Lộ mặt kẻ sát hại anh hùng nước Pháp Jean Moulin

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 15:18, 25/03/2019

Ngày 21-6-1943, Chủ tịch Hội đồng kháng chiến quốc gia Jean Moulin đã bị Klaus Barbie, người đứng đầu Gestapo (tên gọi tắt của Geheime Staatspolizei, là lực lượng mật vụ của tổ chức SS do Đức Quốc xã lập ra), bắt giữ ở Lyon.

Hơn 75 năm qua, chi tiết vụ bắt giữ vẫn là điều bí ẩn, cho đến ngày Daniel Cordier, thư ký của anh hùng của nước Pháp  Jean Moulin, và bà Francois-Yves Guillin tiết lộ trên tờ L'Express mới đây.

Người cộng sản kiên trung

Jean Moulin (1899-1943) là anh hùng trong cuộc kháng chiến của người Pháp chống lại phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Ông là người đã hợp nhất những phong trào tự phát rải rác chống lại sự chiếm đóng của Đức.

Jean Moulin sinh ngày 20-6-1899 tại Beziers, miền tây nam nước Pháp, là con trai của một giáo sư sử học. Jean Moulin đã có một tuổi thơ yên bình với anh trai và em gái của mình. Moulin nhập ngũ quân đội Pháp vào ngày 17-4-1918, và đã được phái đến Trung đoàn công binh thứ 2, nhưng trước khi ông có thể tham chiến sau khi kết thúc khóa huấn luyện, các hiệp ước đình chiến của ngày 11-11-1918 đã được ký kết. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Jean Moulin làm việc trong lĩnh vực hành chính và nhanh chóng thăng tiến thành tỉnh trưởng (tức trưởng vùng hành chính) của Chartres, là người trẻ nhất giữ chức vụ này của Pháp.

Moulin theo phe cực tả, và việc ông bị lực lượng chiếm đóng Gestapo bắt giữ và tra tấn tháng 6-1940 do nghi ngờ ông là cộng sản không phải là điều bất ngờ. Moulin đã cắt cổ tự vẫn, nhưng một lính gác tìm thấy và đưa ông đến bệnh viện để hồi phục. Đến tháng 11-1940, chính phủ Vichy ra lệnh sa thải tất cả quan chức cánh tả. Moulin, lúc này đã phục hồi sức khỏe, từ chối sa thải bất cứ ai và ông bị cách chức. Từ đó ông cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho cuộc kháng chiến chống lại người Đức.

Lộ mặt kẻ sát hại anh hùng nước Pháp Jean Moulin

Anh hùng của nước Pháp Jean Moulin. Ảnh: L’Express

Tháng 9-1941, ông trốn khỏi Pháp sang London (Anh) để gặp Charles de Gaulle, lãnh đạo phong trào “Nước Pháp tự do” cùng nhiều lãnh đạo đang lưu vong khác. Tháng 1-1942, ông được cử quay lại Pháp để chuẩn bị tổ chức một phong trào kháng chiến. Bí danh hoạt động của ông là “Max”. Không lâu sau khi thành lập Hội đồng Kháng chiến quốc gia vào tháng 5-1943, Moulin bị phản bội và bị bắt vào ngày 21-6-1943. Ông bị Gestapo thẩm vấn tại Lyon và Paris, rồi qua đời vì những đòn tra tấn vào ngày 8-7-1943 trên một chuyến tàu sang Đức. Hài cốt của ông đã được chuyển vào Điện Panthéon Paris ngày 19-12-1964.

Ngược dòng lịch sử

Hơn 75 năm sau ngày mất của người anh hùng Jean Moulin, những tình tiết liên quan tới vụ bắt giữ Jean Moulin đã được hé mở. Hai nhân chứng và cũng là cộng sự của nhà lãnh đạo Jean Moulin là ông Daniel Cordier và ông Francois-Yves Guillin đã cung cấp những thông tin chi tiết về kẻ phản bội, người đã chỉ điểm cho Gestapo bắt giữ Jean Moulin.

