Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Đời sống - Ngày đăng : 17:42, 18/02/2023

Theo tiếng gọi non sông, dưới cờ Đảng quang vinh những chàng trai, cô gái đôi mươi xứ Thanh lên đường phục vụ kháng chiến. 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom tại hang Co Phương. Họ mãi mãi bên nhau ghi dấu khúc ca bi tráng một thời “kháng chiến trường kỳ nhưng nhất định thành công” như lời Bác Hồ.

Trong đội dân công hỏa tuyến năm xưa có 13 người, 11 người hy sinh trong hang, 1 người bị thương phía ngoài (mất trên đường đi cấp cứu) chỉ còn lại 1 cô gái út được phân công đi giặt áo.

Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Nguyễn Thị Ngọt ở xã Thiệu Nguyên, người duy nhất sống sót vẫn nhớ như in những ngày tháng ác liệt tại hang Co Phương (theo tên gọi của người dân tộc Thái là hang Cây Khế).

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Bà Nguyễn Thị Ngọt người duy nhất sống sót trong đội dân công hỏa tuyến

Trong bối cảnh lịch sử của những năm 1950, lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, Bác Hồ kêu gọi toàn dân chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để chuyển sang tổng phản công. Nhân dân Thanh Hóa hòa cùng đồng bào cả nước chuẩn bị sức người, sức của để phục vụ kháng chiến. Bản Sại, trong đó có hang Co Phương vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Người dân mong muốn được di chuyển nhường đất cho khuôn viên di tích

Lương thực, thực phẩm, vũ khí, ngoài việc chuyển bộ bằng xe đạp thồ còn được vận chuyển bằng thuyền ngược sông Mã. Tới khu vực Phú Lệ dòng sông cạn, thuyền bè đi lại khó khăn lại phải chuyển bằng đường bộ. Lúc đó, đường 15A đoạn qua xã Phú Lệ có 2 cây cầu huyết mạch luôn bị máy bay giặc ném bom, bắn phá.

Để đảm bảo giao thông, đoạn đường này luôn cần có lực lượng lớn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Nhận chỉ thị của cấp trên, ngày 6/3/1953, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức 3 trung đội dân công, mỗi trung đội có 45 người lên Quan Hóa làm đường và cầu Phú Lệ.

Từ 17 đến 30/3, đoàn dân công huyện Thiệu Hóa đan sọt, gánh đá làm đường Vạn Mai (Hòa Bình). Trong đoàn người ấy có bà Nguyễn Thị Ngọt mới tròn 19 tuổi và hàng chục thanh niên cùng trang lứa của xã Thiệu Nguyên tham gia dân công hoa tuyến phục vụ chiến dịch Thượng Lào và chiến dịch Điên Biên Phủ năm 1954.

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Còn nhiều hộ dân sống bên cạnh khu di tích

Khoảng 15h chiều ngày 2/4/1953, máy bay Pháp đã bất ngờ thay nhau quần đảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại, xã Phú Lệ. Trong trận đánh phá ác liệt này nhiều chiến sĩ thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ở dốc Phú Lệ, một số dân công đang làm nhiệm vụ mở đường bị trúng bom, tại địa điểm hang Co Phương, tiểu đội dân công 13 người là những người con thuộc xã Thiệu Nguyên đang trú ẩn bị bom đánh sập.

Sau những tiếng nổ rung trời, hang Co Phương bị đánh sập, đá núi đổ xuống lấp kín cửa hang làm 11 chiến sỹ hy sinh, các anh, các chị đã mãi mãi nằm lại nơi này.

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Khu vực suối nơi bà Ngọt đi giặt áo khi bom trút xuống hang Co Phương

Theo hồ sơ lưu trữ, có 27 dân công hỏa tuyến huyện Thiệu Hóa hy sinh tại xã Phú Lệ, trong đó 24 trường hợp hy sinh ngày 2/4/1953 và 3 trường hợp hy sinh ngày 13/2/1952.

Thiệu Hóa là huyện có số người hy sinh nhiều nhất tại hang Co Phương đã họp bàn tìm hài cốt liệt sỹ tại đây. Nhiều người đã tính đến phương án đi dời tảng đá lớn ở cửa hang để quy tập hài cốt các liệt sỹ. Tuy nhiên, việc tìm và xác định danh tính sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Sau đó những thân nhân liệt sỹ và chính quyền đã đi đến thống nhất giữ nguyên vị trí những người đã yên nghỉ trong lòng hang. Ngày 2/4 hàng năm trở thành ngày giỗ chung của các chị.

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Người dân, du khách tới thắp ném tâm nhang cho 11 nữ dân công

Một sự kiện hết sức bi tráng minh chứng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta có mất mát, đau thương những đầy tự hào, vẻ vang. 

Mãi tới năm 2012, hang Co Phương mới được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Địa phương đã lập quy hoạch tôn tạo khu di tích lịch sử hang Co Phương, các hạng mục được đầu tư gồm: sân hành lễ, nhà bia, taluy đất trồng cỏ, khu để xe, đảo hoa, khu sân vườn, cột cờ…

Hang Co Phương đã trở thành 1 địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến thiêng liêng. Trải qua một hành trình dài, ngày 28/3/2019 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng di tích Quốc gia, di tích lịch sử hang Co Phường.

Giờ đây Hang Co Phương trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, mãi mãi ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc.

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

11 nữ dân công hỏa tuyến mãi mãi nằm lại trong hang

Dù là di tích Quốc gia nhưng tuyến đường QL 15C đi bản Sại để vào trong di tích còn rất nhỏ, hẹp, quanh co và mặt đường đã bị xuống cấp. Tuyến đường này kết nối giữa huyện Quan Hóa đi huyện Bá Thước. Trên QL 15 từ Thanh Hóa sang Hòa Bình tại điểm rẽ vẫn chưa có biển báo để cho người dân, du khách dễ dàng tìm tới di tích.

Hiện nay phía trước, bên hông của khu di tích có khoảng gần 20 hộ gia đình người Thái mong muốn được di dời để tạo cho di tích có 1 khuôn viên rộng rãi, trang nghiêm nhưng chưa có kinh phí.

Ông Hà Văn Vức (61 tuổi) là hộ dân sống trước khu di tích cũng là người trông coi tâm sự: “Chúng tôi là thế hệ sau hưởng những năm tháng hòa bình ý thức được sự chiến đấu oanh liệt của cha ông. Sự hy sinh của đoàn dân công hỏa tuyến khiến người dân rất cảm kích, chúng tôi sẵn sàng di dời đi nơi ở mới để nhường đất cho mở rộng khuôn viên di tích. Hàng năm vào ngày rằm, lễ, tết và ngày 2/4 mọi người thường lui tới đây để thắp hương cho các chị đã nằm xuống dưới hang này".

Hang Co Phương nơi 11 nam, nữ dân công hỏa tuyến vùi thân dưới mưa bom

Cần sớm đầu tư cho di tích Quốc gia hang Co Phương xứng tầm giá trị lịch sử

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương nhằm giữ gìn, trân trọng, nâng niu quá khứ hào hùng của các thế hệ cha ông. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người ở thế hệ hôm nay và mai sau trong việc thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Việc sớm đầu tư các hạng mục, công trình phải xứng tầm với sự hy sinh của các liệt sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong xu thế phát triển du lịch về nguồn, du lịch tâm linh gắn với du lịch cộng đồng, tìm tới thiên nhiên kết nối tua, tuyến từ hang Co Phương tới bản Hang, bản Bút (Quan Hóa) và cả Mai Châu (Hòa Bình) là hướng đi bền vững.

Thanh Phương