“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:00, 23/01/2023

Thượng nguồn sông Hậu, nơi con sông Mê Kông chảy vào đất Việt, có một cộng đồng người Chăm theo đạo Islam – Hồi giáo với những thánh đường màu trắng nổi bật trên nền trời xanh, những cô gái mang chiếc khăn khanh Ma- om dịu dàng e ấp làm say đắm lòng người…

“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Thánh đường Majid  Jamiul Azhar 

1. Chỉ vừa dừng xe, bước vào làng Chăm Châu Phong nơi thượng nguồn sông Hậu ở thị xã Tân Châu (An Giang), tôi có cảm giác đang có mặt ở Trung Đông, ở Ả Rập. Thánh đường Hồi giáo Majid  Jamiul Azhar  màu trắng với những nét vẽ màu xanh lục, mái vòm và những ngọn tháp thanh thoát ở bốn góc in trên nền trời một dáng vẻ uy nghi và thanh khiết. Những người đàn ông, những chàng trai mới lớn mặc xà rông, áo trắng dài, đội mũ vải tròn... từ các nơi tiến về thánh đường, tuyệt đối không có bóng dáng phụ nữ, khiến tôi có cảm giác e dè, thận trọng.

Bất giác tôi nhớ đến tiểu thuyết Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini kể về đất nước Afghanistan trong giai đoạn chiến tranh, ly loạn, lực lượng Hồi giáo cực đoan nổi dậy, đời sống người dân và nhất là phụ nữ biết bao cơ cực. Ở đó, những người phụ nữ Afghanistan không được đến trường, không được ra đường nếu không có nam giới họ hàng đi cùng, họ không được lựa chọn tương lai hay hôn nhân, họ có thể phải  làm vợ hai, vợ ba cho một người lớn tuổi. Ngột ngạt vô cùng!

Không biết ở đây, một cộng đồng Islam chính thống, cuộc sống của họ, nhất là phụ nữ, như thế nào? Mang theo nỗi tò mò ấy, tôi bỏ giày dưới thềm rồi bước lên thánh đường. Điều bất ngờ là mọi người rất hiền hậu, hiếu khách.

Thánh đường sơn màu trắng từ trong đến ngoài và rất sạch sẽ, sàn nhà không một hạt bụi. Khác với các tôn giáo khác, thánh đường Hồi giáo tuyệt đối không có bàn thờ, đèn nến, hương hoa, tranh, tượng, trên các bức tường chỉ có những câu Kinh Koran bằng chữ Ả Rập.

Thánh đường kiến trúc theo chiều dọc, kiểu nhà thờ Thiên Chúa Giáo, nhưng luôn luôn theo  hướng Đông Tây để các tín đồ hướng về phía Tây, nơi có thánh địa Mecca.

Lúc đó gần 12 giờ trưa, các chàng trai sau khi tắm táp vui nhộn ở bể nước trong sân đã lên thánh đường giúp nhau vấn những cái khăn trắng dài lên đầu. Một vài người già đến sớm, lặng lẽ ngồi mở cuốn Kinh Koran, đặt trên một cái giá nhỏ bằng gỗ hình chữ X, lẩm nhẩm đọc với vẻ trầm tư. Một vài thanh niên vái lạy, đầu sát xuống sàn với vẻ thành kính, trang nghiêm. Ở đây, nam giới từ 15 tuổi trở lên bắt buộc phải đến thánh đường làm lễ mỗi ngày năm lần, trừ những trường hợp đặc biệt mới làm lễ tại nhà. Đó là các khung giờ: Rạng sáng, trưa, chiều, hoàng hôn và tối. Trong đó, lễ trưa là quan trọng hơn cả và trong tuần thì lễ trưa thứ sáu quan trọng nhất. Dù nhiều lễ, nhưng mỗi lễ chỉ diễn ra trong 5- 10 phút.

-Đối với chúng tôi, cầu nguyện là nghi lễ vô cùng thiêng liêng. Trước khi cầu nguyện ai cũng phải tẩy rửa thân thể cũng như tâm hồn, mặc đồ riêng và không ai được chạm vào ai, để thật sự toàn tâm, toàn ý suy tưởng về Thượng đế. Thực hiện đúng những giáo lý của Thượng đế răn dạy qua Kinh Koran thì có tất cả - Một người đàn ông cho biết.