Theo thông tin mà hai nhân chứng này cung cấp cho tờ LExpress của Pháp, ngày 21-6-1943, trời khá nóng bức. Jean Moulin, còn gọi là Rex, hay Max, rời khỏi căn phòng nhỏ ở số 2, quảng trường Raspail. Jean Moulin biết hôm nay là một ngày dài, trôi qua một cách chậm chạp. Trước đó, ngày 27-5-1943, tại Paris, ông chủ trì lễ thành lập Hội đồng kháng chiến quốc gia (CNR). CNR được thành lập sau gần một năm thương lượng, thống nhất các phong trào kháng chiến trên toàn nước Pháp. Đây là các nhóm vũ trang, có chung ý chí cách mạng, để chuẩn bị cho việc khôi phục nước Pháp sau chiến tranh, dưới sự chỉ huy của Tướng De Gaulle.

Lộ mặt kẻ sát hại anh hùng nước Pháp Jean Moulin

Francois-Yves Guillin, người vạch trần “kẻ hai mang” René Hardy. Ảnh: L’Express

Tuy nhiên, điều này khiến các phe phái đối lập tức giận và tìm cách phá hoại. Mùa xuân 1943, Gestapo tiến hành cuộc truy lùng một số đối tượng mà Gestapo gọi là "khủng bố" ở thành phố Lyon, tập trung ở khu vực phía Nam và Bắc. Ngày 9-6-1943, Tướng Delestraint, thủ lĩnh Quân đội bí mật (Armée secrète-AS), bị bắt ở Paris. Hôm đó, Delestraint bắt tàu từ Lyon tới Paris để gặp gỡ một số nhân vật quan trọng. Khi vừa xuống ga tàu Muette ở quận 16, ông bị 2 người đàn ông bám theo, bắt giữ và đưa lên ô tô. Hai người này là nhân viên tình báo người Đức. Delestraint bị giam giữ, tra tấn ở trại tập trung Dachau ở Baviere. Ông bị sát hại ngày 19-4-1945, vài ngày trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào.

Trong khoảng thời gian trên cho đến ngày 8-6-1943, không ai trong CNR biết Đức Quốc xã chuẩn bị úp mẻ lưới vào đội quân bí mật như thế nào. Tại Lyon, ngày 12-6-1943, Jean Moulin được thông báo khả năng Gestapo có thể “tóm” ông, sau đúng ba ngày Delestraint bị bắt. Hôm đó, vào 9 giờ sáng, Francois-Yves Guillin, hay còn gọi là “Mercure”, 21 tuổi, Tổng thư ký của Delestraint, đến văn phòng bí mật của "Max", ở quận Croix-Rousse. “Khi tôi thông báo cho Jean Moulin về nguy cơ bị bắt, ông dựa vào khung cửa và sững sờ”, Francois-Yves Guillin nói với L'Express, như thể ông đang hồi tưởng lại cảnh đó 75 năm sau sự kiện. Moulin hiểu ra vấn đề và lập tức yêu cầu Francois-Yves Guillin trốn đi nếu không cả hai sẽ bị bắt.

Trở lại ngày 12-6-1943. Khi Jean Moulin biết được Tướng Delestraint bị bắt từ miệng của Guillin, "Max" biết rằng, tình hình cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 15-6, năm ngày trước sinh nhật thứ 44 của mình, Jean Moulin gửi bức thư cuối cùng đến Tướng Charles de Gaulle. “Đại tướng, cuộc chiến đang rất khắc nghiệt. Tôi có nhiệm vụ thông báo với ngài rằng, Tướng Delestraint đã bị Gestapo bắt giữ ở Paris”, ông Jean Moulin viết. Trong bức thư, nhà lãnh đạo CNR cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới vụ bắt giữ trên.

Lộ diện kẻ phản bội

Ngày 19-6-1943, Jean Moulin quyết định tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo AS để tìm người thay thế Tướng Delestraint. Đại tá Schwartzfeld, một người lính trung thành đã được đề cử vào chức vụ này. Cuộc họp nhất trí sẽ tiến hành cuộc họp tiếp theo lúc 14 giờ 30 phút ngày 21-6 tại nhà Tiến sĩ Dugoujon ở Caluire, một thị trấn nhỏ ngoại ô Lyon. Ngoài Jean Moulin, 7 nhà lãnh đạo phong trào kháng chiến được mời tới dự. Chỉ có ba người trong số họ biết địa chỉ cuộc họp. Trong đó, phong trào Combat chỉ có một đại diện tới dự, đó là Henri Aubry.

