Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ

Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 17:50, 08/12/2015

Hơn 20 năm trước, cô bé Brianne Kiner lúc đó mới 9 tuổi, bất đắc dĩ trở thành “người nổi tiếng”.

Trong suốt những năm 1993-1994 tên của cô được báo chí, truyền hình nhắc tới hầu như mỗi ngày, khởi đầu cho một loạt vụ kiện ngộ độc thực phẩm lớn nhất nước Mỹ thời đó.

Từ một ca bệnh

Thứ Tư ngày 13/1/1993, Brainne được chuyển tới Bệnh viện Nhi thành phố Seattle vì cô bé bắt đầu đau bụng từ ba ngày trước. Một tuần trước, Brianne đã hai lần ăn bánh mì kẹp thịt bò tại cửa hàng thức ăn nhanh Jack in the Box. Trong lúc dẫn con tới phòng khám bác sĩ gia đình, mẹ của Brianne phát hiện dấu vết máu trong nước tiểu con gái. Xe cấp cứu chở cô bé thẳng tới bệnh viện.

Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ
Brianne Kiner trên giường bệnh.

Brianne được đưa vào phòng cấp cứu do bệnh tình của cô rất nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán Brianne bị hội chứng tán huyết, tăng urê máu (HUS), một biến chứng nguy hiểm gây ra bởi khuẩn E. coli sau nhiều ngày tiêu chảy và thường gây suy thận đe dọa tính mạng.

Trường hợp của Brianne, tình hình trở nên tệ hại hơn khi nhiều bộ phận cơ thể cô lần lượt ngưng hoạt động. Một tuần sau Brianne rơi vào cơn hôn mê kéo dài tới 42 ngày. Cô bị phù toàn thân, da vàng. Các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ ruột già của cô bé. Do lá lách của Brianne tê liệt, không thể sản xuất ra insulin nên cô bị tiểu đường. Brianne đành sống nhờ các máy trợ tim, phổi và thận. Đã có nhiều thời điểm, các bác sĩ và cha mẹ cô bi quan rằng Brianne không qua khỏi.

Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ
Một cửa hàng Jack in the Box.

Tuy nhiên, vào hôm 24/2 Brianne tỉnh lại và dần hồi phục. Thế nhưng, phải mất tới 4 tháng, tức vào ngày 28/6/1993, Brianne mới được xuất viện. Hơn 1.000 cơn co giật trong gần nửa năm trời khiến hầu hết các cơ quan nội tạng và não bị thương tổn, cơ bị teo đã buộc Brianne, như một đứa trẻ chưa tròn một tuổi, phải học làm lại mọi việc mà trước đây cô từng dễ dàng thực hiện như đi đứng, nói năng, thậm chí phải học nhai do hàm bị cứng đơ.

Nhưng ở tuổi ngoài 30, khi nhìn lại quá khứ Brianne Kiner cho rằng cô đã may mắn vì đã sống sót. Cùng nhiễm bệnh trong đợt dịch với Brianne có hơn 700 người, trong đó khoảng 170 người nhập viện và 4 trẻ em qua đời.

Cùng lúc Brianne Kiner phát bệnh, Sở Y tế Washington (WDOH) được tin rằng số bệnh nhân nhập viện ở khu vực Seattle với triệu chứng đi cầu ra máu đang gia tăng, một vài trẻ em trong số đó được xác nhận hội chứng HUS do vi khuẩn E. coli dòng O157:H7.

Trong vòng 2 tuần, từ ngày 3/1 đến 17/1/1993, có 5 người, phần lớn là trẻ em ở Weston Washington đã vào viện với các triệu chứng đau bụng và đi tiêu chảy ra máu. Một vài em do suy thận phải chạy thận nhân tạo.

Chỉ riêng ngày 19/1 có 38 ca được ghi nhận với các triệu chứng tương tự. Khoảng 40% bệnh nhân dưới 6 tuổi và 2/3 số bệnh nhân trên 15 tuổi. Có nạn nhân tử vong do suy thận, bao gồm một bé gái 2 tuổi ở hạt Snohomish, một bé trai 2 tuổi khác ở Tacoma và một bé trai 16 tháng tuổi ở Bellingham.

Nguy hại từ bánh mì kẹp

Ngay lập tức, WDOH tiến hành điều tra dịch tễ và phát hiện hầu như tất cả các bệnh nhân nói trên, cũng như Brianne Kiner, từng ăn bánh mì kẹp thịt (hamburgers) bò ở các cửa hàng thức ăn nhanh Jack in the Box vài ngày trước khi phát bệnh. Một số hiếm trường hợp lây nhiễm thứ phát từ các nhà trẻ.

Qua kiểm tra, WDOH xác định thịt bò do Vons Companies of California cung cấp cho các cửa hàng Jack in the Box là nguồn gốc lây nhiễm khuẩn E. coli. Sau khi, dòng khuẩn E. coli O157:H7 được phân lập ở 11 lô bánh sản xuất hôm 29/11 và 30/11/1992, Jack in the Box ra lệnh thu hồi số bánh còn lại của lô hàng này.

Sau Washington, các bang khác đều tiến hành kiểm tra dịch tễ các trường hợp tiêu chảy ra máu phát hiện sau ngày 15/11/1992 và mối liên hệ với các cửa hàng Jack in the Box. Kết quả cho thấy tại bang Washington ghi nhận 602 ca đi cầu ra máu do vi khuẩn E. coli, trong đó vào thời gian cao điểm từ ngày 17/1 đến 20/1/1993 có 477 ca. Cả thảy có 144 ca phải nhập viện điều trị, 30 ca chuyển biến chứng sang HUS với 3 ca tử vong.

