Giữ mãi mùa xuân đất nước
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:00, 24/01/2023
1. Những năm trước công cuộc đổi mới, đất nước ta còn vô vàn khó khăn. Bên ngoài, các thế lực chống đối cấm vận, ngăn chặn mọi nguồn lực giao lưu với thế giới; bên trong, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chật vật lo ăn, lo mặc từng ngày nên bức tranh kinh tế xã hội ảm đạm; đời sống nhân dân thật cơ cực. Khi ấy, tôi đón xuân mới theo cách riêng của mình. Lang thang trong vườn mai vàng ở chiến khu An Phú Đông xưa, tôi vừa ngắm "nàng xuân" đang về, vừa chọn cho mình nhành hoa vừa túi tiền và phù hợp với phòng khách giản dị của nhà mình.
Theo thói quen "hứng thú " ấy, những ngày giáp Tết này, tôi trở lại "lang thang" dọc đường hoa, trong những khu vườn hoa rực sắc màu nơi chiến khu xưa.
Tôi cứ ngỡ mình lạc vào thế giới khác. Chiến khu An Phú Đông, căn cứ "Vườn Cau Đỏ" xưa, nay đã đổi thay một cách kỳ diệu. Làn sóng đô thị hóa, nông thôn mới tràn về như luồng sinh khí làm đổi thay cả một vùng trời, vùng đất.
Tôi tìm căn nhà của bà má kháng chiến tên là Hai Giảng đã từng nuôi giấu các lãnh tụ Cộng sản từ thời dựng nước. Tôi tìm nhà Má Bảy Thạnh Lộc mà tôi đã từng gặp, từng viết. Tôi tìm gặp nhà chú Hai Ơn, một cựu chiến binh Trường Sơn thời mở cửa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Phú Đông sau giải phóng (30/4/1975). Và cả nhà chú Ba Đặng, một trong những huyền thoại của vùng đất chiến khu nổi tiếng một thời
Tất cả, tất cả không còn dấu vết xưa. Một cán bộ văn hóa địa phương nói rằng, gần nửa thế kỷ rồi, các cụ đã theo tổ tiên hết. Những vườn cây, những căn nhà lá thuở xưa nay đã "đô thị hóa" thành những khu dân cư cao cấp với những biệt thự nhà vườn, những chung cư sầm uất.
Tôi bách bộ dọc sông Sài Gòn. Trong cái lạnh ngọt ngào heo may hiếm có, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Buồn vui lẫn lộn. Buồn, vì những dấu tích xưa với người và đất đã đi vào dĩ vãng, không bao giờ gặp lại. Vui, vì công cuộc đổi mới như ngọn gió lành đã làm đổi thay đất nước ta một cách kỳ diệu, trong đó có "ngôi làng nho nhỏ ở ven sông" (Thơ Xuân Miễn).
2. Cựu chiến binh Phạm Minh Hiền (Năm Hiền) là con trai cụ Phạm Văn Chiêu, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định thời chống Pháp. Tôi biết anh Năm gần nửa thế kỷ nay khi chúng tôi cùng đơn vị Quân khu 7. Hồi má Hai Giảng còn sống, mấy lần Năm Hiền đã đưa tôi về thăm người bà con thân thiết của gia đình. Con nhà nòi, Năm Hiền luôn sống theo cách của riêng mình: Tự chủ, năng động và nhiệt huyết. Mới đây, Năm Hiền dẫn tôi về thắp hương tại ngôi đền thờ các bậc tiền bối cách mạng của Sài Gòn – Gia Định - Thành đồng Tổ quốc xưa trên đất Củ Chi.
Tôi càng hiểu tấm lòng và trách nhiệm của một trong những "con nhà nòi" này. Tôi nhớ đến câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: "Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành".
Cũng giống như "con nhà nòi" Năm Hiền, trở lại vùng đất ven Sài Gòn một thời máu lửa này, tôi nhớ đến Năm Lượng (Trung tướng Lưu Phước Lượng) con trai của Đại tá Lê Bình (Lưu Phước Anh) nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Phước Thành thời kỳ đầu chống Mỹ. Dòng dõi "con nhà nòi", từ thành phố Bình Dương thơ mộng, năm 1965, chưa đầy 20 tuổi, Năm Lượng được mẹ tổ chức vào chiến khu cùng Ba và các anh, chị chiến đấu.
