Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:40, 05/02/2023

Sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam trở lại với chủ đề "Nhịp điệu mới" được tổ chức ngày 5/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023).

Thay vì tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như nhiều năm trước, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 chủ đề "Nhịp điệu mới" do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. 

Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Người yêu thơ được chào đón tại Cổng thơ - một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc chuyển địa điểm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam từ địa chỉ quen thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang Hoàng thành Thăng Long và những không gian khác là cách làm để người yêu thơ ở nhiều nơi có cơ hội tham gia trực tiếp vào sự kiện.

Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam mỗi năm giống như một lễ hội, bằng nhiều hình thức nghệ thuật, công nghệ, để những người làm thơ và yêu thơ tụ hội, để thơ ca lan tỏa, hướng con người đến cái đẹp trong cuộc sống.

Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Độc giả tham quan Đường thơ

Với chủ đề "Nhịp điệu mới", Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 mang ước vọng về một cuộc sống bình thường mới, với niềm tin và hy vọng tốt đẹp. Dù ngày hội chính vào Rằm tháng Giêng nhưng giới thi ca và người yêu thơ đã tụ hội từ ngày 14 tháng Giêng.

Chỉ cần qua Cổng thơ được thiết kế cách điệu, công chúng bước vào "Cõi thơ", dạo trên "Đường thơ" và thưởng thức 100 câu thơ hay của các thi sĩ Việt Nam được viết trên giấy dó tạo hình chiếc quạt, cánh bướm đặc sắc.

Đến cuối "Đường thơ" là "Nhà ký ức", nơi trưng bày những hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi nhiều thời kỳ. Bên cạnh "Nhà ký ức" là "Quán thơ", nơi các nhà thơ giao lưu, gặp gỡ công chúng. Ngoài ra, có các hoạt động chiếu video ca khúc phổ thơ nổi tiếng, chiếu phim tư liệu về các nhà thơ…

Sự kiện năm nay còn có hoạt động "Đường sách" gồm nhiều gian hàng của các nhà xuất bản, đơn vị hoạt động xuất bản, thu hút độc giả với những ấn phẩm thơ được yêu mến.

Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Tại "Nhà ký ức" trưng bày rất nhiều các bức tượng đồng về nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Ngày thơ Việt Nam là dịp để những người yêu thơ trao đổi, thỏa niềm đam mê.

Ngày Thơ Việt Nam 2023 hướng tới tương lai tốt đẹp

Ngày thơ Việt Nam thu hút đông đảo công chúng tham gia

Tham gia ngày hội, nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động khi những kỷ vật của các nhà thơ gạo cội được đến gần hơn với công chúng.

"Nhà ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam năm nay. Ở đây, mỗi kỷ vật đều có tiếng nói riêng, giúp công chúng hiểu hơn quá trình sáng tác của các nhà thơ. 

Bằng thi ca, các tác giả đã ký thác cảm xúc của mình trong quá trình dấn thân vào những cuộc chiến lớn của dân tộc. Với truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam trong quá khứ, nhất định chúng ta sẽ có mùa gặt mới với nhiều tác phẩm hay", nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Hội nhà văn TP.HCM cũng tổ chức Ngày Thơ vào ngày 4 và 5/2 tại khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM (quận 3). 

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, trưởng ban tổ chức cho biết, năm nay, sự kiện có quy mô lớn hơn với chủ đề "Khát vọng phương Nam".

"Chúng tôi muốn truyền tải ý chí của người dân thành phố và vùng đất phương Nam khi vượt qua các biến cố lớn lao, gần đây nhất là kiên cường chống chọi đại dịch, những khát vọng về một tương lai tươi sáng của TP.HCM và đất nước", bà Bích Ngân nói.

Chương trình chính diễn ra sáng 5/2, với sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Hội Nhà văn TP.HCM đã tổng kết, trao giải cuộc thi bút ký "Những hy sinh thầm lặng".

Chương trình còn có tiết mục vẽ chân dung tặng các nhà thơ, do họa sĩ Lê Sa Long thực hiện.

Thảo Nguyên