Ở bang Idaho xuất hiện 17 ca nhiễm E. coli O157:H7 trong thời gian từ 11/12/1992 đến 16/2/1993. Trong 4 người nhập viện, có 1 trường hợp HUS. Tại bang California, 1 đứa trẻ tử vong trong số 34 ca nhiễm bệnh trong thời kỳ từ 15/12/1992 tới 31/1/1993, còn ở bang Nevada, chỉ có 9 người nhập viện và 1 ca HUS trong thời kỳ từ 1/12/1992 tới 7/2/1993.

Cơ quan y tế xác nhận 73 cửa hàng của Jack in the Box trên toàn nước Mỹ là điểm phát tán vi khuẩn E. coli. Việc truy lùng nguồn gốc thịt bò mà Vons Companies Inc. cung cấp đã dẫn tới 5 nhà máy giết mổ ở Mỹ và 1 ở Canada.

Trong quá trình điều tra, người phát hiện ra rằng Foodmaker, công ty mẹ của Jack in the Box, có trụ sở tại San Diego đã từng bị cơ quan y tế địa phương cảnh báo rằng thịt bò trong bánh kẹp của họ đã không được nấu chín ở nhiệt độ cao theo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là nguyên nhân khiến E. coli còn sống sót trong bánh kẹp.

Foodmaker cho rằng nếu làm chín thịt bò ở nhiệt độ 69 độ C theo như yêu cầu của WDOH sẽ khiến thịt trở nên quá dai. Foodmaker biện hộ rằng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Liên bang (FDA) chỉ đòi hỏi nhiệt độ 60 độ C mà thôi.

Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ

Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ

Vụ án bánh mì kẹp thịt bò nhiễm khuẩn gây chấn động nước Mỹ
Bánh mì kẹp của Jack in the Box.

Chính phủ vào cuộc vì người tiêu dùng

Vụ kiện gây chấn động dư luận Mỹ. Tổng thống Bill Clinton kêu gọi Quốc hội tổ chức điều trần về độ an toàn của các nguồn cung cấp thực phẩm, còn Bộ trưởng Nông nghiệp đã phải trả lời chất vấn trước Viện lập pháp bang Washington. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã nâng yêu cầu mức nhiệt (bên trong sản phẩm) khi chế biến thịt cho bánh kẹp lên 69 độ C .

Sau khi Brianne ra viện, luật sư William Marler đã thay mặt cô bé và gia đình khởi kiện Jack in the Box và Foodmaker đòi bồi thường. Khoản tiền đạt được là 15,6 triệu USD, mặc dù đạt kỷ lục vào thời điểm đó nhưng chắc chắn chưa đủ lớn để bù đắp những mất mát và hậu quả mà cô bé phải chịu đựng suốt đời.

Tiếp theo, gia đình của khoảng 100 nạn nhân nữa trong vụ Jack in the Box đã đứng tên trong một vụ kiện tập thể khác. Khoản tiền bồi thường tuy không được công bố nhưng sau này Jack in the Box tiết lộ trong vòng 18 tháng sau vụ bùng phát vi khuẩn E. coli trong thịt bò, thiệt hại của họ là 160 triệu USD, bao gồm cả tiền bồi thường và mất mát doanh thu. Một số nguồn tin nói khoản bồi thường tập thể này chừng 50 triệu USD cũng là một con số kỷ lục thời đó. Ngoài ra, Jack in the Box cũng phải chi trả 58 triệu USD cho Vons Companies và 8 nhà cung cấp khác vì đã kéo họ rơi vào tình trạng “vạ lây”.

Bà Suzanne Kiner, mẹ của Brianne đã dùng một phần số tiền bồi thường để lập một quỹ từ thiện mang tên con gái nhằm giúp đỡ các gia đình có con mắc bệnh hiểm nghèo.

Vi khuẩn E. coli (tức Escherichia coli) hay còn được gọi là vi khuẩn đại tràng là một trong những loài vi khuẩn chính ký sinh trong đường ruột của động vật máu nóng (bao gồm chim và động vật có vú). Vi khuẩn này cần thiết trong quá trình tiêu hóa thức ăn và là thành phần của khuẩn lạc ruột.

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, người ta đã phát hiện chủng E.coli mới ký hiệu là E. coli O157: H7. Đây là chủng phổ biến nhất trong các E.coli gây bệnh tiêu chảy. Ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Khuẩn E. coli lây truyền qua đường phân, tay, miệng, qua các vật trung gian như bàn tay, vật dụng, thức ăn, nước uống… và được đưa vào cơ thể qua miệng. E. coli có thể xâm nhập vào thịt gia cầm hay thịt heo trong quá trình làm thịt nên nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín thì vi khuẩn có thể sống sót và thịt vẫn bị nhiễm khuẩn.

Người ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, thân nhiệt có thể hơi sốt. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, mỏi mệt, chân tay co quắp, đổ mồ hôi. Khi bệnh nhân bị nhiễm E. coli nghiêm trọng (tức có thể làm rối loạn máu và suy thận) thường có thêm các biểu hiện như da xanh, lạnh, yếu cơ, tiểu ít… Tùy từng trường hợp mà biểu hiện bệnh khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm E. coli thường tự hồi phục, điều trị chủ yếu bằng bù nước và điện giải.

 

Theo Báo Người tiêu dùng