Vụ ám sát tiến sĩ Kassy Manlan
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 15:08, 23/10/2018
Xế trưa này 21-11-2001, thi thể của Tiến sĩ Kassy Manlan, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại quốc gia Burundi, châu Phi, được tìm thấy cạnh bờ hồ Tanganyika, Burundi. Theo tính toán của những kẻ chủ mưu, hồ Tanganyika có nhiều cá sấu và nó sẽ ăn thịt ông. Như vậy, chẳng còn chứng cứ nào nữa.
Tiến sĩ Kassy Manlan bị giết bởi ông đã phanh phui một đường dây tham nhũng, ăn cắp tiền viện trợ của WHO cho Burundi để mua thuốc sốt rét khi dịch bệnh ấy đang hoành hành ở quốc gia này…
Quên mình chống tham nhũng
Sinh ngày 12-9-1947 ở Abidjian, thủ đô nước Bờ biển Ngà (Côte d'Ivoire), châu Phi, sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y khoa Abidjian, Kassy Manlan tiếp tục chương trình sau đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Các bệnh về gan và bệnh đường tiêu hóa".
Tiến sĩ Kassy Manlan trong lễ nhậm chức đại diện WHO ở Burundi.
Từ năm 1972 đến 1995, Tiến sĩ Kassy Manlan là giảng viên Đại học Y khoa Abidjian và cũng là cố vấn cho WHO ở Burundi. Trong thời gian đó, ông đã công bố hơn 50 bài viết về y học trên các tạp chí chuyên ngành thế giới. Cuối năm 1995 đến 2001, ông chính thức làm việc cho WHO với vai trò Giám đốc Chương trình phát triển nhân lực và sức khỏe thuộc Văn phòng khu vực của WHO tại châu Phi. 3 tháng trước khi bị ám sát, ông được WHO cử làm đại diện tại Burundi.
Thời điểm trước ngày Tiến sĩ Kassy Manlan trở thành đại diện WHO tại Burundi thì quốc gia này đang có dịch sốt rét bùng phát trên diện rộng với con số mắc bệnh lên đến gần 300.000 người. Do thiếu nguồn tài chính để mua thuốc nên nhiều người đã chết. Không thể khoanh tay ngồi yên, Tiến sĩ Kassy Manlan nỗ lực vận động và kết quả là WHO đã quyết định tài trợ cho Chính phủ Brundi 1,5 triệu USD trong một chiến dịch chống lại căn bệnh mà người dân Burundi gọi là "tử thần nhiệt đới", xảy ra với biên độ quá lớn so với dịch sốt rét đã từng xuất hiện ở nước láng giềng Congo.
Tuy nhiên, khi lập xong kế hoạch mua và phân phối thuốc, Tiến sĩ Kassy Manlan gửi công văn, hỏi Ngân hàng Quốc gia Burundi BRB thì nơi này trả lời rằng chưa nhận được tiền, trong lúc WHO cho biết họ đã chuyển 1,5 triệu USD cho BRB.
Tiến hành tìm hiểu, Tiến sĩ Kassy Manlan phát hiện một chi tiết động trời: Tổng thống Burundi là ông Pierre Buyoya đã ra lệnh cho Banyiyezako, thống đốc ngân hàng BRB chuyển số tiền này đến một tài khoản trung gian của một công ty tư vấn có tên KOST International tại một ngân hàng ở Paris, Pháp. Dựa vào báo cáo của Tiến sĩ Kassy Manlan, WHO yêu cầu Burundi phải giải trình về sự nhập nhằng ấy nhưng do 1,5 triệu USD không được BRB đưa vào tài khoản nên BRB xem như chẳng biết gì, còn KOST International ngay sau khi nhận được tiền, nó nhanh chóng lột xác thành KOST Consulting!
Quyết không để vụ việc chìm xuồng, Kassy Manlan tiếp tục tìm hiểu. Dần dà ông phát hiện bà Gertrude Nyamoya - là trợ lý của ông - và Tiến sĩ Lamine Diarra, phó đại diện WHO tại Burundi, đã thông đồng với vợ chồng Tổng thống Pierre Buyoya để ăn cắp số tiền mua thuốc sốt rét. Những báo cáo do Tiến sĩ Kassy Manlan gửi về trụ sở WHO tại Liên Hiệp Quốc đã khiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là ông Kofi Annan cũng phải bàng hoàng, còn Kassi Manlan thì trở thành cái gai trong mắt Tổng thống Burundi Pierre Buyoya.
Diễn tiến vụ ám sát
Để giết Tiến sĩ Kassy Manlan nhằm xóa sạch dấu vết tham nhũng, Tổng thống Pierre Buyoya chỉ đạo đại tá Emile Manisha, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Burundi, đại tá Gerard Ntunzwenayo, Phó tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Burundi, thiếu tá Japhet Ndayegamiye, người đứng đầu Cơ quan Tình báo ở thành phố Bujumbura và đại úy Aloys Bizimana, chỉ huy tiểu đoàn vệ binh thành lập một nhóm đặc biệt. Là tay chân tin cậy của Buyoya, đại tá Emile Manisha với sự tiếp tay của cảnh sát, đã từng tổ chức nhiều vụ ám sát các nhân vật đối lập ở Burundi nên việc giết Kassy Manlan “chỉ là chuyện nhỏ”.
