Lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng biến tướng
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 07:48, 19/10/2019
"Người mua vui" - hình thức lạm dụng trá hình
Trong khi Thái Lan đang tăng cường nỗ lực để giải quyết nạn buôn bán trẻ em trong những năm gần đây thì loại tội phạm này vẫn đang phát triển. Những chiêu thức mới ngày càng tinh vi, ví dụ việc sử dụng các cô gái như "người mua vui" để dụ dỗ đàn ông vào quán bar.
Một cái ôm. Một tay đặt lên đầu gối. Một nụ hôn lên má. Không, cô tiếp viên phục vụ tuổi teen tên Pim sẽ không cho phép khách hàng "đi xa" hơn tại một quán bar karaoke ở phía bắc Thái Lan. Quán karaoke này vừa bị cảnh sát đột kích hồi đầu tháng và phát hiện cô gái 16 tuổi này là một trong bốn nhân viên tuổi teen của quán bar. Hoạt động chống buôn người đang nóng lên ở Chiang Mai - một điểm nóng du lịch nổi tiếng với hoạt động mua bán dâm được che đậy tinh vi. 4 cô gái tại hai quán bar bị cảnh sát đột kích đều dưới 18 tuổi.
Ít nhất 3/4 dân số Campuchia đã được truy cập internet kể từ đầu năm nay, tăng 45% so với năm 2017. Ảnh: AP
Các cô gái nói với nhân viên xã hội sau cuộc đột kích trên rằng, họ không bị ép quan hệ tình dục với khách hàng và cũng không bị yêu cầu mặc váy ngắn hay áo hở cổ sâu. Pim cho biết, một số khách hàng chạm vào ngực cô nhưng cô đẩy tay họ ra. Cô có thể kiếm tới 700 baht (23 USD) mỗi đêm - thu nhập nhiều gấp đôi mức lương tối thiểu một ngày ở Thái Lan. Cô luôn gọi bà chủ quán bar là "má".
Trong những năm gần đây, Thái Lan đã tăng cường nỗ lực để trấn áp nạn mua dâm trẻ em. Loại tội phạm này đang phát triển với nhiều chiêu thức trá hình mới như việc sử dụng các cô gái làm "người mua vui" để dụ đàn ông vào bar, theo cảnh sát và những lực lượng thi hành chiến dịch chống buôn người. Phần lớn khách hàng quen, tiếp viên phục vụ tuổi vị thành niên và chủ quán không xem việc đó là lạm dụng hay trái luật. Song các quan chức nói rằng, đây là một hình thức buôn người mà đã lan rộng thành hệ thống nên rất khó điều tra và truy tố.
"Hầu hết người phạm tội là chủ sở hữu quán bar, karaoke - những người lại cho rằng chẳng có vấn đề gì khi sử dụng trẻ em vào hoạt động này, trong khi thực tế đó là buôn bán tình dục. Khi bị thẩm vấn, điều đầu tiên mà các chủ quán karaoke đều nói là họ không sử dụng những đứa trẻ này để bán dâm" - trung tá cảnh sát Likhit Thanomchua, thành viên Đội đặc nhiệm chống tội phạm mạng đối với trẻ em Thái Lan (TICAC), cho biết.
Trong khi đó, trong hầu hết các vụ án, cảnh sát phát hiện nạn nhân khi các quán bar "chào hàng" dàn nữ tiếp viên trẻ trung của mình trên mạng xã hội, Thanomchua cho biết thêm. Chủ sở hữu của 2 quán karaoke mà cảnh sát đột kích trong tháng này đã bị buộc tội buôn người và sử dụng trái phép lao động dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong những trường hợp tương tự khá khó khăn bởi cảnh sát thường không coi việc lạm dụng là tội phạm hoặc miễn cưỡng tiến hành điều tra, theo Wirawan Mosby - Giám đốc dự án HUG, tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em bị buôn bán ở Chiang Mai.
