Kế hoạch phát triển KT-XH còn thiếu giải pháp cụ thể
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Đa số các đại biểu đều cho rằng thời gian qua, về cơ bản chúng ta đã giữ được tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ được chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên trong năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội xuất hiện những diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đánh giá đúng hiện trạng, có giải pháp khắc phục những khó khăn để đảm bảo an sinh xã hội và giữ được mức độ tăng trưởng hợp lý.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Đánh giá về các chỉ tiêu chung về kinh tế như nợ công, lạm phát, bội chi, nhập siêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2012 và giai đoạn 2011-2015, các đại biểu đều cho rằng các chỉ tiêu này là khả thi và bám sát đặc điểm cụ thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, từng chỉ tiêu cụ thể lại vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết.
Về nợ công, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, nợ công năm 2011 chỉ bằng 54,6% GDP, trong khi nợ công 2015 được Chính phủ điều chỉnh bằng 60-65% GDP là khá cao. Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa xây dựng được ngưỡng cụ thể về nợ công an toàn nên Quốc hội càng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn chỉ tiêu này, bởi với các nước đang phát triển hiện nay, nợ công an toàn thường ở ngưỡng 40% GDP.
Về 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề xuất, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Chính phủ cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào 3 đột phá gồm: thể chế, chất lượng nguồn lực, hệ thống hạ tầng với mô hình tăng trưởng là chọn chiều sâu và hiệu quả hơn là tốc độ và chiều rộng.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM), Chính phủ đặt giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng nhưng cần chỉ ra cụ thể các bước để tái cấu trúc. Đối với từng nhiệm vụ trong tái cấu trúc kinh tế, cần tập trung tái cấu trúc đầu tư công dựa trên 2 nguyên tắc: đầu tư vào đâu có thể tạo ra nguồn thu và đầu tư mang tính “mồi” để khơi nguồn lực…
Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cần ấn định thời gian công khai, minh bạch thông tin hoạt động như các doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán. Còn việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ việc củng cố niềm tin cho các ngân hàng hoạt động.
Đại biểu Ngọc Hòa (đoàn TP.HCM) kiến nghị các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc ngân hàng như rà soát lại hệ thống ngân hàng, ngân hàng nhỏ cần được khoanh nợ, mua lại nợ và tiến hành sáp nhập các ngân hàng này; tăng cường việc giao dịch thương mại qua ngân hàng…
Đại biểu Nguyễn Bắc Son (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng nên theo hướng tăng cường cung cấp các dịch vụ ngân hàng, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động cung cấp vốn. Hiện, hệ thống ngân hàng cung cấp tới 89% vốn cho sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu Ngọc Hòa, để đa dạng hóa và tăng nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, cần tăng cường hiệu quả của các kênh đầu tư khác, nhất là thị trường chứng khoán. Đại biểu đề xuất 3 giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán: đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; khi cổ phẩn hóa doanh nghiệp cần tính cả các yếu tố như thương hiệu, đất đai; thu gọn các công ty chứng khoán.
Bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đưa ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức về lạm phát cao và kéo dài. Việc chẩn đoán bệnh đã trúng, nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể, hữu hiệu.
Hệ thống phân phối từ người nông dân đến tay người tiêu dùng vẫn bị khâu trung gian lũng đoạn, đẩy giá tăng vô lý; tình trạng bán hàng không hóa đơn phổ biến đến 90% khiến cơ quan chức năng không kiểm soát được giá cả, thất thu thuế. Đặc biệt, Việt Nam đã hướng về xuất khẩu hàng chục năm, nhưng năm nào cũng nhập siêu, dẫn tới độ mở của nền kinh tế năm 2011 lên tới 164% GDP. Với độ mở này, nếu kinh tế thế giới có khủng hoảng, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh...
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác như nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học, vấn đề việc làm…
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với hơn 400 trường đại học và cao đẳng, song sự phát triển quá nhanh về số lượng lại không song hành cùng chất lượng. Ngoài việc thiếu trầm trọng giáo viên giảng dạy, hệ lụy là chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học không đảm bảo, nhất là nhóm trường dân lập, tư thục. Việc Đà Nẵng không tuyển công chức tốt nghiệp từ các trường dân lập, tư thục, tại chức là minh chứng cho thấy sự suy giảm lòng tin về chất lượng đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề lạm thu ở các trường phổ thông, đại học với nhiều khoản thu vô lý cũng cần phải được xem xét.
Bàn về vấn đề việc làm cho người lao động, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay, việc tăng lương hiện nay mới gắn với việc bù trượt giá, mà chưa gắn với năng lực của người lao động. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, chỉ có 1/3 lao động là làm việc thực sự, gây lãng phí ngân sách. Vì vậy, trong đường lối phát triển 5 năm tới đây, Chính phủ nên xây dựng lộ trình giảm biên chế đi kèm với các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả đôi ngũ công chức, viên chức nhà nước.
Điều quan trọng được nhiều đại biểu tán thành là để kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện thành công thì phải tạo được sự đồng thuận và lòng tin của toàn xã hội. Bản thân đội ngũ lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính - đại biểu Bạch Mai nhấn mạnh.
Sáng thứ Hai (24-10), các đại biểu tiếp tục thảo luận tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.
Lan Phương