Sĩ quan tình báo Putin dũng cảm cứu hồ sơ của KGB tại Đông Đức

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:05, 23/09/2019

Tại Dresden, một sĩ quan tình báo của Liên Xô, Trung tá Platov, 37 tuổi đã một mình cứu kho lưu trữ của KGB khỏi sự cướp phá bởi đám đông người Đông Đức đang giận dữ...

Năm 1989, khi Liên Xô bắt đầu nhanh chóng mất đi ảnh hưởng chính trị trước đây của mình, sự sụp đổ bức tường Berlin đã chôn vùi khối phương Đông dưới đống đổ nát. Chính trong thời kỳ này, tại Dresden, một sĩ quan tình báo của Liên Xô, Trung tá Platov, 37 tuổi đã một mình cứu kho lưu trữ của KGB khỏi sự cướp phá bởi đám đông người Đông Đức đang giận dữ.

Nhiều năm sau, khi chiến công đã bị lãng quên này được biết đến, hóa ra dưới bí danh hoạt động “Platov”, người đã bảo vệ lợi ích quốc gia không ai khác chính là tổng thống đương nhiệm của Liên bang Nga - Vladimir Putin.   

Nước Đức thống nhất

Vladimir Putin đã bắt đầu hoạt động tại CHDC Đức vào năm 1985, khi đó ông được KGB phái đến thành phố Dresden làm nhân viên Nhà hữu nghị Xô - Đức với chức vụ phiên dịch. Trong 4 năm đó ông đã kiêm hai chức vụ cùng một lúc.

Sĩ quan tình báo Putin dũng cảm cứu hồ sơ của KGB tại Đông Đức

Sĩ quan tình báo V.Putin tại Dresden

Ông đã tuyển dụng các nhân viên cung cấp thông tin mới, thu thập, phân tích rồi gửi đến trung tâm những dữ liệu nhận được liên quan đến các hoạt động của NATO, cũng như theo dõi tình hình chính trị nội bộ ở Đông Đức.

Bắt đầu với việc Mikhail Gorbachev lên nắm chính quyền ở Liên Xô, thời đại công khai đã trở thành bàn đạp của những biến đổi lịch sử ở châu Âu. Tháng 8-1989, hàng loạt người của Đông Đức đến CHLB Đức và các nước châu Âu khác. Với hy vọng được tự do, người Đông Đức sẵn sàng đi quãng đường dài để có mặt ở phía bên kia của bức tường Berlin.

Cũng trong thời gian đó, các cuộc biểu tình bắt đầu xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau của CHDC Đức. Họ yêu cầu chính phủ của Erich Honecker tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và cải cách thị trường, yêu cầu tự do ngôn luận và tự do đi lại.

Là một nhà mác xít hăng hái, Honecker không muốn nhượng bộ những người chống đối, ông đã thành lập phong trào Diễn đàn mới, trước khi rời văn phòng, ông vẫn lạc quan tuyên bố: “Chúng ta sẽ tự giải quyết mọi vấn đề của mình bằng phương pháp xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ không để chủ nghĩa xã hội bị suy yếu”.

Tuy nhiên, bánh đà đã khởi động và người dân khao khát thay đổi và họ đã có được quyền của mình. Vào ngày 9-11-1989, Bộ Chính trị đã bật đèn xanh cho sự di chuyển mà không cản trở người Đông Đức sang lãnh thổ Tây Berlin. Hàng chục nghìn người đã tập trung ở cả hai phía của bức tường Berlin và đã cùng nhau phá hủy nó, hành động này đánh dấu sự kết thúc thời kỳ chia cắt nước Đức.

Tình hình ở Dresden

Sau sự kiện quan trọng này, bao trùm khắp đất nước là một làn sóng các hành động của dân chúng nhằm tiêu diệt mạng lưới tình báo Stasi thuộc Bộ An ninh quốc gia Đông Đức, nơi đã liên tục kiểm soát cuộc sống của người dân.

Ngày 5-12, làn sóng này đã lan đến Dresden. Từ ban công của biệt thự ở Angelikastrass 4, nơi đặt trụ sở chi nhánh KGB địa phương, sau đó trực tiếp từ đám đông, trung tá Putin có thể theo dõi hàng ngàn người biểu tình tập trung tại cổng tòa nhà tình báo Stasi nằm bên cạnh.

