Sân khấu học đường - cầu nối nghệ thuật truyền thống gần hơn với khán giả trẻ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 20:16, 02/01/2023
Kho tàng nghệ thuật dân gian là vốn quý của dân tộc ta, nhưng có một thực tế là sân khấu truyền thống đang mất dần vị thế so với những loại hình nghệ thuật khác. Nghệ thuật sân khấu thể hiện một phần văn hoá của quốc gia, dân tộc. Nhưng nghịch lý, khi đất nước ngày càng phát triển, sân khấu lại ngày càng lao dốc. Cơ sở vật chất và nhân lực hiện đều không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả.
Yếu tố con người cũng đang trở thành bài toán nan giải cho sân khấu. Lực lượng sáng tác có tư duy khá cũ kỹ, mà theo NSND Trần Minh Ngọc “chúng ta chỉ đưa ra những điều khán giả đã biết, chứ không mang đến điều họ cần”.
Nghệ thuật sân khấu truyền thống đang mất dần vị thế so với những loại hình nghệ thuật khác.
Không ít nhà hát công lập có địa điểm biểu diễn, có lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, được hỗ trợ kinh phí nhưng các vở diễn không tạo được tiếng vang, không thể bán vé. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy cũ kỹ, sáo mòn, xa rời khán giả.
Việc các đơn vị nghệ thuật tư nhân tìm đến khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học được xem là giải pháp hữu hiệu để xây dựng lớp khán giả mới. Những khán giả trẻ có hiểu, có yêu thì sân khấu mới không bị mai một. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây nhiều nhà hát đã tích cực trở lại với hoạt động này.
"Trở về truyền thống thông qua các loại hình nghệ thuật là một cách dễ nhất. Văn chương hay đọc lịch sử là một chuyện, còn thông qua nghệ thuật truyền thống để nói về anh hùng dân tộc, tích chuyện ngày xưa, hiểu rõ về các loại hình truyền thống như tuồng khác chèo như thế nào, rối có đặc trưng gì… Tôi nghĩ rằng động thái các nhà hát chủ động mang sân khấu của mình về trường biểu diễn, để giáo dục truyền thống cho các em là điều rất tuyệt vời", NSƯT Trần Ly Ly – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần đây có chương trình đưa ca khúc sử Việt vào học đường của sân khấu Trần Hữu Trang, triển khai từ tháng 10/2022. Vào tháng 12/2022, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và sân khấu kịch Hồng Vân vừa hợp tác ra mắt sân khấu kịch học đường. Tại miền Bắc, đi tiên phong trong hoạt động này là Nhà hát Tuồng Việt Nam, đơn vị trung ương duy nhất xây dựng chương trình riêng giới thiệu nghệ thuật tuồng vào trường học trong năm 2022.
Sự lao dốc của sân khấu là câu chuyện buồn được nhắc đi nhắc lại trong những năm qua
Thực tế, cách đây hơn 20 năm đã từng có đề án triển khai sân khấu học đường trên khắp cả nước, tạo nên bầu không khí sôi động trong suốt một thập kỷ. Nhưng kể từ năm 2011, đề án đã khép lại do thiếu kinh phí hoạt động. Còn một vài nhà hát, đơn vị nghệ thuật theo đuổi hoạt động này nhưng mang tính kỳ, cuộc. Làm thế nào để mang sân khấu nhiều hơn vào trường học vẫn là trăn trở của nhiều nghệ sĩ tâm huyết ước mơ với nghề.
"Mong muốn và ước mơ thì chúng tôi đã có từ lâu nhưng không thể thực hiện được vì vấn đề kinh phí" – NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ về vấn đề này – "Có thể dàn dựng một tác phẩm nhưng khi triển khai biểu diễn thì vẫn phải có kinh phí".
"Cơ chế cho các doanh nghiệp được hỗ trợ đơn vị nghệ thuật chính là sự cởi mở, để giúp các đơn vị nghệ thuật có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ phần nào. Nhà nước cũng nên nhìn nhận giúp doanh nghiệp về thuế hay cơ chế nào đó… điều đó cũng là sự đồng hành với sự nghiệp văn hóa chung của cả nước", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết.
Việc các đơn vị nghệ thuật tư nhân tìm đến khán giả, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học được xem là giải pháp hữu hiệu để xây dựng lớp khán giả mới.
Dù các nghệ sĩ dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu học đường, sẵn sàng nhận mức thù lao ít ỏi để giúp thể hệ trẻ tự hào hơn về văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhưng nhiều kịch mục muốn đưa vào biểu diễn trong nhà trường thì cần một khoản kinh phí nhất định, để dàn dựng âm thanh, ánh sáng… Vậy bài toán kinh phí được giải quyết như thế nào? Được biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng đề án sân khấu học đường trong năm tới.
"Chúng tôi đang xây dựng đề án sân khấu học đường. Vấn đề ở đây là vừa dạy, truyền tải, hội đàm vừa thổi vào các em nghệ thuật truyền thống của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn là có nguồn kinh phí để nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể mang sản phẩm của mình, dù chỉ là trích đoạn, cho các trường học. Ngân sách Nhà nước rất quan trọng. Vì nếu không có nguồn ngân sách Nhà nước thì rất khó bởi không có gốc để làm câu chuyện đó. Nhưng song song đó thì thu hút vốn đầu tư xã hội hóa rất quan trọng", bà Trần Ly Ly cho hay.
Xây dựng các sân khấu học đường được kỳ vọng có thể đưa những loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ khán giả trẻ.
Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa chính là sức mạnh mềm. Nghệ thuật truyền thống chính là kết tinh bản sắc tinh hoa văn hóa Việt Nam. Cái bắt tay phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục – Đào tạo để triển khai sân khấu học đường không quá khó.
Hiện cũng là lúc triển khai các giải pháp thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp vào sân khấu, bởi đây là điểm nghẽn lớn. Nếu giải quyết được thì sẽ tạo ra sức sống mới cho sân khấu nghệ thuật nước nhà.