Tưng bừng khai hội Lễ hội chọi Trâu Hải Lựu
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:21, 08/02/2023
Thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam
Vào đầu ngày hội, tại sân chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Lễ khai hội chọi Trâu Hải Lựu xuân Quý Mão 2023. Sau 3 năm phải tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, Lễ hội chọi trâu truyền thống Hải Lựu diễn ra trong không khí mừng Đảng mừng xuân Qúy Mão, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về theo dõi, cổ vũ.
Rất đông người dân và du khách đã đến theo dõi lễ khai mạc sau nhiều năm bị gián đoạn do dịch Covid – 19.
Lễ hội năm nay có sự tham dự của 20 "ông cầu", được các chủ trâu đăng ký từ năm 2020 nhưng do dịch bệnh chưa được tham gia lễ hội, Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất 60 triệu đồng, 1 giải nhì 50 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 20 triệu đồng, các trâu không đạt giải được hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng.
Đặc biệt năm nay, nhằm thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tổ chức lễ hội, sân chọi trâu Hải Lựu tiếp tục được mở cửa tự do, không bán vé để du khách có cơ hội dự khán. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm để du khách về dự hội được thuận tiện và an toàn nhất.
An ninh được xiết chặt để đảm bảo an toàn trong giải đấu.
Phát biểu tại Lễ hội ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu cho biết Lễ hội chọi Trâu truyền thống Hải Lựu là một di sản văn hóa phi vật thể, tài nguyên du lịch mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính về thương mại hóa, đồng thời nêu cao tinh thần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của lễ hội để lan tỏa đến quần chúng nhân dân.
Ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu nêu cao giá trị văn hóa to lớn của Lễ hội chọi Trâu Hải Lựu mang lại.
“Việc bảo tồn, phát huy những vốn quý của lễ hội là nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Lựu nói riêng, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung để đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh cho nhân dân địa phương và du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, để lại những ấn tượng đẹp trong nhân dân và du khách, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư” ông Trung nhấn mạnh.
Rộn ràng lễ hội đầu Xuân mới
Sau tiếng trống khai hội, các trận đấu của các “ông Cầu” chính thức được diễn ra thu hút rất nhiều tiếng rèo hò, cổ vũ của khán giả.
Chọi trâu Hải Lựu được biết đến là lễ hội chọi Trâu có lịch sử lâu đời nhất cả nước, được tổ chức định kỳ vào tháng Giêng âm lịch, tính đến nay lễ hội khôi phục được 21 năm; tương truyền Lễ hội có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, lúc đó Thừa tướng Lữ Gia đóng quân ở Long Động trên đỉnh núi Thét thuộc thôn Dừa Cả, xã Hải Lựu đã cùng tướng sỹ chiến đấu chống giặc Hán, mỗi khi thắng trận, ông cho mở hội chọi trâu để khích lệ tinh thần tướng sỹ, sau đó cho mổ trâu chọi để khao thưởng quân sỹ và dân làng. Kể từ đó trở thành lễ hội chọi trâu hàng năm, dần trở thành một lễ hội nổi tiếng, ngày càng được nhiều người biết đến.
Theo ông Hà Văn Tuấn, thôn Dân Chủ, xã Hải Lựu là một trong những chủ trâu lâu năm tham dự cái giải đấu cho biết, lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những cổ tục đáng quý của địa phương, để chuẩn bị tổ chức lễ hội là một quá trình chuẩn bị khá công phu từ khi phân bổ nuôi châu, chăm sóc cho đến trước khi đưa trâu ra chọi.
Công tác tuyển chọn, nuôi dưỡng và giám sát Trâu chọi được tiến hành rất khắt khe và công phu.
Khác với nhiều địa phương, trâu thường do các cá nhân hoặc các xã trong một huyện mua về chăm sóc nuôi dưỡng, ở Hải Lựu các “Ông Cầu” được các tập thể (thường là các xóm làng hoặc họ tộc) cùng tham gia nuôi dưỡng và huấn luyện. Để giám sát việc nuôi trâu, làng cử ra 16 cụ cao niên gọi là “bốn bàn các cụ” để đảm bảo đúng theo quy định, khi tổ chức hội các nghi thức văn hóa tâm linh cổ là không thể bỏ qua.
“Lễ hội chọi châu Hải Lựu có rất nhiều vốn cổ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa từ xa xưa nên người dân chúng tôi rất muốn được bảo tồn như là một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia để có thể gìn giữ và phát triển cho nhiều thế hệ mai sau”. Ông Tuấn chia sẻ.
Lễ hội diễn ra trong tháng Giêng; Các "ông cầu" sẽ được thi đấu đối kháng loại trực tiếp, sau 19 trận đấu sẽ tìm ra "ông cầu" vô địch.