Hừng hực khí thế, dân chúng đã sẵn sàng xông vào khu nhà, nhưng vào lúc 5 giờ chiều, người đứng đầu chi nhánh Stasi tại Dresden là Horst Bom vì muốn ngăn chặn sự đổ máu đã bỏ cuộc và ra lệnh mở cửa tòa nhà. Những người chống đối thừa thắng đã xông vào khu nhà, đập phá và tịch thu các tài liệu lưu trữ, trong đó có các vụ án và tập tin bí mật cùng với danh sách các điệp viên CHDC Đức.

Nhận thấy rằng trụ sở KGB sẽ bị tách ra khỏi số phận ban tham mưu của các đồng nghiệp Đông Đức chỉ còn được tính bằng giờ, Putin bắt đầu tìm cách thoát khỏi tình huống phức tạp này, bởi vào thời điểm đó, ông là sĩ quan cấp cao nhất trong tòa nhà.

Nhận định rằng, sẽ rất khó khăn để ngăn chặn những người biểu tình quá khích, ông đã liên lạc với sĩ quan trực ban trong nhóm quân đội Liên Xô ở Đông Đức, yêu cầu gửi quân tiếp viện tới tòa nhà của KGB để bảo vệ các tài liệu và đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên ở đây.

Tuy nhiên, không có chỉ thị từ Moscow thì các quân nhân không có quyền rời khỏi vị trí của đơn vị. Khi đó, trực ban đã hứa sẽ gọi điện tới ban lãnh đạo Kremlin và hành động theo sự chỉ đạo của họ. Nhưng tình hình rối loạn xảy ra vào thời điểm đó khiến ông không liên lạc được với Moscow.

Sau khi nhận được câu trả lời từ người trực ban là “Moscow im lặng”, Putin, theo lời của ông, có cảm giác rằng Liên Xô như một đất nước không còn tồn tại, rằng nó đã bị bệnh nan y có tên là sự tê liệt của chính quyền. Nhận thức được điều này, cũng như hiểu rằng trách nhiệm đối với mọi người, với các tài liệu và tài sản của trụ sở KGB tại Dresden đang đặt trên vai mình, ông đã quyết định tự hành động.

Chiến công của Platov - Putin

Stiven Lee Myers trong cuốn sách của mình “Vị vua mới. Sự nổi lên và trị vì của Vladimir Putin” có mô tả rằng, sau khi nhìn thấy một nhóm người đang tiếp cận trụ sở KGB, trong đồng phục sĩ quan và trong tình trạng nguy hiểm không vũ khí trong tay, tổng thống tương lai của nước Nga đã bước đến gặp gỡ họ.

Khi đến gần những người biểu tình, bằng giọng nói điềm tĩnh, tin tưởng, với thứ tiếng Đức hoàn hảo ông đã nói với họ: “Việc bức tường Berlin sụp đổ - đó là thiện chí của đất nước chúng tôi! Đây là khu nhà mà chúng tôi đang bảo vệ. Đó là tài sản của Liên Xô! Các bạn hãy hiểu cho đúng - đây là tài sản của một đất nước khác. Chúng tôi là sĩ quan, và trong trường hợp các bạn tấn công, chúng tôi, để thực hiện nghĩa vụ của mình, chúng tôi sẽ bắn…”.

Trong khi không có sự hỗ trợ thực tế về vũ trang, Putin đã thẳng thừng phát ngôn theo ý mình, sau tuyên bố trên ông đã quay người lại và chậm rãi đi vào trụ sở, không ngoại trừ khả năng có ai đó từ đám đông có thể bắn vào lưng ông. Song, những người chống đối bị thuyết phục bởi lời nói của ông, trong đó không có mối đe dọa, không có mệnh lệnh, đám đông muôn người như một trong khoảnh khắc đã thay đổi ý định tấn công vào dinh thự Angelikastrass 4, và vì không muốn có sự đổ máu nên họ đã giải tán.

Hai giờ sau hành động dũng cảm của Putin, cuối cùng cũng có một chỉ thị gửi đến ban tham mưu của KGB ở Dresden, có hai tàu bọc thép cùng các chiến sĩ đã được phái đến, nhưng tới thời điểm đó, điều này đã không còn cần thiết nữa.

Trung tá Platov - Putin đã một mình xử lý tình huống nguy cấp, không để xảy ra một sự thương vong nào, không cho phép người ngoài xâm nhập vào cơ sở mà ông được giao phó, đã không để mất các hồ sơ tài liệu mật quan trọng.

Theo An ninh Thế giới