Tin vắn thế giới ngày 19/2: Mỹ tập trung huấn luyện quân đội Ukraine tiết kiệm đạn
Chuyển động - Ngày đăng : 08:00, 19/02/2023
Ngoại trưởng G7 nhóm họp bên lề Hội nghị An ninh Munich
Ngoại trưởng nhóm nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 18/2 đã nhóm họp tại Munich, bên lề Hội nghị An ninh Munich (MSC) đang diễn ra tại thủ phủ bang Bayern, miền Nam nước Đức, để thảo luận về vấn đề Ukraine và một số vấn đề khác cùng quan tâm.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, việc các thành viên G7 nhóm họp nhằm bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine vào thời điểm gần một năm xảy ra cuộc xung đột này. Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt "mạnh mẽ" đối với Nga nhằm gây sức ép để Moscow kết thúc chiến dịch tại Ukraine.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức
Ukraine thông báo cuộc họp 3 bên đầu tiên với EU, NATO
Ngày 17/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này sẽ tổ chức cuộc họp 3 bên đầu tiên với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trên tài khoản Twitter, quan chức ngoại giao Kiev bày tỏ mong muốn sớm được gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell để tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác. Theo thông tin từ Vụ Báo chí của NATO, các quan chức trên sẽ gặp nhau ngày 21/2 tới tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.
Nhà Trắng: Các kênh liên lạc của Mỹ với Trung Quốc vẫn mở
Trong tình hình hiện nay, Mỹ sẽ không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc đối thoại giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jiping). Đây là tuyên bố của điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đưa ra ngày 17/2.
phát biểu với báo giới, ông Kirby tuyên bố người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thực hiện cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc vào “thời điểm thích hợp”, đồng thời khẳng định các đường dây liên lạc của Washington với Bắc Kinh vẫn mở. Quan chức Nhà Trắng cũng lưu ý rằng các kênh quân sự-quân sự giữa hai nước vẫn được đóng và "đây thực sự là điều cần điều chỉnh".
Binh sĩ Ukraine hoàn thành khóa học cấp tốc về xe chiến đấu Bradley ở Đức
Lầu Năm Góc thông báo nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên đã hoàn thành khóa huấn luyện vũ khí phối hợp cấp tiểu đoàn tại khu vực huấn luyện Grafenwoehr của quân đội Mỹ ở Đức.
Theo đài RT, khóa huấn luyện tập trung đào tạo cách sử dụng xe bọc thép M2 Bradley mà Mỹ hứa giao hồi đầu tháng 1 và bắt đầu được chuyển đến Đức trong tuần này. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder, cho biết trong một tuyên bố: “635 binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa học kéo dài khoảng 5 tuần”.
Mỹ tập trung huấn luyện quân đội Ukraine tiết kiệm đạn
Mỹ đang ưu tiên giúp binh sĩ Ukraine điều chỉnh cách chiến đấu, ít phụ thuộc vào các trận địa pháo và dựa nhiều hơn vào khả năng cơ động trên chiến trường. Theo tờ Politico, nguyên nhân là Mỹ lo ngại các nước phương Tây khó có khả năng bổ sung đạn dược nhiều để hỗ trợ Ukraine.
Ảnh minh họa: AP
Tổng thống Ba Lan cân nhắc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine
Trả lời phỏng vấn Ukrinform hôm 17/2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này cân nhắc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 đang phục vụ trong lực lượng không quân Ba Lan cho Ukraine và nếu một liên minh hàng không rộng lớn được thành lập để cung cấp máy bay cho Kiev, Warsaw chắc chắn sẽ tham gia.
Theo nhà lãnh đạo Ba Lan, nếu cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine phải mất nhiều tháng huấn luyện, đào tạo phi công Ukraine. Nhưng trong trường hợp máy bay MiG-29 hoặc máy bay Su được cung cấp cho Kiev, các phi công Ukraine gần như có thể sử dụng chúng ngay lập tức.
WFP cảnh báo hậu quả khi nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị ngừng trệ
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley ngày 18/2 cảnh báo việc không xem xét lại sáng kiến được Liên hợp quốc hậu thuẫn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bị Nga phong tỏa sẽ là thảm họa khi hàng triệu người ở châu Phi đang trên bờ vực của nạn đói.
Ông David Beasley cho rằng việc nối lại các cuộc đàm phán gia hạn Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, dự kiến trong một tuần tới là rất quan trọng. Ông nói: “Với tất cả các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt trên khắp thế giới như biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ quét, chúng ta không thể để Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen thất bại”.
Armenia và Azerbaijan thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận hoà bình
Ngày 18/2, lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã tiến hành cuộc đàm phán tại Munich (Đức) với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh những căng thẳng liên quan khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Theo phía Armenia, tham gia đàm phán tại Munich có Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Các bên đã đề cập đến tiến độ của dự thảo hiệp ước hòa bình giữa Yerevan và Baku.