Phụ nữ cũng cầu nguyện mỗi ngày năm lần nhưng họ không cầu nguyện ở thánh đường mà cầu nguyện tại nhà hoặc tụ họp cùng cầu nguyện tại một gia đình rộng rãi. Lễ vật lớn nhất các tín đồ dâng lên Thượng đế chính là lòng thành kính, là niềm tin tưởng vô bờ bến vào Thượng đế.

Ngoài việc mỗi ngày đêm phải cầu nguyện đủ năm lần, họ luôn luôn ăn chay trọn tháng Ramadan; thực hiện nghĩa vụ bố thí, giúp đỡ người khó khăn hơn mình; nếu có khả năng thì ít nhất một lần trong đời họ hành hương về thánh địa Mecca (Ả Rập Xê út).Từ khi đất nước mở cửa, rất nhiều người Chăm ở đây đã hành hương về Mecca và hầu như năm nào cũng có những chuyến hành hương được tổ chức.

Người theo đạo Hồi thực hiện nghiêm túc lời răn không uống rượu, không cờ bạc vì Kinh Koran dạy: "Uống rượu và chơi cờ bạc là những hành động xấu xa, là công việc của quỷ dữ, vì vậy phải tránh xa nó"…

Một quy định khiến tôi tò mò là người Chăm Hồi giáo có thực hiện nghi thức trưởng thành bằng cắt bao quy đầu với thiếu niên nam và cắt âm vật với các thiếu nữ hay không? Một chàng trai 23 tuổi, cho tôi biết là họ vẫn thực hiện đầy đủ. Những cô gái Chăm Hồi giáo ở đây có thể tìm hiểu người không cùng tôn giáo nhưng để  kết hôn thì bắt buộc người con trai phải thực hiện nghi thức cắt bao quy đầu và theo đạo.

“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Tác giả và các thanh thiếu niên tại thánh đường

2. Hỏi về những hạn chế đối với phụ nữ như không ra khỏi nhà hay phải chấp nhận người chồng lấy đến bốn vợ, thực tế ở vùng Chăm An Giang hiện nay ra sao một người đàn ông cho biết họ thực hiện một vợ một chồng.

Từ những năm 1975 trở về trước thì các cô gái Chăm ở đây thường ở trong nhà để dệt vải, thêu thùa, bếp núc. Họ vẫn giao tiếp xã hội, hoàn toàn không có tục “cấm cung”, chỉ có điều khi ra ngoài các cô gái luôn có người nhà đi cùng. Từ khoảng 1980, các cô gái Chăm đã tự tin giao tiếp hơn, đi ra ngoài không nhất thiết phải đi cùng người nhà. Cùng với sự thay đổi của các cô gái, cộng đồng Chăm Hồi giáo ở đây cũng cởi mở hơn, nhiều khách du lịch đã tìm đến, khiến cho cuộc sống của cả cộng đồng thay đổi tích cực và khá giả hơn xưa.

Người theo Hồi giáo tránh xa rượu, ngay cả rượu vang hay bất cứ thức uống có cồn nào cũng không uống. Thảo nào, ở đây chỉ có các quán cà phê vì người dân không bia rượu, nhậu nhẹt. Cùng với giới cấm uống rượu, cờ bạc, các tín đồ còn thực hiện các giới cấm khác như hiềm nghi, oán hận, nói dối, dâm dục…

Hay đoạn 280 chương 2 viết: “Nếu người thiếu nợ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hãy gia hạn cho họ cho đến khi họ cảm thấy nhẹ gánh lo (trong việc trả nợ) nhưng nếu các ngươi bố thí (tiền nợ) cho họ, thì điều đó tốt nhất cho các ngươi”. Cho nên những người đàn ông ở đây trở thành những người có lối sống thanh sạch, hiền hậu là điều thật đơn giản, dễ hiểu.

“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Thiếu phụ đi xe đạp qua thánh đường Masjid Al Nia Mah

3. Chúng tôi đến ấp Phũm Xoài đúng lúc có thánh lễ buổi chiều. Thánh đường Masjid Al Nia Mah với vô số những đôi dép đàn ông đủ màu sắc giăng hàng trước cửa. Tiếng cầu kinh xướng lên vang vọng trên vòm thánh đường. Những người đàn ông ngồi thẳng từng hàng hướng về phía trước để thực hiện các nghi lễ đứng lên, quỳ xuống, vái lạy một cách nhịp nhàng.