Một nhà kho được trưng dụng làm nơi khám bệnh khi dịch sốt rét hoành hành ở Burundi.
Thoạt đầu, đại tá Emile Manisha gọi Athanase Bizindavyi, Phó Giám đốc Cảnh sát và đồng thời cũng là Phó Giám thị Trại giam trung tâm đến văn phòng. Nguyên là ở nơi này, có 2 sĩ quan cảnh sát là Nuni Martin Dieudonné Nkurunziza đang chịu án phạt 8 năm tù, và Ngangura Mugenzi, tù chung thân do tuyển mộ những tên tội phạm rồi chứng nhận họ là "tình báo viên" để thực hiện những vụ bắt cóc, tống tiền, giết người.
Sau khi bàn bạc, Emile Manisha và Bizindavyi thống nhất rằng tối ngày 20-11- 2001, Nkurunziza cùng Mugenzi sẽ được bí mật đưa ra ngoài bằng chiếc xe tải lấy cắp của một tổ chức nhân đạo phi chính phủ.
Khi việc sát hại Tiến sĩ Kassy Manlan hoàn tất, Bizindavyi đưa họ trở lại trại giam để tạo bằng chứng ngoại phạm rồi lúc vụ việc đã chìm xuồng, cả hai sẽ được phóng thích với phần thưởng mỗi người 10 triệu franc Burundi (tương đương 10 nghìn USD). Để hỗ trợ cho vụ ám sát, Bizindavyi còn điều động thêm 9 cảnh sát khác, làm nhiệm vụ vô hiệu hóa 3 nhân viên bảo vệ an ninh cho Tiến sĩ Kassy Manlan.
10 giờ tối ngày 20-11- 2001, Tiến sĩ Kassy Manlan từ văn phòng trở về nhà riêng nhưng không hề biết rằng tài xế của ông đã bị nhóm sát thủ khống chế. Khi người tài xế vừa mở cánh cửa xe thì lập tức, Bizindavyi lôi ông vào ghế sau, nơi Nkurunziza và Mugenzi đã ngồi sẵn. Tại nhà ông, 9 cảnh sát vô hiệu hóa 3 nhân viên bảo vệ bằng cách đánh họ bất tỉnh.
Khi dẫn Tiến sĩ Kassy Manlan vào nhà, đích thân Bizindavyi đưa ông đến chiếc bàn nơi đặt máy tính rồi bắt ông phải cung cấp mật khẩu mở máy. Sau đó, Bizindavyi xóa sạch tất cả những hồ sơ liên quan đến vụ 1,5 triệu USD tiền mua thuốc sốt rét. Cẩn thận hơn, Bizindavyi còn tháo lấy ổ cứng rồi đập nát nó. Cuối cùng, 2 tù nhân là Nkurunziza và Mugenzi thay nhau đánh vào đầu Tiến sĩ Kassy Manlan cho đến khi ông tắt thở.
Xác ông được bỏ vào chiếc xe tải, chở đến bờ hồ Tanganyika, cách đó gần 2km. Lúc đầu, bọn sát nhân định ném xác ông xuống hồ cho cá sấu ăn thịt nhưng vị trí nơi bọn chúng dừng xe lại nằm gần một câu lạc bộ du thuyền, lúc ấy vẫn còn khá nhiều người thức nên chúng bỏ ông ngay cạnh bờ hồ vì chúng tin rằng lũ cá sấu ngửi thấy mùi máu, sẽ bò lên và như vậy, sẽ chẳng còn một manh mối nào nữa.
Trưa hôm sau, ngày 21-11, một số thủy thủ ở câu lạc bộ du thuyền phát hiện tử thi của Tiến sĩ Kassy Manlan. Như thường lệ, Tổng Chưởng lý Burundi (tương đương Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ở một số nước) chỉ đạo cảnh sát Burundi mở cuộc điều tra và trong thời gian 2 tuần, phải có báo cáo nhưng hết thời hạn này, cuộc điều tra vẫn vẫn giậm chân tại chỗ với lý do "nhân viên bảo vệ của Tiến sĩ Kassy Manlan không cung cấp lời khai".
Việc giết hại Tiến sĩ Kassy Manlan đã gây nên một làn sóng phẫn nộ ở WHO và cả Liên Hiệp Quốc. Trong một thông báo chính thức, Tổng Giám đốc WHO là Tiến sĩ Gro Harlem Brundtlan viết: "Chúng tôi rất đau buồn khi nghe tin về cái chết bi thảm, không đúng lúc của Tiến sĩ Kassy Manlan, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Burundi. Bằng tất cả mọi nỗ lực của mình, ông đã làm việc không ngừng nghỉ để mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân châu Phi. Cái chết của ông sẽ để lại khoảng trống trong lòng nhiều người, đặc biệt là ở Burundi. Chúng tôi sẽ nhớ mãi những đóng góp của ông vì sự phát triển của Liên Hiệp Quốc…".
