Những vụ mất tích kỳ bí ở “Tam giác Bennington”
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 17:16, 20/10/2018
Tuy nhiên, vụ mất tích ám ảnh của Paula Jean Welden được cho là vụ án nổi tiếng nhất, và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hình thành Sở Cảnh sát bang Vermont vào năm 1947.
Paula Jean Welden mất tích vào ngày đầu tiên của tháng 12-1946 và cho đến nay việc cô đã đi đâu hay gặp phải chuyện gì vẫn là điều ám ảnh thị trấn yên tĩnh này.
Vào thời điểm mất tích, Paula là sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Bennington và đang có ý định chuyển sang nghiên cứu về thực vật. Cô gái trẻ Paula học hành chăm chỉ với thành tích khá tốt, và còn có một công việc làm thêm tại tiệm cà phê của trường học.
Ngày 1-12-1946, Paula nói với người bạn cùng phòng, Elizabeth Johnson, rằng cô sẽ bỏ buổi học hôm đó vì quá mệt mỏi để đi dạo tại “Long Trail”, một con đường mòn dài 270 dặm (hơn 400km) gần trường học của cô, xuyên qua rừng cây và hướng về phía bắc Bennington tới tận biên giới với Canada.
Có nhiều người bị mất tích một cách bí ẩn ở Địa danh “đường mòn dài” tại Bennington.
Một vài người đã gặp Paula khi cô đang trên đường tới Long Trail, trong đó có một nhóm người chuyên đi bộ đường dài. Một trong số những người này đã cảnh báo Paula rằng bộ quần áo cô mặc, gồm chiếc quần jeans và áo parka, có thể không đủ ấm cho quãng đường phía trước.
Tuy nhiên, Paula vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục đi về phía bắc. Paula không hề mang theo tiền và thậm chí còn bỏ lại tấm séc mà cha mẹ chuyển cho cô. Ernest Whitman, một nhân viên làm việc cho Bennington Banner, đã chỉ đường cho Paula. Một cặp vợ chồng già cũng nói rằng nhìn thấy cô trên con đường mòn này ở khoảng cách khá gần song cô đột nhiên biến mất sau khi rẽ vào một góc đường. Không ai nhìn thấy Paula Jean Welden nữa.
Khi không thấy Paula trở về vào tối hôm đó, Elizabeth Johnson nghĩ rằng bạn cô đã dành cả đêm để học bù trên thư viện. Tuy nhiên, sáng hôm sau, cô bắt đầu lo ngại khi nhận ra Paula chưa trở về từ chuyến đi dạo, nên nhanh chóng báo giới chức của trường. Trường Bennington yêu cầu các sinh viên phải đăng ký khi muốn ở ngoài ký túc xá qua đêm song tên của Paula không hề xuất hiện trong danh sách này.
Khi trường học và bạn bè của Paula không tìm được cô, họ liền gọi cho cảnh sát trưởng. Những lời đồn đại nhanh chóng lan rộng trong ký túc và cộng đồng dân cư không mấy đông đúc trong khu vực. Hàng loạt giả thuyết đã được đặt ra như Paula tự tử, lạc đường và thậm chí là bị sát hại. Trường học đã đóng cửa vài ngày để sinh viên và các giáo viên có thể tham gia công tác tìm kiếm. Lực lượng cứu hỏa và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng góp mặt song mọi cuộc tìm kiếm đều vô vọng, dù người ta đã treo thưởng tới 5.000 USD cho ai tìm thấy Paula.
Cha ruột của Paula cũng bị đưa vào diện tình nghi khi ông vắng mặt khỏi nơi ở tới 36 giờ đồng hồ, và câu trả lời mà ông đưa ra với cảnh sát là ông đã đi tìm cô gái trẻ. Câu chuyện càng trở nên đáng ngờ hơn khi người ta nhận ra rằng cuộc sống gia đình của cô gái 19 tuổi này không thực sự đẹp đẽ và hạnh phúc như bố mẹ cô khai báo với cảnh sát. Còn bố của Paula nói với cảnh sát rằng ông nghi ngờ Paula buồn phiền vì chuyện tình cảm và người mà cô gái thích cũng nên nằm trong diện tình nghi.
Quá trình tìm kiếm vẫn tiếp tục song không ai tìm thấy Paula hay thi thể của cô. Nhà nghiên cứu các hiện tượng huyền bí, tác giả người Anh Joseph Citro cho rằng vụ mất tích bí ẩn của Paula Jean Welden có liên quan tới giả thuyết về “tam giác Bennington”, một giả thuyết được nêu lên để lý giải cho những vụ việc biến mất bởi các nguồn năng lượng đặc biệt từ những vị khách ngoài không gian.
Citro lần đầu nhắc đến cái tên “tam giác Bennington” ám chỉ khu vực phía Tây Nam Vermont trong một chương trình phát thanh đại chúng năm 1992, và sau đó còn nhiều lần nhắc đến khu vực này trong các cuốn sách của mình viết về các vụ mất tích bí ẩn và những đồ vật kỳ bí trong khu vực. Citro so sánh các hiện tượng trong khu vực với những gì diễn ra ở Tam giác quỷ Bermuda hay Masschusetts.
Khu vực “tam giác Bennington”, không được chỉ rõ song có ý kiến cho rằng nó bao gồm dãy núi Glastonbury, cùng một số thị trấn lân cận như Benning, Shaftesbury, Woodforde và Somerset. Những thị trấn này từng rất đông đúc và trù phú vì hoạt động khai thác và kinh doanh gỗ diễn ra nhộn nhịp. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 19, khi tốc độ phát triển chững lại và dân số dần giảm đi, một vài khu vực trở nên vắng vẻ và hoang vu.
Để giải thích cho vụ mất tích của Paula Jean Welden hay hàng loạt vụ mất tích bí ẩn trong khu vực trước và sau đó, trong cuốn sách “Quái vật Vermont”, Citro cho rằng ở vùng núi Glastonbury có những tảng đá ăn thịt người, những thực thể mà người Mỹ bản địa đều biết đến và tìm mọi cách tránh xa. Những tảng đá này đủ lớn và khi nạn nhân vô tình bước lên chúng, chúng sẽ biến dạng và nuốt trọn nạn nhân.
Tuy nhiên, tất cả cho tới nay vẫn chỉ là giả thuyết. Ngoài Paula Jean Welden, khu vực này còn chứng kiến nhiều vụ mất tích chưa có lời giải như Minnie Rivers, 74 tuổi, một thợ săn lão luyện và thông thạo khu vực mất tích năm 1945; cựu binh James Ted Freg mất tích sau Paula đúng 3 năm; Paul Jetson, một cậu bé 8 tuổi mất tích vào tháng 10-1950 khi mẹ cậu để con lại trên xe tải khoảng 1 giờ để cho gia súc ăn; hay Freda Linger mất tích 16 ngày sau đó. Tháng 5-1951, thi thể của bà Linger được tìm thấy gần hồ Somerset và đây là trường hợp duy nhất trong số 5 vụ mất tích bí ẩn mà người ta tìm thấy nạn nhân.