Một số bất cập của quy định về sáng kiến và kiến nghị hoàn thiện
Đời sống - Ngày đăng : 13:21, 14/02/2023
Quy định của pháp luật về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bắt buộc phải có sáng kiến
Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây viết tắt là Nghị định 91), sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học là một trong các căn cứ để xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đều bắt buộc phải có sáng kiến mới được xét khen thưởng, mà chỉ có một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng như: Chiến sĩ thi đua các cấp (cơ sở; cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; toàn quốc); Huân chương Lao động; Anh hùng Lao động; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thì sáng kiến là một trong các tiêu chuẩn để xét khen thưởng.
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không quy định bắt buộc phải có sáng kiến mới được xét khen thưởng, như: Lao động tiên tiến; Tập thể lao động tiên tiến; Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; Cờ thi đua của Chính phủ; Danh hiệu vinh dự Nhà nước (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…); Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng…
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến nội dung sáng kiến với tư cách là một căn cứ để xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Quy định của pháp luật về sáng kiến và một số tồn tại, hạn chế
* Khái niệm sáng kiến:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến (sau đây viết tắt là Nghị định 13) quy định: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
Theo quy định này, phạm vi nội dung của sáng kiến gồm 04 loại giải pháp có đặc điểm, tính chất khác nhau: giải pháp về kỹ thuật; giải pháp trong lĩnh vực quản lý; giải pháp về tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Nếu gộp theo lĩnh vực thì có 03 loại (nhóm) giải pháp: giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý và giải pháp tác nghiệp.
Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây viết tắt là Nghị định 91) quy định:
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Như vậy, nội hàm khái niệm sáng kiến trong Nghị định 91 rộng hơn khái niệm sáng kiến theo Điều lệ sáng kiến. Ngoài 4 nội dung giải pháp như Điều lệ sáng kiến quy định và đã được giải thích cụ thể tại Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì Nghị định 91 còn bổ sung giải pháp công tác. Tuy nhiên, Nghị định 91 không có quy định giải thích giải pháp công tác là gì.
* Điều kiện công nhận sáng kiến: Để giải pháp được cơ sở công nhận là sáng kiến cần đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
- Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;
- Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;
- Không thuộc đối tượng bị loại trừ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Một trong các điều kiện tiên quyết, bắt buộc để có thể được công nhận sáng kiến là phải có tính mới. Vậy tính mới ở đây là gì? Khoản 1 Điều 4 Nghị định 13 quy định: Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi một cơ sở nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào đến sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước;
+ Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;
+ Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;
+ Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
Quy định của pháp luật về tính mới của sáng kiến tương tự quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, như: ưu tiên quyền nộp đơn trước đề nghị công nhận sáng kiến, không được trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc chưa được bộc lộ công khai đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được.
Đây là quy định chung, dễ áp dụng trong một số lĩnh vực như: văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin… nhưng lại rất khó áp dụng trong một số lĩnh vực như: điều tra, giải quyết, xét xử các loại vụ án. Bởi đây là lĩnh vực đặc thù, mang tính áp dụng pháp luật chuyên sâu. Các cơ quan cũng như cá nhân làm công tác điều tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ theo quy trình, thủ tục chặt chẽ khi áp dụng pháp luật, mà không được tự do sáng tạo ra các quy định, quy trình, thủ tục.
Thực tế trong thời gian qua, rất ít tập thể, cá nhân trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, TAND nói riêng có sáng kiến, ngoài các tập thể, cá nhân làm công tác phục vụ, tham mưu giúp việc.
Đối với các chức danh tư pháp của TAND như Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án khi tham gia giải quyết, xét xử các loại vụ án, pháp luật đều có quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn phải tuân thủ, thực hiện một cách nghiêm ngặt. Để có thể có sáng kiến trong lĩnh vực công tác này làm căn cứ xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng là rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng, số lượng khen thưởng các chức danh tư pháp cũng như khích lệ, động viên Thẩm phán, các chức danh tư pháp khác khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một tiêu chí nữa cũng rất quan trọng để được công nhận là sáng kiến mà nhiều cơ quan, đơn vị khi xét, công nhận thường bỏ qua, đó là giải pháp phải được áp dụng và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Đây cũng là một nội dung rất quan trọng, bởi vì nếu giải pháp chỉ tồn tại trên giấy, không được ứng dụng trong thực tiễn các lĩnh vực công tác thì chỉ có tính hình thức, không thiết thực, khó có thể đánh giá tác dụng, hiệu quả để xét, công nhận sáng kiến.
