Nỗi đau của đứa con đồng tính 25 năm không được gia đình thừa nhận
Môi trường - Ngày đăng : 08:19, 01/09/2016
Có những khoảng thời gian Trí cảm thấy hoang mang, lo sợ và tìm đến cái chết khi bị những người xung quanh kì thị. Đau đớn hơn nữa chính là bị những người thân của mình ruồng bỏ.
Từng 2 lần tìm đến cái chết
Tôi có cơ hội được quen biết với Nguyễn Trung Trí (SN 1991) ở Nghĩa Hưng, Nam Định trong một chương trình tình nguyện. Nhìn gương mặt hay cười, lúc nào cũng ánh lên niềm vui của Trí thì không ai có thể tin rằng Trí đã có những khoảng thời gian vùi mình vào tuyệt vọng và tìm đến với cái chết tận 2 lần. Trí tâm sự: “Tôi là người đồng tính. Trước đây tôi đã từng rất thất vọng với mình vì điều đó. Tôi không hiểu tại sao mình lại có những có những suy nghĩ, tình cảm lệch lạc về giới tính như vậy. Tôi cứ ngỡ mình mắc phải 1 căn bệnh gì đó. Nhưng giờ đây khi đã tìm hiểu và biết về kiến thức giới tính thì tôi không cảm thấy những cảm xúc của mình là sai trái nữa. Tôi càng trân trọng tình cảm của mình hơn”.
Nhắc về những điều đã qua, đôi mắt Trí rừng rưng. Có lẽ, hơn 25 năm qua những điều mà cậu đã trải qua không hề là điều dễ dàng. Trí kể: “Gia đình tôi có 4 chị em gái, và chỉ có duy nhất mình tôi là con trai nên bố mẹ đặt kì vọng vào mình rất nhiều. Ngày còn bé, tôi thường thích chơi búp bê, mặc váy như các chị của mình. Bố mẹ tôi thì nghĩ rằng chắc do tôi còn bé nên học theo các chị, lớn lên sẽ khác”. Suốt thời gian học cấp 1, Trí vẫn chỉ thích chơi những trò của con gái. Lên cấp 2, Trí mới bắt đầu phát hiện ra mình có những điểm khác lạ: “Ngày đấy, khi phát hiện ra việc mình hay nhìn và thích bạn trai hơn bạn gái tôi đã rất hoang mang không biết tại sao lại như vậy. Hơn nữa, bấy giờ Internet chưa phổ biến, mọi thông tin đều mù mịt. Tôi như đứa trẻ sống trong bóng tối, không nhìn thấy ai và cũng không thấy một chút ánh sáng nào”.
Ảnh minh họa
Bản tính hiền lành cộng với nỗi sợ hãi về sự khác lạ của mình, Trí ngày càng sống khép kín, nhất là khi bị bạn bè trêu là “bê đê”. Lên cấp 3, Trí quyết định thay đổi. Cậu chơi thể thao, cởi mở bản thân mình hơn và thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Nhưng một điều mà Trí không thể thay đổi được là cảm xúc: “Tôi vẫn thích nhìn các bạn trai hơn các bạn gái. Những năm cấp 3 đó, tôi chơi rất thân với một bạn trai và có thể sống chết vì cậu ấy. Nhưng tôi không bao giờ dám nói ra tình cảm của mình vì tôi biết, nếu nói ra quan hệ giữa chúng tôi sẽ không còn như trước. Lúc đó, tôi sẽ không còn bạn bè và “bí mật lớn nhất mà cả đời tôi không nói ra” sẽ bị mọi người biết”.
Khi đó, bản thân Trí vô cùng đau khổ và sống với hàng trăm câu hỏi ám ảnh trong đầu: “Không hiểu mình là ai, mình thuộc về thế giới nào, tại sao mình lại “bị gay”. Cậu vẫn tiếp tục hàng ngày sống với những sự dằn vặt mà không thể hỏi ai. Thế nhưng, đến năm học lớp 12, bắt đầu tìm hiểu qua mạng xã hội và tìm đến những người có cùng “sở thích” giống mình. Qua nhiều cuộc trò chuyện, Trí quen và yêu một anh bạn hơn mình 6 tuổi và bắt đầu công khai tình cảm từ đây.
Biết chuyện, bố mẹ Trí đã rất buồn. “Người tức giận nhất có lẽ là bố tôi. Vì tôi đã khiến cho bố thất vọng. Khi biết chúng tôi yêu nhau, bố đã đánh tôi rất nhiều, bố đánh và thẳng thừng chỉ vào mặt bảo: Tao không bao giờ chấp nhận một thằng bệnh hoạn như mày”. Từ đó, bố Trí ngày nào cũng uống rượu, đánh đập và chửi rủa cậu. Đã rất nhiều lần cậu tìm đến cái chết nhưng không thành. Quá đau đớn và tuyệt vọng, Trí bỏ nhà ra đi, cắt đứt liên lạc với người thân.
“Lộ diện” chính mình
Sau khi bỏ nhà ra đi để tìm lại bản ngã của chính mình thì Trí lại bị người yêu bỏ rơi vì chính anh ta cũng không chịu được vì áp lực của ra đình mình. Qua nhiều tháng vật lộn với đau khổ, Trí quyết định lên Hà Nội tự kiếm sống nuôi bản thân. Cũng từ đây, cuộc sống của cậu bước sang một trang khác. Trí một lần nữa quyết định tìm hiểu về LGBT. Cậu truy cập vào diễn đàn Táo Xanh… và đã rất bất ngờ khi ở đó, cậu tìm thấy nhiều tài liệu để đọc và thấy nhiều người giống mình. Khi đó, Trí như vỡ òa trong hạnh phúc vì đã hiểu đồng tính không phải bệnh, mà không phải bệnh thì không cần chữa và không thể chữa.
Từ đó, cậu hiểu mình “là gay”, chứ không phải “bị gay”.Cậu cho biết: “Tôi tiếp xúc với nhiều bạn khác và cũng thấy họ “lạ”như tôi. Tôi hiểu được tại sao mình bên ngoài rất manly, nhưng lại thích con trai. Tôi hiểu được thế nào là thể hiện giới, và tôi tôn trọng thể hiện giới của các bạn đó. Trước đây tôi luôn “đeo mặt nạ” nhưng giờ tôi có thể tự tin để “lộ diện” chính mình.
Khi đã biết thực sự về con người mình, Trí không hề còn ý định muốn tự tử như trước nữa. Cậu thường xuyên tham gia các công tác xã hội, đồng thời vẫn tự kiếm tiền nuôi bản thân mình. Chưa bao giờ cuộc sống với Trí lại trở nên tươi đẹp đến vậy.
Mặc dù cho đến ngày hôm nay, Trí vẫn chưa từng được bố chấp nhận con người thật của chính mình. Những cái Tết cổ truyền, cậu vẫn bơ vơ không có nơi chốn đi về nhưng trong thâm tâm cậu luôn tồn tại một niềm tin rằng: “Rồi sẽ có ngày bố tôi chấp nhận con người thật của tôi”. Hơn nữa, Trí còn muốn nói với tất cả các bậc làm cha mẹ có con cùng cảnh với Trí rằng: “Những người đồng tính, họ hoàn toàn bình thường. Đừng vì những điều khác lạ nơi họ mà kì thị, ác cảm.”.