Xuân Tân Mão 550 năm trước – Có một xứ Quảng ra đời
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:56, 03/01/2023
Cuộc Nam chinh mở cõi của Vua Lê Thánh Tông
Dòng sông Mẹ Thu Bồn nơi khởi nguồn của Thừa Tuyên Quảng Nam
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), tình hình trong nước đã yên, song song với chiến lược củng cố và phòng thủ mặt bắc, vua Lê Thánh Tông rất quan tâm đến việc củng cố mặt nam Hóa Châu. Nguyên đây là vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy mà vua Chiêm là Ba Đích Lại đã cắt nhượng cho nhà Hồ năm 1402
Nhân việc vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa vào tháng 8 năm Canh Dần (1470), nhà vua quyết định mở cuộc Chiêm phạt bằng một đòn tối hậu, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề an ninh biên giới phía Nam. Vì vậy, việc chuẩn bị xuất quân cực kỳ chu đáo.
Nhà vua thân hành soạn ra “Bình Chiêm sách”, rồi cho phiên ra quốc ngữ (chữ Nôm) để phổ biến rộng rãi trong quân ngũ.
Ngày 25 tháng chạp Canh Dần (1470) vua cho ba quân ăn Tết. Ngày mồng 3 tháng Giêng Tân Mão (1471), vua Lê ra lệnh tiến binh. Ngày mồng 6 tháng Giêng Tân Mão (1471), đội quân xung kích của Tiên phong tướng quân Cang Viễn (Cung Viễn), bí mật đột nhập và đánh tan phòng tuyến Cu Đê tại triền nam đèo Hải Vân… Ngày 27 tháng 2 Tân Mão (1471), hạ thành Thị Nại. Ngày 28 tháng 2 Tân Mão (1471) tiến quân vây kinh thành Chà Bàn (Đồ Bàn).
Ngày mồng 1 tháng 3 Tân Mão (1471) hạ được thành Đồ Bàn, bắt sống Chiêm vương Trà Toàn… Nhằm làm suy yếu, vua Lê chia đất còn lại của Chiêm quốc làm 3 nước nhỏ, đó là: nước Chiêm Thành (tương ứng vùng Phan Lung tức Phan Rang ngày nay); nước Hoa Anh (rất có thể là vùng đất từ nam Thạch Bi Sơn cho đến Phan Rang) và nước Nam Bàn, nguyên xưa là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá, bị Chiêm Thành chiếm cứ (thuộc địa phận vùng Tây Nguyên ngày nay)… Dần dần ba tiểu quốc này suy yếu rồi mất hẳn trên bản đồ châu Á.
Khu đền tháp Mỹ Sơn - Dấu tích Chiêm Thành sau cuộc Nam chinh mở cõi
Ngày 22 tháng 4 Tân Mão (1471), vua cho làm lễ tấu cáo ở Thái miếu Lam Kinh và ngày mồng 1 tháng 5 Tân Mão tổ chức lễ mừng thắng trận tại Đông Kinh (Thăng Long). Ngày mồng 1 tháng 6 Tân Mão (1471), năm Hồng Đức nhị niên, vua xuống chiếu lấy đất từ bờ nam sông Chợ Củi (tức sông Thu Bồn) trở vào đến Thạch Bi Sơn thành lập Thừa Tuyên Quảng Nam, đó là thừa tuyên thứ 13 của nước ta thời bấy giờ.
Tương truyền khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành về ngang qua núi Đá Bia (Phú Yên), Ngài bùi ngùi than rằng: “Trời đất khai tịch, đã chia cảnh thổ phân minh, kẻ kia (chỉ Chiêm Thành), nghịch ý trời nên mắc phải thiên họa…”. Nhân đó, ngài cho khắc chữ lên trên phiến đá. Theo sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định chép rằng: “Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành mở đất đến đây, Ngài sai mài vách đá trên đỉnh núi, cho khắc chữ để phân địa giới với Chiêm Thành, nên gọi là núi Thạch Bi (Thạch Bi Sơn hay núi Đá Bia). Nay hiện còn những chữ sứt mẻ mờ lạt, không còn nhận rõ được… Chỉ nghe khẩu truyền chữ bia là: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, nghĩa là “Chiêm Thành qua đấy, quân thua nước mất; An Nam qua đấy, tướng chết quân tan”.