Vậy khi nào thì giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực? Khoản 1 Điều 4 Nghị định 13 quy định: Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội.
Theo quy định này thì chỉ cần việc áp dụng giải pháp “có khả năng” mang lại hiệu quả kinh tế hoặc xã hội, chứ không nhất thiết phải có kết quả về mặt kinh tế, xã hội.
Việc xem xét, đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội của giải pháp do Hội đồng Khoa học - Sáng kiến tham mưu, tư vấn cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định. Hiệu quả về kinh tế, xã hội có thể mang tính định tính (ước tính), nhưng cũng có thể mang tính định lượng (có thể cân, đong, đo, đếm được), như: nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả hoạt động quản lý, tác nghiệp, giảm chi phí sản xuất dẫn đến giảm giá thành; hiệu quả về mặt xã hội có thể là cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường làm việc, bảo đảm sức khỏe cho công chức, người lao động, bảo vệ môi trường.
* Trình tự, thủ tục xét, công nhận sáng kiến:
Tác giả có giải pháp có thể yêu cầu Hội đồng Khoa học - Sáng kiến xét, đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định công nhận sáng kiến. Người đề nghị công nhận sáng kiến phải làm văn bản (đơn yêu cầu công nhận sáng kiến) gửi Hội đồng Khoa học-Sáng kiến của cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đề nghị của tác giả, Hội đồng Khoa học - Sáng kiến họp, xét, đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định công nhận sáng kiến. Căn cứ mức độ phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến để xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tương xứng. Ví dụ: phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng ở cấp cơ sở thì xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, ở cấp bộ, ngành, tỉnh thì xét tặng danh hiệu thi đua cấp bộ, tỉnh và ở phạm vi toàn quốc thì đề nghị xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Thực tế, một số đơn vị do chưa nắm chắc quy định, nên Hội đồng Khoa học-Sáng kiến vừa họp xét, vừa thực hiện thay chức năng của Thủ trưởng đơn vị là công nhận sáng kiến, ra văn bản (thông báo) công nhận sáng kiến là không đúng quy định, thẩm quyền. Hội đồng Khoa học - Sáng kiến chỉ họp, xét, nếu đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận sáng kiến thì Hội đồng đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định công nhận sáng kiến hoặc cấp giấy chứng nhận sáng kiến (theo mẫu quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến).
Kiến nghị hoàn thiện
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, tác giả đề xuất kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về sáng kiến cũng như một số giải pháp trong các lĩnh vực công tác của TAND có thể xét, công nhận là sáng kiến:
a) Bổ sung “giải pháp công tác” vào quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 cho thống nhất, phù hợp với Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, cụ thể:
“Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây…”.
b) Một số nội dung giải pháp công tác có thể xem xét, công nhận là sáng kiến để làm căn cứ xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, đồng thời phù hợp với đặc thù hoạt động trong các lĩnh vực công tác của TAND như sau:
- Đề án, dự án Luật, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật khác, quy chế, quy định, kế hoạch, thỏa thuận hợp tác quốc tế… liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, đã được cấp có thẩm quyền thông qua.
- Giải pháp về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm thống kê, phần mềm quản lý, phần mềm phân án ngẫu nhiên, phần mềm hệ thống quản lý giám sát điều hành nội bộ Tòa án nhân dân, trợ lý ảo, Website…
- Các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua là án lệ.
- Các giải pháp công tác khác giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của Tòa án nhân dân, tiết kiệm chi phí: xét xử trực tuyến, quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, tài chính, thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tham nhũng trong TAND.