Quỹ VinFuture chính thức phát động đề cử mùa giải 2023
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:48, 09/01/2023
Bước vào năm 2023, nhân loại đối mặt nhiều thách thức do ảnh hưởng từ các xung đột trên thế giới và kinh tế toàn cầu suy giảm. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program), thêm 50 triệu người có thể đứng trước bờ vực nạn đói năm 2023. Bên cạnh đó, tiêu thụ năng lượng toàn cầu dự kiến tăng giữa bối cảnh tăng trưởng chậm và giá năng lượng cao. Thiếu hụt nguồn cung khí đốt cho sinh hoạt và sản xuất có thể buộc các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, làm chậm quá trình chuyển đổi xanh.
Với tầm nhìn và sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại”, Giải thưởng VinFuture năm 2023 hướng đến công nhận và vinh danh các nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ mang tính đột phá, góp phần giải quyết những vấn đề nhân loại đang đối mặt và mang tới sự phát triển bền vững cho cuộc sống con người trong tương lai.
GS. Sir Richard Henry Friend – Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, cho biết: “Sự đa dạng trong các lĩnh vực được đề cử năm 2022 cho thấy nhận thức và mối quan tâm trên thế giới đang thay đổi. Nhân loại quan tâm và trăn trở nhiều hơn về một cuộc sống ổn định và bền vững sau những biến cố khó lường. Vì thế, chúng tôi mong muốn tìm ra những đổi mới và đột phá trên tất cả các lĩnh vực, nhằm vinh danh những sáng kiến khoa học tạo nên thay đổi tích cực và bền vững đối với chất lượng cuộc sống của con người. Chúng tôi tin rằng Giải thưởng VinFuture năm nay sẽ tiếp nhận nhiều hơn các đề cử chất lượng, từ đó tăng thêm cơ hội tìm ra những công trình, nghiên cứu xứng đáng”.
Giải thưởng chính của VinFuture (trị giá 3 triệu USD) đã được trao cho 5 nhà khoa học: Giáo sư Sir Tim Berners-Lee, Tiến sĩ Vinton Cerf, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Tiến sĩ Robert Kahn và Giáo sư Sir David Payne vì những nghiên cứu đột phá về công nghệ mạng toàn cầu.
Để tham gia mùa giải 2023, các phát minh, giải pháp khoa học công nghệ cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề cử của Giải thưởng*, và được đề cử bởi các tổ chức, các cá nhân uy tín về Khoa học Công nghệ trên toàn thế giới. Các dự án đề cử sẽ được đánh giá qua các bước sàng lọc và xét chọn của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng VinFuture, bao gồm các nhà khoa học uy tín, các chuyên gia hàng đầu thế giới từng sở hữu các giải thưởng danh giá như Nobel, Turing, Millennium Technology…
Trước đó, mùa giải VinFuture 2022 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng khoa học công nghệ toàn cầu, với 970 đề cử chất lượng từ các nhà khoa học, nghiên cứu, phát minh từ 6 châu lục trên toàn thế giới. Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã được trao cho 5 nhà khoa học: Giáo sư Sir Tim Berners-Lee, Tiến sĩ Vinton Cerf, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Tiến sĩ Robert Kahn, và Giáo sư Sir David Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho Tiến sĩ Demis Hassabis và Tiến sĩ John Jumper với công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2. Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh Giáo sư Thalappil Pradeep (Ấn Độ) với hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp. Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của Giáo sư Pamela Ronald trong việc phân lập gen Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn.
Cổng nhận đề cử năm 2023: https://online.vinfutureprize.org/nomination
Để biết thêm thông tin chi tiết về Giải thưởng:
- Hướng dẫn chi tiết về quy trình và biểu mẫu đề cử: https://online.vinfutureprize.org/nomination
- Các câu hỏi thường gặp: https://vinfutureprize.org/faqs/
- Danh sách những Chủ nhân Giải thưởng VinFuture đã được công bố tại Lễ Trao Giải ngày 20 tháng 12 năm 2022 cùng thông tin về các phát minh được trao giải: https://vinfutureprize.org/vi/nguoi-dat-giai/
* 10 tiêu chí đề cử Giải thưởng VinFuture:
- Cần có bằng chứng rõ ràng hoặc tiềm năng cho một sản phẩm hoặc giải pháp cuối cùng dựa trên ứng dụng thực tế;
- Các giải pháp đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm qua hoặc có khả năng mang lại lợi ích cho hàng triệu người trong 10 năm tới;
- Các giải pháp phải phù hợp với một hoặc nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs);
- Các giải pháp phải được chứng minh bằng khoa học (có bằng chứng rõ ràng về việc đã vượt qua các thử nghiệm khoa học liên quan và trong trường hợp nghiên cứu, nó phải được chứng minh bằng thực nghiệm hoặc được đánh giá rộng rãi);
- Mở rộng cho các nhà nghiên cứu hoặc nhà sáng chế đã tham gia vào việc phát triển các giải pháp cơ bản, chứ không phải các doanh nhân hoặc công ty đã giúp thương mại hóa/phổ biến công nghệ;
- Các sản phẩm cuối cùng của nghiên cứu phải có tiềm năng mang lại lợi ích cho mọi người trên toàn cầu, bao gồm cả những người đến từ các nước đang phát triển và kém phát triển, cũng như các cộng đồng có thu nhập thấp và thiệt thòi;
- Mở rộng cho các cá nhân hoặc nhóm các nhà nghiên cứu/nhà phát minh;
- Ưu tiên cho những người được đề cử trong giai đoạn hoạt động tích cực của sự nghiệp;
- Cùng một cá nhân/nhóm có thể được đề cử cho một hoặc nhiều Giải thưởng Đặc biệt của VinFuture nếu đủ điều kiện;
- Nghiên cứu/ Giải pháp/ Sáng chế được đề cử có thể thuộc bất kỳ chuyên ngành nào của khoa học, kỹ thuật hoặc công nghệ, bao gồm cả các phương pháp tiếp cận đa lĩnh vực.
Thông tin về Quỹ VinFuture: Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại – là quỹ hoạt động phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập. Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh Khoa học Công nghệ đột phá đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đô la Mỹ, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới; Ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Ngoài ra, Quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM. |