Lộ mặt kẻ sát hại anh hùng nước Pháp Jean Moulin

Ngôi nhà của bác sĩ Dugoujon ở Caluire, nơi diễn ra cuộc họp giữa các thủ lĩnh kháng chiến. Ảnh: L’Express

Sáng 21-6, Jean Moulin có rất nhiều cuộc hẹn. Vào buổi trưa, ông ăn trưa với một sứ giả mới đến từ London. Lúc 14 giờ, ông có mặt ở Carnot, một nơi rất đông đúc trước nhà ga Lyon-Perrache. Tại đây, ông chờ đón Raymond Aubrac, thành viên Phong trào Libération-Sud, để đến dự cuộc họp.

Trong khi đó, tại đỉnh đồi Croix-Rousse, gần Caluire, André Lassagne, trợ lý của Tướng Delestraint, đứng đón Henri Aubry để đưa tới địa điểm cuộc họp. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Henri Aubry không đến một mình. Ông ta đi cùng với một thành viên khác: René Hardy, thủ lĩnh mạng lưới phá hoại đường sắt, người mà Henri Aubry cho là bảo vệ tốt lợi ích của phong trào Combat trong cuộc họp.

René Hardy, 31 tuổi, có mật danh là “Didot”, là sĩ quan dự bị, kỹ thuật viên tại Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), người tham gia kháng chiến ngay từ thời kỳ đầu tiên. René Hardy quản lý mạng lưới đường sắt, bao gồm một trăm trạm ở Pháp. Anh ta lên kế hoạch tấn công và phá hoại đường sắt nhằm mục đích cản trở việc vận chuyển thiết bị và binh lính Đức tới Pháp.

Điều đáng nói là René Hardy không được Jean Moulin mời, và sự hiện diện của anh ta hoàn toàn trái với các quy tắc cơ bản về bảo mật và phân vùng thông tin. Bên cạnh đó, Hardy - "Didot" có vẻ đặc biệt lo lắng. Do thời gian không còn nhiều nữa nên André Lassagne buộc phải dẫn họ tới địa điểm họp lúc 14 giờ 25 phút. Ba người được đưa tới tầng một của ngôi nhà. Dường như không ai trong số họ nhận thấy rằng một phụ nữ trẻ, mặc áo màu đỏ, đi theo họ và giữ một khoảng cách an toàn…

Trong khi mọi người đến đúng giờ thì Đại tá Schwartzfeld, người mới được chỉ định thay thế vị trí của Tướng Delestraint, lại đến muộn mất nửa tiếng. Dù vậy, cuộc họp vẫn diễn ra đúng như kế hoạch.

15 giờ 10 phút ngày 21-6 khi cuộc họp đang diễn ra thì bất ngờ ba chiếc xe tải màu đen đỗ xịch trước cửa nhà. Khoảng 10 người, dẫn đầu là Klaus Barbie, Trung úy SS và là chỉ huy Gestapo ở Lyon ập vào. Vụ việc diễn ra nhanh khiến những người có mặt không kịp trốn thoát. “Max” và 6 thủ lĩnh kháng chiến bị ném vào thùng xe ô tô, chỉ duy nhất René Hardy bị trói tay nhưng đã tìm cách chạy trốn. Nhóm Gestapo “tỏ ra” muốn bắt giữ René Hardy nhưng đã để cho anh ta trốn thoát.

