Nga, Ukraine trao đổi hơn 200 tù binh
Chuyển động - Ngày đăng : 07:53, 17/02/2023
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, máy bay vận tải quân sự của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sẽ đưa các quân nhân được thả về Moscow để điều trị và phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng Nga.
Trong khi đó, ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết 100 binh sĩ và một thường dân Ukraine cũng đã được phía Nga trao trả.
Trước đó, Ukraine và Nga đã trao đổi tổng cộng gần 200 tù binh trong cuộc trao đổi được cả hai bên công bố vào ngày 4/2.
Theo Reuters, ông Andriy Yermak, chánh Văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết 116 tù binh Ukraine đã được phía Nga trả tự do trong cuộc trao đổi mới nhất. Trong khi đó, các hãng tin Nga dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết 63 tù binh Nga đã được phía Ukraine trả tự do.
Thi thể của hai tình nguyện viên người Anh là Andrew Bagshaw và Chris Parry cũng đã được gửi trở lại Ukraine trong đợt này. Hai tình nguyện viên người Anh này được cho là đã thiệt mạng trong cuộc sơ tán nhân đạo ở miền đông Ukraine vào tháng 1.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tù binh Nga được trả tự do bao gồm những người "thuộc diện nhạy cảm", nhưng không nói cụ thể.
Đầu tháng này, Tổng thống Volodymyr Oleksandrovych Zelensk cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2/2022, Ukraine đã đàm phán để Nga trao trả tổng cộng 1.762 người.
Cùng ngày 16/2, Nga thông báo trục xuất 4 nhà ngoại giao Áo nhằm trả đũa việc Vienna trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga hôm 2/2.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Vienna đã thực hiện "bước đi không thân thiện và phi lý" và đang hủy hoại lập trường trước đây của Áo là nước tôn trọng, không thiên vị và trung lập. Theo tuyên bố, 4 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Áo ở Nga sẽ phải rời khỏi Nga trước ngày 23/2.
Việc trục xuất các nhà ngoại giao hiếm khi xảy ra tại quốc gia trung lập Áo, nước vốn có quan hệ mật thiết với Moscow trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Quốc gia 9 triệu dân này có truyền thống coi mình là cầu nối giữa Đông và Tây. Tuy nhiên, tháng 4/2022, Áo đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga như một phần trong hành động chung của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.
Một số binh sĩ Ukraine được phóng thích sau cuộc trao đổi tù binh. Ảnh tư liệu: Reuters
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 16/2 đã chỉ trích việc Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét về gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga là hành động một lần nữa cho thấy EU không cung cấp được bất kỳ sự trợ giúp nào trong cuộc chiến chống nạn lạm phát hiện nay.
Trước đó, ngày 15/2, các quốc gia thành viên EU bắt đầu thảo luận về đề xuất liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới, là gói biện pháp thứ 10 của EU chống Nga.
Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh việc EU thảo luận về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga một lần nữa chứng minh rằng Hungary sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ EU trong cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra trầm trọng tại quốc gia này. Theo ông Szijjarto, EU lại tiếp tục chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt vốn đã được thực tế chứng minh là không có tác dụng.
Ngoại trưởng Szijjarto cũng nhìn nhận việc đại diện của một số quốc gia thành viên EU đã đưa ra đề xuất trong cuộc thảo luận ngày 15/2 "có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary", chẳng hạn như những đề xuất về việc ngăn vận chuyển dầu theo đường ống Druzhba hay hạn chế nghiêm ngặt việc hợp tác hạt nhân với Nga.
Theo ông Szijjarto, cho đến nay các lệnh trừng phạt của EU không phát huy tác dụng, không giúp ích gì cho nền kinh tế châu Âu và không giúp đạt được hòa bình. Ông cho rằng thay vì các biện pháp trừng phạt, EU cần tập trung vào việc kiến tạo hòa bình, cần đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình vì "đây là cách duy nhất để cứu sống con người".