Lễ hội Ná Nhèm dưới góc nhìn chuyên gia

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 18:59, 07/02/2023

Lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là một nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng gắn liền với những sự tích văn hóa, tín ngưỡng của địa phương được người xưa truyền lại. Trong khuôn khổ lễ hội có rất nhiều những nghi lễ, thờ cúng mang đậm bản sắc văn hóa, với mong muốn được may mắn, bình an và sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, sự cảm nhận của mỗi người đều khác nhau, thay vì nhìn phiến diện ở một góc độ, chúng ta thử nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, để cảm nhận sâu sắc hơn về một di sản văn hóa phi vật thể.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đang xôn xao, bàn tán về câu chuyện rước lễ vật “tàng thinh” tại lễ hội Ná Nhèm được tổ chức tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Sau sự kiện đã có rất nhiều ý kiến cho rằng rước  “tàng thinh” như vậy là dung tục, phản cảm…Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận xét rằng, đó là một nghi thức văn hóa, phong tục của người dân bản địa đã được lưu truyền từ xa xưa. Còn lễ vật “tàng thinh” cũng chỉ là tượng trưng, là một trong nhiều vật phẩm cúng lễ trong nghi thức.

Xung quanh những bàn luận trái chiều này, để nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của chuyên gia, Phóng viên Báo Công lý đã có buổi trò chuyện cùng với Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang và TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa Phát triển (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

“Tàng thinh” là biểu tượng cho sự sinh sôi nẩy nở

Phóng viên: “Thưa Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang, tại lễ hội Ná Nhèm của xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn hôm 15/1 vừa qua, có tổ chức màn rước lễ vật sinh thực khí nam “Tàng thinh”, đây là một phần của việc tế lễ trong khuôn khổ lễ hội. Tuy nhiên, sau màn rước lễ vật thì đã nhận được rất nhiều những nhận xét trái ngược nhau, cả tiêu cực và tích cực về lễ hội. Dưới góc nhìn là một Nhà nghiên cứu Văn hóa, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này ạ?”

Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang: Lễ hội Ná Nhèm nằm trong chuỗi các lễ hội cổ truyền có nguồn gốc từ tín ngưỡng phồn thực của các quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Ý nghĩa của lễ hội này hướng đến một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Vì có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước cho nên việc gia tăng nguồn lực con người trong mỗi gia đình được xem là nhiệm vụ trọng yếu. Do đó hai loại hình sinh thực khí nam “Tàng thinh” và sinh thực khí nữ “mặt nguyệt” (Có nơi gọi là Linga và Yoni hoặc Nõ và Nường) là hai biểu tượng xuất hiện chính trong lễ hội này như là nguồn gốc của sự sinh sôi nảy nở con người.

Lễ hội Ná Nhèm dưới góc nhìn chuyên gia

Nghi lễ rước Vua tại lễ hội Ná Nhèm xã Tân Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Điều quan trọng nhất ở lễ hội này nằm là phần “lễ” với những nghi thức truyền thống thiêng liêng, còn phần “hội”, “rước” chỉ là phần minh hoạ. Do vậy các sinh thực khí trên dù thay đổi theo hình dạng, kích thước ra sao thì nó cũng chỉ dừng lại ở ý nghĩa tượng trưng. Ở một số nước đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các sinh thực khí được làm với kích cỡ rất lớn. Người dân ở những nước này quan niệm kích thước của các sinh thực khí phần nào phản ánh ước vọng phồn sinh trong nhân dân. Vì vậy chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề đạo đức đối với những biểu tượng này. Bởi chính ý nghĩa sâu xa, khát vọng sinh trưởng, xã hội phồn vinh đằng sau lễ hội ấy mới là nội dung chính và là điều cần quan tâm.

Phóng viên: “Theo như tôi tìm hiểu thì tại lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều những tiết mục tế lễ mang tính chất văn hóa truyền thống của người dân bản địa được lưu truyền lại, nhưng người xem lại chỉ đánh giá về phần rước lễ vật sinh thực nam khí “tàng thinh”, mà không nhìn nhận một cách tổng quan về lễ hội và các lễ vật khác. Ông nhận xét về vấn đề này như thế nào?”

Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang: Như trên tôi đã trao đổi, trong bất cứ lễ hội nào thì phần lễ với các nghi thức tín ngưỡng mới là yếu tố chính. Nghi thức ấy không chỉ là các vật tế, không chỉ là mật ngữ mà còn nằm ở việc chọn giờ, chọn vận khí, chọn người nam và người nữ tham gia phần lễ. Vì vậy nếu không có phần lễ thì phần hội không thể triển khai. Nếu như xem phần lễ là phần tâm linh thì phần hội chỉ là phần minh hoạ, diễn xướng, mô phỏng lại câu chuyện mà lễ hội đó ra đời. Cho nên chúng ta không nên quá đặt nặng phần hội, với những biểu tượng sinh thực khí mà xem nhẹ phần lễ; hoặc không nên chỉ quan tâm đến phần hội mà hiểu sai phần lễ.