Do không tin vào cuộc điều tra của cảnh sát vì Pierre Buyoya vẫn là tổng thống Burundi nên WHO quyết định nhờ đến Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI. Trong suốt 2 năm sau đó, 2 sĩ quan đặc vụ của FBI đã đi nhiều nơi trên thế giới để thu thập bằng chứng về vụ ám sát Tiến sĩ Kassy Manlan, trong đó có cả văn bản của ông Claude Beke Dassys, Đại diện thường trực Cộng hòa Bờ Biển Ngà tại Geneva, nội dung nói rõ vụ ám sát Tiến sĩ Kassy Manlan được chủ mưu bởi Tổng thống Pierre Buyoya và vợ là bà Sophie Buyoya, dựa vào tài liệu do bà Gertrude Nyamoya - là trợ lý của Tiến sĩ Kassy Manlan - và Tiến sĩ Lamine Diarra, phó đại diện WHO tại Burundi cung cấp, còn những kẻ trực tiếp nhúng tay giết người là Bizindavyi, Nkurunziza và Mugenzi.
Về phía báo chí, Đài phát thanh Công cộng châu Phi (Radio Public Africa -RPA) là cơ quan thông tấn tư nhân đầu tiên ở Burundi cử phóng viên tham gia tìm hiểu. Trên sóng của đài này, họ trực tiếp cáo buộc Tổng thống Pierre Buyoya và hậu quả là tháng 5-2002, cảnh sát ra lệnh cấm RPA đưa tin về vụ giết Tiến sĩ Kassy Manlan với lý do gây cản trở cuộc điều tra. Tuy nhiên các phóng viên của RPA vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc phỏng vấn những người liên quan. Đến cuối năm, Giám đốc RPA Alexis Sinduhjie nhận được lời đe dọa từ một cú điện thoại nặc danh, nội dung ông sẽ "biến mất vĩnh viễn" nếu cứ ngoan cố theo đuổi vụ việc.
Công lý muộn màng
Ngày 30-4-2003, do hậu quả của cuộc nội chiến giữa người Hutu và người Tutsi ở Burundi, dẫn đến 150.000 dân thường thiệt mạng, Tổng thống Pierre Buyoya đồng ý bàn giao quyền lực cho ông Ndayizeye. Chỉ đến lúc đó, vụ ám sát Tiến sĩ Kassy Manlan mới được hâm nóng trở lại bằng việc Ủy ban điều tra ra lệnh bắt giam Tiến sĩ Lamine Diarra, Phó đại diện WHO tại Burundi và bà Gertrude Nyamoya, trợ lý của Tiến sĩ Kassy Manlan.
Nkurunziza, một trong hai kẻ trực tiếp giết Tiến sĩ Kassy Manlan bị dẫn giải vào trại giam
Tuy nhiên, do Tiến sĩ Lamine Diarra được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao nên chỉ có bà Gertrude Nyamoya phải vào nhà đá! Trong tù, bà Gertrude Nyamoya khai ra những nhân vật chủ chốt, trực tiếp giết Tiến sĩ Kassy Manlan là Bizindavyi, Phó Giám đốc Trại giam trung tâm cùng 2 tù nhân Nkurunziza và Mugenzi.
Khi các tên Bizindavyi, Nkurunziza và Mugenzi bị bắt, Jean Pierre Nyamoya, là anh trai bà Nyamoya, lúc ấy làm việc tại Cơ quan An ninh công cộng Burundi PSP đã nhờ lính canh trại giam tác động Bizindavyi, Nkurunziza và Mugenzi để họ thay đổi lời khai với phần thưởng hậu hĩnh 7 triệu USD. Tuy nhiên, trong số 3 người ấy, chỉ một mình Mugenzi không chấp thuận. Hậu quả là suýt nữa anh ta đã bị một tù nhân cùng buồng giam đánh đến chết nếu không nhờ những tù nhân khác can thiệp.
Tháng 5-2003, tòa án Burundi mở phiên xét xử sơ thẩm vụ giết hại Tiến sĩ Kassy Manlan với 13 bị cáo, kéo dài mãi đến tháng 5-2005 mới tuyên án. Trong đó 4 người lĩnh án tử hình gồm đại tá Emile Manisha, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Burundi, đại tá Gerard Ntunzwenayo, Phó tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Burundi, thiếu tá Japhet Ndayegamiye, người đứng đầu Cơ quan Tình báo ở thành phố Bujumbura và đại úy Aloys Bizimana, chỉ huy tiểu đoàn vệ binh. 3 người lĩnh án tù chung thân là Bizindavyi, Nkurunziza và Mugenzi, 2 người lĩnh án 10 năm, số còn lại lĩnh án 2 năm.
Riêng cựu Tổng thống Pierre Buyoya, đêm cuối cùng trước ngày mở phiên tòa, ông ta sang Mỹ! Và bởi vì nước Mỹ với Burundi thời điểm ấy không có hiệp ước dẫn độ nên Pierre Buyoya xem như hạ cánh an toàn…