu hướng tới các nhà sưu tầm nước ngoài, Bình Nhưỡng đã biến ngành tem trở thành một nguồn thu ngoại tệ tăng trưởng nhanh chóng.
Tận dụng sự tò mò của những nhà sưu tầm nước ngoài về một “quốc gia bí ẩn”, Triều Tiên đã thành công trong việc “xuất khẩu” tem ra nước ngoài. Thậm chí vào những năm 1980, khi Bình Nhưỡng sản xuất cả những con tem in hình Công nương Diana vì họ nghĩ người Anh sẽ mua chúng.
Theo ông King, xét về khía cạnh quốc gia thu được nhiều lợi nhuận từ phát hành tem thư trên thế giới, Triều Tiên xếp ngang hoặc chỉ đứng sau Mỹ.
Theo ông Willem van der Bijl, một người mua bán và sưu tầm tem, chi phí sản xuất ra một con tem rất thấp nên có thể đánh giá ngành sản xuất tem là ngành “siêu lợi nhuận”. Bình thường, một con tem chỉ có giá 50 cent, nhưng các nhà sưu tầm tem sẽ mua chúng với giá cao hơn rất nhiều. Vì vậy, chính phủ Triều Tiên chỉ việc in ra những tờ giấy có hình thể thao, động vật... chỉ để làm vừa lòng các nhà sưu tầm tem và thu ngoại tệ về túi.
Do nhu cầu từ thị trường, gần đây Triều Tiên cũng đã có những thay đổi nhất định với sự chuyển dịch thị trường mục tiêu sang Trung Quốc.
Ông King cho biết: “Không còn ai ở châu Âu hay Bắc Mỹ sưu tầm tem nữa. Triều Tiên đã hướng sang Trung Quốc. Những năm gần đây, những chủ đề quen thuộc là tình hữu nghị thân thiết Trung - Triều, văn hóa âm nhạc và các thần tượng Trung Quốc”.
Xu hướng trên bắt đầu từ khi Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc vào năm 1997. Thêm vào đó, hiện tại Trung Quốc đang có 20 triệu nhà sưu tầm tem, bằng 1/3 tổng số nhà sưu tầm trên thế giới. Đây thực sự là thị trường rất tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ông Willem van der Bijl, đây chưa hẳn là một chiến lược đúng đắn. Ông cho rằng người sưu tầm tem nước ngoài thích những con tem liên quan tới lịch sử và văn hóa Triều Tiên hơn là những con tem tràn ngập nội dung về Trung Quốc.
Ông Koen de Ceuster, giảng viên tại Đại học Leiden (Hà Lan) và là người sưu tầm những khẩu hiệu tranh ảnh tuyên truyền của Triều Tiên, cho rằng mặc dù số lượng tem Triều Tiên về nội dung chống Mỹ không nhiều, nhưng nó thể hiện quá trình lịch sử, mối quan hệ thăng trầm giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo ông Ceuster, nhìn những hình ảnh trên con tem, có thể thấy cả bức tranh về chiến lược đối ngoại của Triều Tiên từ trước tới nay. Rất tiếc là rất khó để có thể dự đoán những bước đi trong tương lai của Bình Nhưỡng từ những con tem này.