Một nghi phạm người nước ngoài bị TICAC bắt giữ tại Thái Lan
"Cảnh sát hiểu rằng những đứa trẻ sẽ không hợp tác. Hơn nữa, khả năng cao là các công tố viên sẽ không nộp đơn tố cáo vì khó tìm thấy bằng chứng trong các trường hợp mại dâm. Nhiều tiếp viên gọi chủ quán là “má”. Dường như ở đây có ý thức về gia đình và nghĩa vụ liên quan", ông Mosby cho hay.
Thái Lan là nguồn cung cấp chính và là nơi trẻ em bị buôn bán tình dục khắp Đông Nam Á được đưa tới. Hàng chục nghìn người được cho là dính đến hoạt động mua bán dâm, và các nhà hoạt động nói rằng nhiều người trong số đó là trẻ em. Bóc lột tình dục là hình thức chính, chiếm hơn một nửa trong số 191 vụ buôn bán người được Chính phủ Thái Lan ghi nhận từ đầu năm đến nay. Nhưng trong khi hầu hết trường hợp trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục hoặc được sử dụng để sản xuất nội dung khiêu dâm, cảnh sát và những nhà vận động lại đang vật lộn với các hình thức lạm dụng mới mà họ xếp vào là hoạt động buôn người.
Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người Thái Lan đã tham gia phá hàng chục vụ trẻ em bị sử dụng làm "người mua vui" khác mà hầu hết liên quan đến các quán karaoke, sau khi tiến hành vụ bắt giữ đầu tiên vào năm 2017 đối với 3 trẻ em làm việc trong một quán bar ở đông bắc vùng Nakhon Ratchasima.
Vụ nổi bật nhất mà lực lượng này tham gia là vụ đột kích 2 quán karaoke ở Chiang Mai. Theo đó, 2 vợ chồng chủ quán đã bị tuyên phạt gần 23 năm tù cho hành vi buôn bán người và một số hành vi phạm tội khác, đồng thời bị buộc bồi thường 500.000 baht (hơn 16.000 USD) cho 5 nạn nhân trẻ em.
Ratchapon Maneelek - chỉ huy bộ phận chống buôn người của Chính phủ Thái Lan - cho hay, rất khó để triệt phá loại hình tội phạm này bởi việc xác minh không hề dễ dàng trong các vụ mại dâm trẻ em. "Vấn đề khó khăn là làm thế nào để có được lòng tin từ nạn nhân nhỏ tuổi vì các em không muốn ai biết rằng mình đang làm loại công việc này hoặc các em đã bị đụng chạm cơ thể", ông Maneelek nói.
Nạn mua dâm trẻ em ở Thái Lan trở nên phức tạp trong những năm gần đây khi đàn ông không còn gặp gỡ các em tại các nhà thổ mà lui tới các quán bar, karaoke hoặc lên mạng - Ketsanee Chantrakul, Giám đốc điều hành tại Tổ chức từ thiện chống buôn người ECPAT, cho biết.
Bóc lột tình dục cũng là hình thức chính, chiếm hơn một nửa trong số 191 vụ buôn bán người được chính phủ Thái Lan ghi nhận từ đầu năm đến nay
"Do các luật liên quan đến mại dâm nghiêm ngặt, các tụ điểm đã thay đổi mô hình kinh doanh, nên cãi rằng những đứa trẻ đó chỉ kiếm thêm tiền với tư cách "người mua vui'", Chantrakul cho hay.
Đối với nhiều cô gái Thái Lan như Pim, lớn lên ở làng quê cách thành phố Chiang Mai khoảng 70km, thì sức hấp dẫn đến từ công việc trong quán bar với thu nhập ổn định thật quá khó để từ chối. “Cuộc sống ở quê quá khó khăn. Em không muốn ở lại đó” - Pim, rời nhà lên thành phố với 1.000 baht (33 USD) mẹ đưa cho khoảng một năm trước, chia sẻ.
"Bạn em nói sẽ kiếm được nhiều tiền (ở quán karaoke) và bố mẹ em không phản đối. Ít nhất, em không thấy buồn chán ở đó. Em uống rượu và nói chuyện với mọi người”. Pim nói rằng trước khi thuê cô, chủ quán bar không yêu cầu điền vào mẫu đơn xin việc hay kiểm tra chứng minh thư. Pim hiện ở nhà tạm trú và dự kiến sớm làm nhân chứng trước tòa.