Leo thang căng thẳng giữa Belarus và Ba Lan
Ngày 17/2, Belarus thông báo hạn chế các xe tải Ba Lan tiếp cận lãnh thổ nước này và trục xuất 1 nhân viên liên lạc sau khi Vácsava quyết định đóng 1 trong 3 cửa khẩu với nước này.
Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu Đại biện Ba Lan tới để bày tỏ phản đối quyết định của Vácsava, gọi đây là hành động đơn phương, thiếu tính nhân đạo. Theo biện pháp mới của Belarus, các xe tải chở hàng hóa của Ba Lan sẽ chỉ có thể vào hoặc rời khỏi Belarus thông qua các cửa khẩu trên biên giới thông thường của hai nước và không thể qua nước thứ 3 như Lítva hay Latvia.
Máy bay nhỏ mất tích ngay sau khi cất cánh ở Philippines
Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP) thông báo một chiếc máy bay 6 chỗ ngồi, loại Cessna 340, được cho là đã mất tích ngay sau khi cất cánh sáng 18/2 tại tỉnh Albay, phía Đông Nam thủ đô Manila của Philippines.
Theo CAAP, trên máy bay có 4 người, bao gồm phi công, 1 thành viên phi hành đoàn và 2 hành khách. Máy bay cất cánh lúc 6h43 tại Sân bay Quốc tế Bicol. Chiếc máy bay mang số hiệu RP C2080 đang trong lộ trình hướng tới Manila. Máy bay này được cho là đã mất liên lạc lúc 6h46.
Tìm kiếm máy bay Cessna mất tích với 6 hành khách. Ảnh: cnnphilippines.com
20 binh sĩ của Cộng hòa Trung Phi bị bắt làm con tin
Một nguồn tin cấp cao từ Cộng hòa Trung Phi ngày 17/2 cho biết khoảng 20 thành viên của Lực lượng Vũ trang Trung Phi (FACA) đã bị các chiến binh nổi dậy của Liên minh những người yêu nước vì sự thay đổi (CPC) bắt làm con tin.
Thông tin được công bố 3 ngày sau khi xảy ra vụ các tay súng CPC tấn công một căn cứ quân sự của FACA ở làng Sikididi, cách thủ phủ Birao của tỉnh Vakaga khoảng 200 km. Ít nhất 4 thành viên của FACA đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công này. Hiện chưa rõ 20 binh sĩ bị bắt cóc nói trên có liên quan đến vụ tấn công này hay không.
Bulgaria bắt giữ nhiều đối tượng liên quan vụ 18 người di cư tử vong trong xe tải
Sau khi phát hiện thi thể của 18 người di cư, trong đó có 1 trẻ em, bên trong thùng một xe tải đỗ gần thủ đô Sofia, ngày 17/2, cảnh sát Bulgaria đã mở rộng điều tra và bắt giữ khẩn cấp 3 đối tượng tình nghi liên quan.
Giám đốc Cơ quan Điều tra quốc gia Bulgaria Borislav Safarov cho biết xe tải nói trên chở gỗ và được phát hiện gần làng Lokorso trên đường vành đai cao tốc của thủ đô Sofia. Tất cả 52 người tị nạn, gồm cả 5 trẻ em, được giấu phía sau các súc gỗ trên xe đều là người gốc Afghanistan.
Lãnh đạo châu Phi yêu cầu các nhóm vũ trang rút khỏi miền Đông CHDC Congo
Cộng đồng Đông Phi (EAC) cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang rút khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở miền Đông CHDC Congo vào cuối tháng 3/2023.
Trong một thông báo đăng tải trên Twitter sau cuộc họp ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, EAC cho biết các nguyên thủ quốc gia đã chỉ đạo rút tất cả các nhóm vũ trang ra khỏi những khu vực bị chiếm đóng nói trên trước ngày 30/3 tới.
Latvia gửi xe của người vi phạm luật giao thông cho Ukraine
Kênh truyền hình RT đưa tin Quốc hội Latvia đã cho phép chính phủ tặng các phương tiện bị tịch thu của công dân nước này cho Ukraine. Quy định trên sẽ áp dụng đối với những chiếc xe bị tịch thu do vi phạm giao thông, chẳng hạn như lái xe trong tình trạng say xỉn.
Động thái thay đổi pháp lý trên vừa được thông qua sau cuộc bỏ phiếu ngày 15/2, được thúc đẩy bởi nhà lập pháp Raimonds Bergmanis, Chủ tịch Ủy ban Phòng chống Tham nhũng, Nội vụ và Quốc phòng thuộc Quốc hội Latvia.