Vì sao băng đảng môtô Bandidos đáng sợ nhất thế giới?
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 10:35, 24/05/2015
Từ sở thích “cuộc sống trên những cung đường mở”, trong quá trình phát triển, Bandidos đã đi chệch hướng và trở thành một trong những nhóm tội phạm khét tiếng nhất nước Mỹ. Bandidos bị cáo buộc có liên quan đến một chuỗi các hoạt động bất hợp pháp như: buôn bán ma túy đá, cần sa, trộm cắp xe máy, tống tiền, giết người, điều hành các ổ mại dâm…
Những kẻ bất cần mê “cung đường mở”
Băng môtô Bandidos có một khẩu hiệu chung: “Một người đứt tay, tất cả cùng chảy máu”. Không ai rõ kẻ nào đã vung dao trước, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều máu đổ trong ngày chủ nhật (hôm 17-5), khi Bandidos đụng độ và nổ súng vào các thành viên của một số băng môtô khác tại một nhà hàng ở Waco, Texas. Vụ đọ súng điên cuồng giữa ban ngày đã làm 9 thành viên băng đảng môtô thiệt mạng, 18 người bị thương và ít nhất 165 người bị bắt.
Theo Trung sĩ W. Patrick Swanton - một đại diện của cảnh sát Texas, có thời điểm có tới 30 thành viên băng đảng nổ súng bắn nhau tại khu đậu xe của nhà hàng Twin Peaks. Cảnh sát tìm thấy hơn 100 vũ khí và rất nhiều vỏ đạn sót lại sau vụ nổ súng. Đây là chương tồi tệ mới nhất trong lịch sử dài bạo lực liên quan tới các băng đảng môtô ở Mỹ. Bandidos là cái tên thường xuất hiện trong danh sách bạo lực đẫm máu.
Bandidos, băng đảng môtô (xe gắn máy) lớn nhất thế giới, tham gia vụ đấu súng hôm 17-5 ở Mỹ
Nhóm này hiện là băng đảng môtô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau băng Hells Angels, với khoảng 2.500 thành viên, có mặt ở khắp 13 quốc gia gồm: Mỹ, Đức, Australia, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Điển, Na Uy, Malaysia, Indonesia, Singapore, Costa Rica và Bỉ. Câu chuyện về Bandidos cho thấy sự trỗi dậy của các băng đảng môtô, từ chỗ là những câu lạc bộ (CLB) phản văn hóa đến các tổ chức tội phạm đáng sợ.
Bandidos là một mạng lưới tội ác
Các băng đảng môtô ở Mỹ ra đời sau Thế chiến II, khi hàng nghìn thanh niên trẻ, bị chấn thương tâm lý sau chiến tranh, trở về một đất nước mà họ không còn nhận ra. Nhiều người nhận thấy khó có thể hòa đồng, bắt nhịp được với cuộc sống thanh bình, nên đã tìm cách chối bỏ xã hội Mỹ. Băng Bandidos hình thành gần 20 năm sau Hells Angels, nhưng 2 băng nhóm này nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của nhau.
Theo lời truyền miệng trong băng đảng, người sáng lập Bandidos là Donald Chambers đã không ưa các băng môtô khác. Chambers thành lập Bandidos vào tháng 3-1966, khi mới 36 tuổi và đang làm việc trên các bến tàu ở Houston. Một trong những đàn em đầu tiên của đăng đảng này kể “Chambers muốn tập hợp những kẻ lái xe phân khối lớn bất cần đời, rong ruổi cả ngày trên chiếc Harley-Davidsons. Hắn muốn có những tay lái thiện nghệ nhất, luôn gắn cuộc sống trên những cung đường mở. Không luật lệ, không gì cả”.
Theo một tài liệu viết về các băng nhóm của nhà báo Skip Hollandsworth năm 2007, Chambers nói với bạn bè của mình rằng, ông ta đã đặt tên băng là Bandidos để nhớ đến những tên cướp người Mexico, không thích sống theo luật lệ của ai, trừ luật của chính họ. Chambers bắt đầu tuyển rất nhiều thành viên, không chỉ ở Houston mà còn tại nhiều quán bar của dân chơi môtô ở Corpus Christi, Galveston và San Antonio.
Nhưng khi Hells Angels và Bandidos mở rộng quy mô, 2 băng này đã chuyển từ CLB phản văn hóa thành các nhóm tội phạm có tổ chức tàn nhẫn. “Khi tình trạng bạo lực tăng lên, các hành vi của băng đảng môtô có thể đã không còn được che giấu nhờ luật im lặng. Chỉ tới khi ấy, các cơ quan thực thi pháp luật mới thực sự coi các băng này là thách thức lớn” - James F. Quinn, một giáo sư ở Đại học Bắc Texas đã nghiên cứu nhiều về các băng đảng môtô, nói.