Mang đậm dấu ấn của dòng họ Mạc

Lễ hội Ná Nhèm dưới góc nhìn chuyên gia

Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang       

Phóng viên: “Thưa TS Bàn Tuấn Năng, được biết ông là người có công rất lớn trong việc phục dựng lễ hội Ná Nhèm, vậy xin ông cho biết về nguồn gốc sâu xa của lễ hội được xuất phát từ đâu và việc phục dựng như thế nào thưa ông?”

TS Bàn Tuấn Năng: Có lẽ, nhiều người chỉ biết đến lễ hội Ná Nhèm ở đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, được tổ chức định kỳ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hang năm qua màn diễn và rước sinh thực khí nam – nữ (tàng thinh – mặt nguyệt), mà ít biết đến đó là những sáng tạo đỉnh cao của cháu con họ Mạc ở thời kỳ hậu Cao Bằng (sau năm 1677) được tích tụ và tập hợp trong hệ thống nghi lễ và trò diễn tại lễ hội. Do biến cố của lịch sử (thời đó) nên từ họ Mạc để tránh hoạ tru di mới đổi thành họ Hoàng và họ Bế. Họ Hoàng là anh, họ Bế là em.

Còn về nguồn gốc sinh ra 2 lễ vật sinh thực khí nam – nữ (tàng thinh – mặt nguyệt), đó là sự thể hiện khát vọng trường tồn của dòng họ. Trong nỗi sợ hãi khi thay tên, đổi họ… trước họa tru di, con cháu nhà Mạc (cụ thể ở đây là họ Hoàng, họ Bế), đã dám xé rào, vượt qua Nho giáo, vác sinh thực khí nam nữ đi cúng Vua. Mong Vua tổ che chở cho dòng họ, để được tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Với cái tên “Ná Nhèm” ngoài nghĩa đen là “mặt nhọ” ra thì còn có nghĩa bóng là “giấu mặt”.

Tôi phải mất 5 năm phục dựng và duy trì, dày công nghiên cứu và thuyết phục người dân làng Mỏ, xã Trấn Yên, thị trấn Bắc Sơn mới phục dựng lại lễ hội độc đáo đã bị thất truyền từ năm 1963. Năm 2016 cũng là năm Lễ hội Ná Nhèm đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là lễ hội của dân, Tàng thinh - Mặt nguyệt (sinh thực khí nam – nữ) của dòng họ đem dâng cúng Đức vua.

Lễ hội Ná Nhèm dưới góc nhìn chuyên gia

Nghi lễ rước các lễ vật lên cúng đức Vua, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, ấm no, sinh sôi nẩy nở.

Phóng viên: “Thưa Tiến sĩ, vậy lễ hội Ná Nhèm có gì khác biệt, đặc sắc hơn các lễ hội khác ở điểm gì ạ?”

TS Bàn Tuấn Năng: Lễ hội Ná Nhèm có 3 điểm khác biệt so với các lễ hội khác: thứ nhất; vì đây là lễ hội dân gian duy nhất ở hiện tại, con cháu nhà Mạc được hô Vạn Tuế với vua tổ của mình. Thứ 2; đây là lễ hội duy nhất sử dụng mô hình khí giới như thật để diễn trò. Thứ 3; đây là lễ hội duy nhất đem sinh thực khí nam nữ đi cúng Vua. Với những giá trị ấy, lễ hội Ná Nhèm đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia từ năm 2015.

 Trong lễ cáo giỗ có nhiều hành vi như cẩn cáo, tế và đi giật lùi, che tay áo thụng…, các hành vi tế lễ cơ bản giống nhau, chỉ khác là ở Cổ Trai thì cúng tế bằng tiếng Kinh, còn ở Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn thì cúng tế bằng tiếng Tày.

Cũng như câu chuyện, ngày 25/8 âm lịch năm 2017, họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ, lần đầu về dự lễ giỗ Mạc Thái Tổ ở Cổ Trai - Hải Phòng, các cụ đã ứa nước mắt khi chứng kiến hành vi của lễ Cáo Giỗ, vì giống y như của người Tày trên đó, từ trang phục, hành vi, tuần tiết (cáo giỗ là vái, rồi đi giật lùi)…Từ 2 nơi xa chẳng hề biết nhau mà nghi lễ của họ giống nhau, rồi từ đó họ nhận nhau là anh em một nhà.

 

Trang Việt