7 vị thủ lĩnh kháng chiến bị bắt ở Caluire đã có số phận thật bi thảm. 2 trong số họ chết trong trại giam ở Đức. André Lassagne từ trại Dora trở về vào tháng 5-1945. Hai người khác được thả vài tháng sau khi bị bắt. Trong khi đó, Raymond Aubrac trốn thoát vào tháng 10-1943. Đối với Jean Moulin, ông bị Barbie và tay sai của hắn tra tấn dã man trong suốt ba ngày và rơi vào tình trạng hôn mê. Sau đó, ông đã được chuyển đến trụ sở của Gestapo, ở Paris rồi đưa lên một chuyến tàu đến Berlin. Ông chết ngày 8-7-1943 do vết thương quá nặng.

René Hardy sau khi trốn thoát trong vụ bắt giữ ngày 21-6-1943 nhưng lại bị người Đức bắt giữ vào tháng 8-1943. Theo lời kể của nhân chứng Daniel Cordier, René Hardy bị bắt trên tàu và được bàn giao cho Klaus Barbie. Người đứng đầu Gestapo không biết rõ vai trò của "Didot" trong lực lượng kháng chiến song tin rằng có thể sử dụng được con mồi này. Klaus Barbie ra hai điều kiện cho René Hardy, theo đó René Hardy phải thường xuyên thông báo cho Gestapo về “nhất cử nhất động” của các đồng chí của anh ta.

Nếu không, SS sẽ bắt giữ vị hôn thê Lydie Bastien cũng như bố mẹ của anh ta. René Hardy yêu điên cuồng Lydie Bastien, 21 tuổi, người mà anh ta gặp vài tháng trước đó trong một quán cà phê. Bản thân René Hardy không biết rõ Lydie Bastien, có lẽ cô cũng làm việc cho người Đức... Không còn cách nào khác, René Hardy chấp nhận làm việc cho Barbie.

Sau khi bị bắt lần thứ hai, René Hardy lại “trốn thoát” khỏi tầm kiểm soát SS bằng việc leo qua cửa sổ bệnh viện. Trở về hàng ngũ kháng chiến, Hardy bị đưa ra xét xử hai lần vì "không thông báo kế hoạch hoặc có hành động phản quốc", vào năm 1947 và năm 1950. Tuy nhiên, cả hai lần anh ta đều được xử vô tội. René Hardy chết năm 1987 khi 76 tuổi.

Bức thông điệp phát hiện quá muộn

Sự phản bội của René Hardy còn bị một phụ nữ khác tố giác. Đó là Edmée D., một sĩ quan liên lạc trong một cơ quan tình báo Anh hoạt động ở Pháp. Vào ngày 16-4-1943, khi đang làm nhiệm vụ ở Lyon, cô đã bị Gestapo bắt giữ. Do thiếu bằng chứng, cô đã được thả vào ngày hôm sau, với điều kiện cô báo cáo với cảnh sát Đức mỗi khi cô trở về Paris. Ngay khi được thả ra, cô lập tức cảnh báo người đứng đầu mạng lưới tình báo của mình, Georges Groussard. Người này sau đó đề nghị cô làm điệp viên hai mang.

Edmée D. kể, ngày 21-6-1943, cô được Gestapo triệu tập và đưa ra lời đề nghị: “Chúng tôi sẽ giới thiệu cho cô một người Pháp có tên là Didot ... Người này đồng ý làm việc cho chúng tôi, trong khi vẫn giữ liên lạc với London. Cô sẽ phải đi theo người đàn ông này chiều nay, và cô sẽ quay lại để nói cho chúng tôi biết anh ta tới tòa nhà nào và đi theo con đường nào”.

Edmée D. chính là người phụ nữ mặc áo đỏ đi đằng sau Henri Aubry và René Hardy. Nữ điệp viên hai mang này, trong một phiên tòa, đã khai rằng, trước khi cuộc họp diễn ra khoảng hai giờ, cô đã để lại thông điệp cảnh báo sự phản bội của “Didot” cũng như kế hoạch vụ bắt giữ ở Caluire. Song, người nhận phát hiện ra thông điệp quá muộn, khiến cuộc kháng chiến của lực lượng CNR đi vào ngõ cụt. Vị anh hùng của nước Pháp Jean Moulin bị bắt, bị tra tấn và hy sinh. Hiện nay, mộ của ông được đặt ở nghĩa trang Père Lachaise.

Theo An ninh Thế giới