Tới cuối những năm 1970, cảnh sát địa phương và các nhà điều tra liên bang Mỹ bắt đầu phát hiện sự dính líu của nhiều băng môtô trong hoạt động buôn ma túy, trộm cắp, tống tiền, điều hành gái mại dâm. Năm 1972, Chambers và 2 thành viên khác của băng Bandidos đã bị bắt vì tội giết 2 kẻ buôn ma túy ở El Paso. Cảnh sát nói rằng, trước khi sát hại 2 gã này, Chambers đã bắt họ phải tự đào huyệt cho mình. Chambers bị kết án tù chung thân.
Việc bắt giữ, tống giam Chambers và nhiều thủ lĩnh các băng môtô khác trong những năm 70 đã tạo ra một thế hệ lãnh đạo thứ hai. Thế hệ thứ hai này đã thu hẹp quy mô bạo lực, tập trung kiếm lời thông qua buôn ma túy và các hoạt động phạm tội khác. Tới những năm 1980, Bandidos trở thành nhóm tội phạm quốc tế. Hoạt động bạo lực theo đó bùng nổ trở lại. Năm 1984, một vụ nổ súng đã diễn ra giữa Bandidos và băng Comancheros, làm 7 người chết, 28 người bị thương tại Milperra (Australia).
Vào giữa những năm 1990, cuộc đại chiến kéo dài 3 năm giữa Bandidos và Hells Angels xảy ra ở vùng Scandinavia, đã làm ít nhất 12 người chết và gần 100 người bị thương. Trong đó xuất hiện việc sử dụng nhiều loại súng tự động, vũ khí quân sự với sức công phá mạnh chưa từng có trong các cuộc thanh trừng nhau giữa các băng đảng xã hội đen. Cuộc xung đột chỉ tạm chấm dứt sau tháng 4-2006, khi nhà chức trách tìm thấy xác 8 thành viên Bandidos ở một cánh đồng gần Toronto.
Steve Cook - sĩ quan cảnh sát khu vực Kansas City, hoạt động chìm trong một băng môtô có liên quan tới Bandidos, nói: “Những kẻ đang tham gia vào các hoạt động phạm tội có tổ chức cũng chính là những kẻ khủng bố trong nước. Chúng liên quan tới buôn bán ma túy đá, cần sa, cocaine, trộm cắp xe máy. Nhưng khi xuất hiện chúng lại chứng tỏ rằng mình là những người đam mê môtô và chỉ thích đi môtô”.
Theo Cook, hầu hết người Mỹ, trong đó có nhiều cảnh sát chưa nhìn nhận nghiêm túc các băng tội phạm môtô bởi vì “người ta vẫn tự cho phép mình lãng mạn hóa chúng”. Ngay cả cảnh sát cũng nghĩ rằng, “Ồ, họ chỉ là những gã đàn ông ưa để tóc dài, có nhiều hình xăm trổ với sở thích đi xe môtô. Nhưng trên thực tế, chúng buôn bán ma túy đá, giết người, tống tiền và đánh người mà không cần có lý do” - Steve Cook nói với tờ Washington Post.
Ông Cook hy vọng vụ nổ súng vừa qua sẽ thay đổi nhận thức dư luận. “Có lẽ đã tới lúc, cảnh sát và công chúng tháo bịt mắt và nhận ra những kẻ đó thực sự là ai. Chúng chỉ là bọn tội phạm” - ông nói.
“Bandidos tự nhận chúng là kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ xấu xa” - tờ Guardian dẫn lời Julian Sher, phóng viên điều tra từng viết sách về các băng đảng xe máy. Trong cuộc ẩu đả ở Waco, Bandidos là băng sở hữu bộ sưu tập tiền án, tiền sự nhiều nhất. Sher nhận định, sự việc ở Waco sẽ không làm hoen ố hình ảnh của Bandidos mà thậm chí còn giúp nhóm tuyển mộ thêm nhiều thành viên hơn nữa. “Nếu gia nhập Bandidos, ngay cả khi không phải là tội phạm thì bạn vẫn sẽ phải giao du với những tên tội phạm”, Sher nhấn mạnh. “Thành viên của Bandidos thậm chí còn tự gọi mình là đạo tặc. Chúng là một mạng lưới tội ác”.