Tết ăn dúi của người Ba Na
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:45, 22/01/2023
Thực hiện lời hẹn với già làng A Jring Đeng sẽ có mặt trong ngày lễ Et Đông (Et Đing Dieng)- Tết ăn dúi của đồng bào Ba Na (nhánh Jơ Lâng), chúng tôi tìm về làng Kon Brắp Ju vào một ngày đầu đông. Từ thành phố Kon Tum xuôi theo quốc lộ 24, làng Kon Brắp Ju nằm nép mình bên sườn núi, nơi đây phải có đến 90% người dân là người Ba Na nhánh Jơ Lâng đang sinh sống và lưu giữ nhiều phong tục độc đáo nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.
Đối với người Ba Na nhánh Jơ Lâng ở làng Kon Brắp Ju, từ bao đời nay, lễ Tết ăn dúi hay “Tết con dúi” được xem là một lễ hội lớn trong năm. Thấy chúng tôi tò mò, già làng A Jring Đeng không để đợi lâu mà đi thẳng vào “nội dung chính”. Theo lời già làng A Jring Đeng, Et Đông là lễ hội truyền thống độc đáo được diễn ra vào đầu tháng 10 Dương lịch hàng năm. Khi lúa trổ đòng, đơm bông, chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa mới nhằm cầu mong mọi điều may mắn, tốt lành cho cuộc sống cộng đồng và từng gia đình.
Làng Kon Brắp Ju, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na nhánh Jơ Lâng.
Trước đây lễ Tết ăn dúi diễn ra từ 4 đến 7 ngày đầu tháng 10 Dương lịch nhưng gần đây chỉ tổ chức trong 2 ngày 2 đêm. Mặc dù lễ “Tết ăn dúi” chỉ diễn ra có 2 ngày 2 đêm nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước đó. Họ xem con dúi là một con vật hiền lành không phá hoại mùa màng của người dân. Dúi thường ăn rễ tre, rễ cỏ… Người Ba Na xem dúi là con vật được tôn kính và thờ Thần Dúi, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng và ấm no, cả năm sẽ không bị đói.
Theo quan niệm của người Ba Na nhánh Jơ Lâng, Tết ăn dúi là lễ hội để cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là ngày hội đoàn viên, người làng đi làm ăn xa, những người con đi lập gia đình ở làng khác đều trở về, quần tụ tại nhà rông.
Theo già làng A Jring Đeng, một số trai trẻ trong làng sau khi được già làng phân công việc sẽ vào rừng sâu chặt tre về làm cây nêu dựng trước nhà rông và dựng ở cổng làng để đón chào khách từ phương xa đến thăm làng, dự lễ hội của làng. “Điểm đặc biệt của những cây nêu trong ngày lễ Tết ăn dúi là biểu tượng của bông lúa được những nghệ nhân thể hiện hết sức sinh động.
Theo người dân làng Kon Brắp Ju, sau khi ngày lễ Tết ăn dúi được già làng ấn định, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất là một con dúi, mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp để dành. Đồng thời còn phải chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là hai lễ vật bắt buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng (Trời – PV) trong ngày lễ.
Người dân Ba Na nhánh Jơ Lâng coi dúi là con vật biểu tượng cho sự cần cù, siêng năng, sự ấm no…
Gần đến ngày diễn ra lễ, con dúi sẽ được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy. Trên đầu que tre nhọn được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong. Trên cây tre còn có biểu tượng của cây cung để xua đuổi những điều không may mắn, một ít bông gòn để cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ.
Ngày đầu tiên diễn ra lễ Tết ăn dúi sẽ được tổ chức ở quy mô gia đình. Các gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật và đem đến rẫy lúa của mình để cúng, mời Giàng cùng ông bà tổ tiên về vui cùng con cháu. Lễ vật dâng lên Giàng không thể thiếu ché rượu, con dúi, một cuộn sợi chỉ, một bó lá chuối tươi, ống lồ ô, tranh tươi để gùi lên nhà rông làm lễ cúng. Sau nghi lễ cúng Giàng, mọi người trở về nhà mình ăn cơm cúng tại nhà.
Khi bắt đầu mặt trời mọc, già làng ra nhà rông đánh một hồi trống báo hiệu cho dân làng biết đã đến giờ hành lễ. Già làng là người đến sớm nhất, ché rượu của già làng được đặt ở chính giữa nhà rông. Sau đó các hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông. Các chủ nhà lần lượt kéo sợi dây từ vị trí cột ghè rượu của già làng về vị trí cột ghè rượu của gia đình mình.
Theo lý giải của già làng A Jring Đeng thì việc làm này “Không chỉ mang ý nghĩa lan tỏa những mạch máu trong một cơ thể, lan tỏa tinh thần đoàn kết của cộng đồng, nghi thức này cũng thể hiện sinh động một trong những nét đẹp cổ truyền liên quan đến cây lúa. Đó là dẫn đường cho hạt lúa được mùa về đến từng nhà, mang theo những điều may mắn, tốt lành đến mọi người”.
Sau khi làm lễ cúng dâng lên Giàng (Trời – PV) thì các già làng và người dân sẽ tụ lại cùng uống rượu, chung vui.
Ông Phạm Viết Thạch – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết, lễ hội Et Đông Tết ăn dúi là lễ hội dân gian độc đáo được lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm thành nét đẹp truyền thống đáng tự hào của dân tộc Ba Na nhánh Jơ Lâng.
Lễ Tết ăn dúi là một phần quan trọng cấu thành nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà đang được bà con nơi đây trân trọng và phát huy từ ngàn xưa tới nay. Mới đây, ngày 31/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định công nhận 10 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ Ét đông Tết ăn dúi của nhóm Jơ Lâng (Ba Na), ông Thạch cho hay.