Tín đồ Hồi giáo có quy tắc hijab, tức là che kín đối với phụ nữ. Nhưng với chị em làng Chăm Châu Phong, họ chỉ cần che kín bộ tóc là đủ, đa số khi ra đường họ dùng khăn che tóc, cổ, một phần ngực, để lộ khuôn mặt cũng như tay chân một cách thoải mái.

Ở vùng đất phương Nam nhiều nắng này, chiếc khăn khanh ma – om có tác dụng bảo vệ làn da cho chị em một cách hiệu quả và tôn gương mặt sáng với đôi mắt tròn đen láy, e ấp của các cô gái Chăm. Các cô gái ở đây có rất nhiều khăn, với tên gọi khác nhau, để dùng cho từng hoàn cảnh.

“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Một ông già trầm tư đọc Kinh Koran

Phũm Xoài là một trong ba ấp của xã Châu Phong có cư dân là đồng bào Chăm theo Hồi giáo chung sống hài hòa với người Kinh. Ở đây có ngôi đình Vĩnh Hậu rất đẹp, thờ thành hoàng làng, nhìn ra con sông Hậu, cách đó không xa là thánh đường Hồi giáo  Masjid Al Nia Mah. Nhờ những chương trình, dự án của Nhà nước, vùng đất này có nhiều thay đổi rất tích cực, bà con đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm du lịch bên cạnh nghề nông, nghề cá truyền thống. Cuộc sống đã khiến những phụ nữ Chăm ở đây cởi mở, tự tin trong giao tiếp với du khách bốn phương. Nếu không có chiếc khăn khanh ma-om trên đầu thì không thấy họ có gì khác biệt với phụ nữ Việt, Hoa, Khmer… trên vùng đất miền Tây hiền hòa này.

Điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất là xưởng dệt và giới thiệu thổ cẩm Chăm của gia đình bà Zây Mah, cả hai vợ chồng đều là  thợ dệt giỏi. Họ đã mang những kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm để tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, màu sắc… trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Không những vui vẻ tiếp thị, những chị em của xưởng dệt còn tạo điều kiện cho khách được dệt thử một đoạn thổ cẩm hay mặc thử các trang phục truyền thống của người Chăm.

Nếu như giáo lý Hồi giáo đề cao nam giới thì khi đến với người Chăm đất Việt nó bị chi phối bởi tín ngưỡng, văn hóa, phong tục bản địa, sự thay đổi rõ nhất là trong hôn nhân. Ở đây, trong ngày cưới, nhà trai đưa rể đến nhà gái, con trai phải làm rể chứ không phải con gái về làm dâu, phong tục này phản ánh truyền thống mẫu hệ của người Chăm trong suốt lịch sử ngàn năm Champa. Sau khi cưới, vợ chồng sẽ quyết định ở bên nhà gái hay nhà trai hoặc ngôi nhà riêng, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, nhưng theo nguyên tắc “chồng ở đâu vợ ở đó”.

“Như gió reo trên dòng Hậu Giang”…

Ở thánh đường Majid  Jamiul  Azhar  có khu nhà dành cho các học sinh nam học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Ông Mohamach Aly ở ấp Phũm Xoài cho hay: Ngay từ nhỏ trẻ em Chăm đã được dạy kinh Cô ran, giáo lý và chữ Ả Rập, ngoài giờ đến trường học phổ thông. Những năm gần đây Phũm Xoài có nhiều nam nữ học sinh đi học đại học ở TP Hồ Chí Minh, ở An Giang và du học nước ngoài. Họ đi Mã Lai học các ngành kỹ thuật, tin học, viễn thông hoặc đi Ả Rập học tôn giáo để trở về giảng dạy giáo lý và tiếng Ả Rập tại các thánh đường. Có gia đình ba con gái đều tốt nghiệp đại học…

Bên cạnh sử dụng tiếng Chăm trong giao tiếp hàng ngày, hầu hết cư dân ở đây đều thành thạo tiếng Việt, nhiều người còn biết tiếng Khmer. Như vậy, trái ngược với hình dung về một cộng đồng khép kín, người Chăm sông Hậu có độ mở rất rộng.

Phía sau vẻ huyền bí ấy là một cộng đồng hiền hậu, sống đời đạo hạnh và biết nâng niu gìn giữ những di sản văn hóa lâu đời của dân tộc mình- vẻ đẹp vừa thầm lặng vừa lấp lánh nơi đầu nguồn Cửu Long.

Ký sự của Nguyễn Phan Khiêm