Ủy ban Quốc tế về người mất tích hỗ trợ Việt Nam kỹ thuật xác định danh tính liệt sĩ
Đời sống - Ngày đăng : 07:55, 20/02/2023
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan của đoàn liên ngành do Phó Chủ tịch VAST Chu Hoàng Hà dẫn đầu, từ ngày 13 - 17/2.
Đây là hoạt động trong chương trình hợp tác giữa ICMP và VAST vừa được ký kết vào tháng 10/2022 với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ mới trong xác định danh tính liệt sĩ thông qua phương pháp sử dụng ADN.
Nhân viên Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. (Nguồn: Cổng TTĐT ngành Chính sách Quân đội)
Tham dự sự kiện có nhiều nhà khoa học quốc tế từ Hà Lan, Mỹ, Đức… và đặc biệt là một số nhà hoạt động chính trị như Tim Rieser, người đã kiên trì và có nhiều đóng góp cho việc vận động thúc đẩy USAID hợp tác xác định danh tính liệt sĩ tại Việt Nam.
Đoàn Việt Nam đã đưa một số mẫu di hài liệt sĩ để ICMP ứng dụng phương pháp mới xác định ADN. Việc xác định danh tính bằng ADN tại Việt Nam là một trong những thách thức khoa học vì thời gian đã lâu, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến các di hài bị hủy hoại nghiêm trọng, cộng thêm thân nhân trực hệ của liệt sĩ đã dần ra đi nên những phương pháp cũ không đưa lại hiệu quả cao.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đánh giá cao và chân thành cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị, USAID và ICMP đã kiên trì thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ với đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, giúp các gia đình, thân nhân các liệt sĩ tìm lại được di cốt người thân.
Trong khi đó, Kathryne Bomberger, Tổng giám đốc ICMP và các nhà khoa học quốc tế, USAID cũng bày tỏ quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác mạnh hơn nữa để góp phần làm dịu bớt những nỗi đau chiến tranh tại Việt Nam và nhiều nơi khác.
ICMP ra đời năm 1996 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với mục đích hỗ trợ kìm kiếm và xác định người mất tích vì chiến tranh, bạo hành, thiên tai, tội phạm có tổ chức... ICMP đặt trụ sở chính và phòng thí nghiệm tại thành phố La Haye. Ban Lãnh đạo ICMP gồm những nhân vật nổi tiếng, như Nữ hoàng Nauy, cựu Thủ tướng hoặc Ngoại trưởng các nước. Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo hiện nay là cựu Đại sứ Mỹ Thomas Muller. Từ tháng 12/2022, ICMP kết nạp thành viên Việt Nam đầu tiên vào ban lãnh đạo là bà Nguyễn Thị Thu Thảo, người từng công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). ICMP đang tập hợp và kêu gọi các nước chia sẻ thông tin dữ liệu để giúp cho việc định danh hài cốt được dễ dàng hơn. |