Sau khi đụng với đội quân thiện chiến của Lữ đoàn dù 173 (Mỹ) trên đất Tây Ninh, Tết Mậu Thân 1968 tại vùng ven Sài Gòn, Năm Lượng đã cùng đồng đội Trung đoàn Quyết Thắng chiến đấu giành giật từng căn nhà, góc phố với địch. Cuộc chiến khốc liệt, đồng đội hy sinh gần hết, trong đó có Tư lệnh Phân khu Nguyễn Thế Truyện và Chính ủy, Trung đoàn trưởng...
Năm Lượng và một số đồng đội kẹt lại khi đơn vị có lệnh rút lui. May thay, những ngày cam go ấy, trong căn nhà của Má Hai "Cây Thị", tổ chiến đấu nhiều ngày nằm trên trần nhà tôn bỏng nắng đã che mắt sự lùng sục của địch. Gia đình má Hai đã cứu họ.
Năm Lượng không ngờ cơ sở cách mạng này là gia đình của chị gái Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Ít ngày sau đó, Năm Lượng được cơ sở ngầm của ta đưa trở lại chiến khu. Sau này là Chính ủy Sư đoàn, Chính ủy Quân đoàn và Chính ủy Quân khu, mỗi lần Tết đến, Năm Lượng đều tìm về ngôi nhà Má Hai Cây Thị để tri ân những người đã cưu mang, che chở mình thời máu lửa.
Những "con nhà nòi" ấy, dường như trái tim luôn hướng về đồng đội. Giáp Tết Quý Mão này, Năm Hiền điện thoại cho tôi. Anh rủ tôi về Củ Chi tri ân những người đã giúp đỡ ba mình và đồng đội trong kháng chiến. Đi dọc con lộ dài mang tên người cha đáng kính của anh - đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), tôi như nghe tiếng thì thầm của người đứng đầu Đảng bộ thành phố Sài Gòn – Gia Định một thời.
Được lắm. Phải thế chứ. Cùng dòng nghĩ và làm như thế, tôi có cơ may cùng đồng hành với Trung tướng Lưu Phước Lượng trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM. Với trái tim mẫn cảm và tình yêu thương nhân dân, đồng đội, dường như Năm Lượng không mệt mỏi trên con đường thiện nguyện tri ân các gia đình liệt sĩ. Tôi nhớ cách đây không lâu, khi đại dịch Covid-19 bao trùm thành phố, một buổi sáng Năm Lượng gọi điện cho tôi: Chúng ta phải làm gì bây giờ?
Nghĩ và làm, Năm Lượng nhiều đêm không ngủ, ông gọi điện kết nối với lãnh đạo các cấp và các doanh nghiệp, đưa ra kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Những kiến nghị của ông sát thực tiễn đã góp phần cứu dân. Kết thúc chiến dịch chống đại dịch, Trung tướng Lưu Phước Lượng được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao Bảng vàng danh dự: "Đóng góp tích cực Chống dịch Cứu dân".
3. Giáp Tết năm nay TP.HCM lạnh hơn mọi năm. Tôi khoác áo ấm bách bộ trong khu dân cư sinh thái dọc sông Sài Gòn. Nơi đôi bờ con sông đã có vinh dự tiễn Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cách đây hơn 100 năm, những công trình "quốc kế dân sinh" uy nghi, tráng lệ soi mình dưới bóng nước. Sau đại dịch, thành phố mang tên Bác như đã hồi sinh...
Đúng là con đường dẫn đến vinh quang chưa bao giờ là thảm đỏ. Để có ngày hôm nay đã có biết bao người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Những người đang sống hôm nay luôn nhớ điều ấy. Hãy sống và làm việc cho xứng với những người đã hy sinh cả đời mình để giữ mãi mùa xuân đất nước.
TP.HCM, xuân Quý Mão 2023