Bạo lực gia đình trầm trọng thêm vì... hòa giải (?!)
Môi trường - Ngày đăng : 06:38, 24/05/2016
Chị Trần Thị T (nhóm Tự lực – Ngôi nhà bình yên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ, rất nhiều chị em bị bạo lực đã không thể tìm được sự trợ giúp pháp lý (TGPL) vì không biết quy trình, thủ tục, lại ra đi tay trắng, không có tiền thuê luật sư.
Mới đây, chị N (trú tại Hà Nội) đã bị chồng đánh tới 31 năm. Chị không chịu nổi đã nộp đơn ly hôn. Vợ chồng chị có 4 nhà là tài sản hình thành sau hôn nhân nhưng đều đứng tên chồng. Nếu chị đơn phương ly hôn thì có nguy cơ ra đi tay trắng. Khi chị nhờ sự trợ giúp tư vấn của phường thì Ban hoà giải phường lại khuyên chị đã chịu đựng được 31 năm rồi, già rồi, ly hôn làm gì cho thiệt thân…
Tìm đến luật sư, mỗi giờ tư vấn có giá tới 200.000 đồng, còn thuê luật sư thì có giá rất cao. Chị N chỉ ở nhà làm nội trợ, không có tiền riêng. Vì thế, chị đành buông bỏ tất cả, không đòi hỏi tài sản, chỉ xin ly hôn cho thật nhanh. Cuối cùng cũng dằng dai mất 6 tháng, trong thời gian đó, chị tiếp tục bị chồng chửi bới, đe doạ, sống trong sợ hãi…
Ruy băng trắng – biểu tượng cho phong trào phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: CWD
Bà Lê Thị Phương Thuý - Trưởng phòng tư vấn (Ngôi nhà bình yên) nhận định, nhu cầu được TGPL của phụ nữ bị BLGĐ là rất lớn. Trong khi trợ giúp hiện nay của chúng ta chủ yếu là hoà giải.
“Hoà giải chỉ tăng thêm mức độ trầm trọng của BLGĐ. Hoà giải chỉ hợp lý với các vụ chưa gây thiệt hại đến quyền lợi, sức khoẻ của phụ nữ, trẻ em, còn khi đã xâm phạm thân thể, gây tổn thương tinh thần, thể chất thì nên giải quyết bằng luật, với sự vào cuộc của công an, toà án” - bà Thuý khẳng định.
Theo bà Thuý, hiện nay, công an vào cuộc mới chỉ căn cứ vào lời khai, chứng cứ chứ không quan tâm đến tâm lý của người bị BLGĐ, do đó quá trình tiếp cận tiếp tục gây ra tổn thương cho người bị BLGĐ. Ngay cả chính quyền, tổ hoà giải cũng hạn chế kiến thức về pháp luật, thậm chí không hiểu thế nào là BLGĐ, khi nào cần hoà giải, khi nào cần xử phạt, truy tố.
Hiện đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định của Luật TGPL 2006 chỉ gồm người già cô đơn, người nghèo cô đơn, người tàn tật, không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số.
Ông Trần Nguyên Tú - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện vẫn còn nhiều rào cản trong hoạt động TGPL cho phụ nữ nói chung và phụ nữ bị BLGĐ nói riêng. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước có hạn không thể mở rộng ra tất cả phụ nữ bị BLGĐ. Do đó, trong Luật TGPL sửa đổi dự định trình lên Quốc hội phê duyệt vào năm 2017 tới, các nhà làm luật dự định đưa nhóm phụ nữ bị BLGĐ có liên quan đến tố tụng hình sự trở thành một trong đối tượng được TGPL miễn phí.