Chùa Thông, Động Hồ Công nơi thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đề chữ

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 20:54, 30/01/2023

Chùa Thông, Động Hồ Công (Thanh Hóa) là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Ngước lên phía trên vòm cửa động, ta bắt gặp dòng chữ Hán “Hồ Ngọc Động”, vách đá bên phải cửa động khắc 4 chữ Hán lớn “Sơn bất tại cao” do cư sĩ Nguyễn Nghiễm thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du tựa đề.

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về muôn hoa đua nở, hàng nghìn phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức về với Chùa Thông, Động Hồ Công một quần thể thắng tích có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử của huyện Vĩnh Lộc.

Khai hội chùa Thông

Chùa có tên gọi khác là Du Anh. Đầu niên hiệu Hoằng Định (1601 – 1619), Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc xuất tiền cất dựng lại, từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) làm xong. Phía trước trông ra núi Trác Phong. Bên hữu có am Công chúa ở lưng chừng lèn đá, bên tả có gác Ngọc Hoàng đổ nát. Cạnh chùa có vài gian tăng phòng. Phong cảnh u tịch, chim kêu hoa rụng, tùng trúc chen nhau. Hai bên vách chùa có hai cái hồ là Nhật Hồ và Nguyệt Hồ. Góc núi phía đông nam là động Hồ Công.

Trong chùa có bi ký và bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn năm Hồng Đức thứ 6 (1605) ca ngợi công đức của Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc (Ái Châu bi ký chép là đô đốc Trịnh Vĩnh Trinh) quê ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, trú quán tại Biện Thượng. Đầu thời Lê trung hưng, thời Bình An Vương Trịnh Tùng, ông được phong Tuyên lực công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri.

Du khách tham quan động Hồ Công

Dấu tích của ngôi chùa thời Trần chỉ còn lại hai hiện vật có giá trị đó là voi đá và sư tử đá. Voi đá được tạo tác bằng đá trắng nguyên khối đã ngả màu (kích thước 1,60m x 0,70m x 0,30m). Voi có vóc dáng tròn mập, tai to, mắt nhỏ, ngà nhọn cong nhẹ, vòi dài cuộn tròn ở phía đầu. Voi trong tư thế quỳ phục trên bệ hình hộp, các chân to khoẻ, gập gối xoải song song về phía sau. Cổ đeo hình lục lạc. Thoạt nhìn thì không có gì đặc sắc, nhưng ngắm kỹ chúng ta mới thấy từ những nét đơn sơ bật ra nhiều điểm độc đáo. Voi quỳ ở chùa theo lý giải của Phật pháp, là biểu tượng cho sự sùng Phật cũng như điềm lành khi thế giới xuất hiện đức Phật, do đó voi được tạc ở tư thế rất hiền lành.

Sư tử đá được tạo tác bằng đá trắng nguyên khối, trên một bệ đá hình hộp có hoa văn hình sóng nước (kích thước 1,1m x 0,50m x 50m). Vóc dáng sư tử tròn mập, mồm há rộng, răng nhe. Nhìn từ phía trước, hai chân sư tử như đang vận động sức mạnh gồng đỡ, chân bên trái lùi về phía sau, chân bên phải đang giữ cầu. Hai chân sau ở tư thế chồm lên, đầu sư tử ngoảnh ra phía đường. Mình sư tử trang sức cầu kỳ bởi các hoa văn kiểu hoa đào tròn (14 hoa), 2 chân sau 12 hoa, 2 chân trước 10 hoa, ở bụng 10 hoa. Bờm tóc nhiều vằn, lông trải mượt theo sống lưng.

Chơi bài điếm tại lễ hội

Ở chùa Du Anh, sư tử được đặt ở vị trí cổng chùa. Người dân vùng này còn lưu giữ câu thành ngữ: “Voi quỳ hổ phục hai bên – Hồ Công đệ nhất có tên đứng đầu“.

Đông đảo người dân, du khách hào hứng chơi cờ người

Tại đây còn bia Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công động Du Anh tự bi, được tạo ngày lành tháng 10 năm Hoằng Định thứ 6 (1605). Bia được tạo vuông từ mỏm đá nguyên khối nằm dưới chân núi Trác Phong đối diện với chùa Du Anh trong quần thể núi Xuân Đài, động Hồ Công.

Bia vuông 4 mặt (kích thước 1,90m x 1,60m). Chân bia cao 0,50m, rộng 2m được chạm ba lớp hình hoa sen đỡ lấy thân bia. Mái bia được tạo tác hình mai luyện. Mặt 1 và mặt 4 trán bia chạm khắc “lưỡng long chầu nhật” cầu kỳ, khá đẹp so với hai mặt 3 và 2.

Mặt 1 và mặt 3 khắc nội dung văn bia và lạc khoản, mặt 3 và 4 khắc tên tuổi các tín thí từ vua, chúa, hoàng hậu, cung phi, quận công, hoàng thân quốc thích và người dân thường. Tên và văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, nhiều chữ bị mờ.

Đường vào chùa với hàng cây cổ thụ hàng trăm năm

Chùa tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng, lấy núi Xuân Đài làm hậu trẫm, núi Trác Phong làm tiền án. Trước đây bên tả chùa có gác Ngọc Hoàng, bên hữu chùa có am công chúa, hai bên nách chùa có hai hồ nhật - nguyệt bốn mùa nước trong xanh tận đáy. Qua tam quan, chúng ta bắt gặp hai linh vật nhà Trần là tượng voi và sư tử qùy được tạo tác bằng đá nguyên khối. Trong khu vực di tích lưu giữ Bia ký còn nguyên vẹn bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn năm Hoàng Định thứ 6 (1605) ca ngợi công đức của Trịnh Vĩnh Lộc đối với chùa. Bia có tên gọi là bia Phùng Khắc Khoan - độc nhất vô nhị ở Việt Nam hiện nay.

Chữ khắc trên vòm động

Lễ hội chùa Thông diễn ra vào 2 ngày 09,10 tháng giêng âm lịch hàng năm trên địa bàn xã Vĩnh Ninh. Chùa thông, động Hồ Công đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Nhân dân và du khách thập phương khi về với hội thường gọi là ngày “mở cổng trời”. Khi tới Chùa Thông, du khách còn được hòa mình giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian như chọi gà, bài điếm, cờ người ….tạo không khí vui tươi.

Thanh Phương