Hơn 550 năm – Danh xưng xứ Quảng
Vào tháng 6 năm Tân Mão 1471, năm Hồng Đức thứ hai, vua Lê Thánh Tông thành lập (khai sáng) đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, trở thành Thừa Tuyên thứ 13 của Quốc gia Đại Việt. Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam lúc này là vùng đất rộng lớn, từ Nam sông Thu Bồn đến Bắc đèo Cù Mông, tỉnh Bình Định ngày nay, gồm 3 phủ, 9 huyện: Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang (tương ứng với phần đất từ bờ nam sông Thu Bồn đến dốc Sỏi, địa giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay); Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa (tương ứng với phần đất của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) và Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn (tương ứng với phần đất của tỉnh Bình Định ngày nay).
Trải qua 550 năm, Danh xưng Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Từ Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam đến Xứ Quảng Nam, Trấn Quảng Nam, Dinh Quảng Nam thời xa xưa, rồi Đặc khu Quảng Đà trong thời chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước và trở lại Danh xưng Quảng Nam khi tỉnh được tái lập năm 1997.
Nói đến Đất Quảng cũng là nói về vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với truyền thống hiếu học, Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Xứ Quảng Nam nổi tiếng là đất học với các danh hiệu để tiếng thơm muôn đời sau: “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ tử đăng khoa”… Những nhà yêu nước của thế kỷ trước như: Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Bá Phiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành… là minh chứng cho bản lĩnh và tài năng của người con xứ Quảng, là những tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, yêu nước, đem tài năng, tâm huyết, cả tính mệnh của mình để phục vụ cho dân, cho nước.
Quảng Nam vùng đất trù phú với nhiều sản vật địa phương đã được khai sáng vào năm Tân Mão 1471 (năm Hồng Đức thứ 2)
Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Quảng Nam là nơi mà các phong trào yêu nước lúc đương thời đã tạo nên những tiếng vang như: Phong trào Nghĩa Hội Cần Vương với các sĩ phu Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến; phong trào Duy Tân với các chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Cơ…; Duy Tân Hội và phong trào Đông Du với các chí sĩ Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển…; phong trào chống sưu, chống thuế năm 1908 khởi đầu tại Quảng Nam, sau đó lan nhanh đến 10 tỉnh Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Quảng Nam còn là quê hương của nhiều nhà chí sĩ đóng vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916 như: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương… Tất cả đã hun đúc ý chí chống ngoại xâm của người dân xứ Quảng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt, chiến công năm Tân Mão- 1471 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông cha ta khi xác lập chủ quyền sở hữu những đồng bằng trù phú, những rừng núi giàu lâm thổ sản, những cảng biển không chỉ có giá trị về mặt chiến lược quân sự mà còn là những cửa ngõ giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa với bên ngoài. Đây quả là một sự lựa chọn khôn ngoan, có ý nghĩa vận mệnh sống còn của quốc gia Đại Việt- một đất nước luôn phải chịu áp lực bành trướng từ phương Bắc.
Với cuộc chuyển cư mạnh mẽ của người Việt vào giữa thế kỷ XVI, Quảng Nam (dải đất bao gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay) có điều kiện phát triển phồn thịnh, là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến trong các thế kỷ sau đó. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” Lê Quý Đôn từng ca ngợi: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy từ Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ... ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá, muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây. Khách Bắc buôn bán quen khen ngợi không ngớt”.
Với Danh xưng Quảng Nam, Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh, được xếp vào hàng bậc nhất trong các triều đại vua chúa Việt Nam, đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này. Lê Thánh Tông đã có một sự lựa chọn, một định hướng mang tính chiến lược về tầm nhìn xa, xu thế phát triển, mang ý nghĩa quyết định vận mệnh của quốc gia Đại Việt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà vị vua hiền nổi tiếng uyên thâm đã chọn hai chữ đầy ý nghĩa để đặt tên cho vùng đất mới: “Quảng” là mở rộng, “Nam” là về phương Nam. Là vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, “phên dậu phía Nam” của Tổ quốc, Quảng Nam trong suốt thời kỳ mở cõi về phương Nam. Nguyễn Hoàng trong hành trình mở cõi về phương Nam đã từng coi Quảng Nam là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng”.