Trong khi cuộc sống của Pim đang bấp bênh, thì một số cô gái khác được phát hiện khi làm việc trong các quán bar những năm gần đây lại tràn ngập hy vọng về tương lai. Ví dụ, Nat (18 tuổi) hiện trợ lý điều dưỡng.
"Mới ở nhà tạm trú một tháng nay nhưng Nat nói rằng cô nhận ra mình có thể làm được nhiều hơn những công việc từng làm. Cô ấy đến để tự đánh giá bản thân”, một nhân viên xã hội từng làm việc với Nat sau khi được giải cứu vào năm ngoái cho hay.
Lạm dụng tình dục trẻ em tăng do sự bùng nổ internet
Nạn lạm dụng tình dục trẻ em, mua bán dâm qua mạng đang lan rộng khắp Đông Nam Á, bao gồm Campuchia và một số quốc gia khác, đồng thời ngày càng có chiều hướng gia tăng do sự bùng nổ của mạng internet, theo South China Morning Post.
Sự mở rộng internet tốc độ cao, giá rẻ cũng như việc sở hữu điện thoại di động thông minh quá dễ dàng đang thúc đẩy nạn buôn bán tình dục trên mạng ở Đông Nam Á.
Các đặc vụ từ FBI (Mỹ) đến Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) trong những tháng gần đây đã bắt đầu đào tạo cảnh sát Campuchia để điều tra loại hình tội phạm này trong bối cảnh lo ngại nó đang trở nên phổ biến tại nước này. Tuy nhiên, các cuộc điều tra bí mật đối với các vụ lạm dụng tình dục không được pháp luật Campuchia cho phép nên gây khó cho các cơ quan có thẩm quyền, theo Khuon Sokpiseth - Phó Giám đốc bộ phận chống tội phạm mạng của Bộ Nội vụ Campuchia.
Một thành viên Đội đặc nhiệm chống tội phạm mạng đối với trẻ em Thái Lan
Nhưng ông Sokpiseth cho biết, một dự luật toàn diện hơn về tội phạm mạng đã được đưa ra bàn thảo trong ít nhất 2 năm qua, song ông không cung cấp thêm chi tiết.
Philippines được coi là tâm điểm của nạn buôn bán tình dục qua mạng khi trình độ tiếng Anh của đại đa số cao, tình trạng nghèo đói tràn lan và internet giá rẻ. Nhưng các nhà vận động cho hoạt động chống buôn người cho rằng, tội phạm đang lan rộng khắp khu vực, từ Việt Nam sang Campuchia. Điều đặc biệt đáng lo ngại nữa là sự gia tăng các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em ở nước ngoài qua webcam có khách hàng chính là người Mỹ, Anh và Australia.
FBI xác nhận với AFP rằng gần đây, họ đã tham gia vào một hội thảo về vấn đề này với cảnh sát Campuchia, nhưng không bình luận gì thêm.
Chính phủ Campuchia hồi tháng trước cho biết, số nạn nhân của nạn buôn người được giải cứu ở nước này đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay so với năm 2018, với 101 trẻ em được giải cứu. Nhưng Samleang Seila - người đứng đầu tổ chức từ thiện chống buôn người Pour Le Enfants (APLE) - nói rằng nạn buôn bán trẻ em đã không còn công khai mà đi vào hoạt động kín đáo hơn.
Trong những năm gần đây, cho đến nay, đã có hàng nghìn báo cáo về hình ảnh lạm dụng bất hợp pháp của trẻ em được chia sẻ trực tuyến trên mạng mỗi tháng. Song, nếu chỉ dựa vào tố cáo và các báo cáo về các vụ việc từ cộng đồng, thì vấn nạn này sẽ không được giải quyết triệt để, cũng như luật pháp sẽ mãi chạy theo.
Theo báo cáo “Nô lệ toàn cầu” (Global Slavery Index), ước tính hơn 260.000 người Campuchia trong tổng dân số 16 triệu người của nước này bị "mắc kẹt" trong vấn nạn nô lệ tình dục.