Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt tại miền Trung và Nam bộ

Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012

Trước tình hình mưa lũ đang diễn ra hết sức phức tạp ở Trung Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, ngày 19-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Công điện số 1875/CĐ-TTg yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tại các vùng ngập lũ.

Theo đó cần di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; giúp dân vệ sinh và dựng lại nhà cửa, khu dân cư khi lũ rút; các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin kịp thời về diễn biến mưa lũ để các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh...

Nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt


Tranh thủ lượng mưa đã giảm và lũ trên các sông rút dần, các địa phương thuộc khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đã và đang huy động toàn bộ các lực lượng tại chỗ, dồn sức khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Đợt mưa lũ từ 13-10 đến nay tại khu vực Trung Trung bộ đã làm 10 người chết và 3 người mất tích; nhà bị ngập 92.324 căn; lúa bị ngập 2.170ha; hoa màu bị ngập, hư hại 3.571ha; số hộ phải di dời 6.517 hộ. Lũ tại đồng bằng sông Cửu Long làm 48 người chết; nhà bị ngập nước 80.730 căn; lúa bị ngập úng 21.451ha; đê bao, bờ bao bị sạt lở 1.455,7km; đường giao thông nông thôn bị ngập 1.340km.


Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW): Các tỉnh miền Trung đã huy động các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang trên địa bàn khắc phục hậu quả lũ lụt, tổ chức và khôi phục sự cố giao thông, dọn vệ sinh phòng chống dịch bệnh, xử lý các sự cố đê, kè trong lũ.

Nhờ đó, tuyến Quốc lộ 1A (bị ngập, sạt lở tại 7 điểm) và tuyến đường sắt Bắc Nam (ngập 3 đoạn) đã thông tuyến từ ngày 17-10; các tuyến quốc lộ khác và tỉnh lộ đã cơ bản thông xe; các tỉnh đã sơ tán được trên 7.934 hộ dân tại 20 huyện, thị đến nơi an toàn (Quảng Bình 1.275 hộ/4 huyện, Quảng Trị hơn 5.000 hộ/8 huyện thị, Quảng Ngãi 460 hộ/2 huyện). Lực lượng Quân đội đã huy động 7.581 cán bộ chiến sĩ (1.044 bộ đội, 6.537 dân quân tự vệ), 94 tàu xuồng, 25 xe ôtô các loại giúp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; duy trì 6.314 cán bộ chiến sĩ của Quân khu 9 giúp tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Nhiều nơi bị ngập úng kéo dài


Tại quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng), người dân đã trở về nhà dọn dẹp đồ đạc sau khi nước rút. Chính quyền các cấp đã chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân thông nước, kiểm tra các đường dây điện phòng tránh tai nạn điện giật, ngành Y tế chuẩn bị cấp thuốc khử trùng...


Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều công điện các huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan triển khai công tác PCLB&TKCN; đồng thời lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác PCLB&TKCN tại 3 huyện Mộ Đức, Đức Phổ và huyện Bình Sơn chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Đợt mưa lũ từ 13-10 đến nay tại khu vực Trung Trung bộ đã làm 10 người chết (Quảng Bình 3; Quảng Trị 5; Thừa Thiên - Huế 1; Quảng Nam 1); bị thương 15 người (Quảng Bình 8; Quảng Trị 2; Thừa Thiên - Huế 2; Quảng Nam 3) và 3 người mất tích (Quảng Bình 1; Quảng Trị 2). Nhà bị ngập 92.324 căn; lúa bị ngập 2.170ha; hoa màu bị ngập, hư hại 3.571ha. Số hộ phải di dời 6.517 hộ. Lũ tại đồng bằng sông Cửu Long làm 48 người chết. Nhà bị ngập nước 80.730 căn; lúa bị ngập úng 21.451ha; đê bao, bờ bao bị sạt lở 1.455,7km; đường giao thông nông thôn bị ngập 1.340km.


Sáng 19-10, hơn 3.000 thùng mì tôm và 1.000 thùng nước uống đã được UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chuyển đến tay đồng bào dân tộc Vân Kiều và một số hộ dân trên địa bàn chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Trong đó, hai xã miền núi của huyện này có đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống là xã Trường Sơn được hỗ trợ 550 thùng mì tôm, nước uống và xã Trường Xuân là 200 thùng mì tôm.

Số hàng cứu trợ nói trên tuy không nhiều nhưng đã phần nào giúp đồng bào dân tộc và nhân dân vùng bị thiệt hại nặng trong trận lũ này vơi đi cái đói, cái khát, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với nhân dân vùng bị lũ.


Hiện vẫn chưa tiếp cận được với người dân bản Nà Lâm, xã Trường Xuân, Quảng Ninh (Quảng Bình). Bản có 12 hộ dân với 38 nhân khẩu đa số họ đều là đồng bào dân tộc Vân Kiều, điều kiện về kinh tế của người dân nơi đây rất khó khăn, trình độ nhận thức trong việc phòng chống bão, lụt rất hạn chế. Ngày 20-10 chính quyền xã Trường Xuân thành lập đoàn công tác để trực tiếp vào bản Nà Lâm kiểm tra tình hình cũng như mang lương thực thực phẩm, nước uống để cứu trợ cho bà con nơi đây.


Tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp để tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn các hồ chứa nước. Riêng các hồ thủy điện phải thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo quy chế phối hợp đã ký kết với Ban chỉ huy PCLB tỉnh; thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành được phê duyệt, nhưng phải linh hoạt nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Các địa phương rà soát lại công tác PCLB theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn. Các lực lượng cứu nạn cứu hộ được duy trì, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu của địa phương hoặc chỉ đạo của UBND tỉnh. Ban chỉ huy PCLB các cấp tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động đối phó.


Hiện mưa lũ vẫn còn làm cô lập một số vùng ở miền núi tại huyện Nam Trà My và Tây Giang (Quảng Nam). Tại Km95 đường ĐT616, hàng ngàn khối đất, đá kèm theo cây gỗ đã sạt lở xuống nền đường gây cô lập hoàn toàn; các trục đường giao thông từ huyện về các xã cũng xảy ra hàng chục điểm sạt lở, gây ách tắc. 60 tấn gạo cứu trợ lũ lụt của huyện Tây Giang cho 4 xã vùng cao này vẫn đang nằm trong kho vì không thể vận chuyển được, huyện cũng đã chỉ đạo các xã bị chia cắt dùng lượng lương thực dự trữ tại chỗ để cấp phát cho người dân.


Ngay khi nước bắt đầu rút, ngành Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Trị đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường nội tỉnh. Các điểm sạt lở do lũ quét ở tuyến Ba Lòng - Triệu Nguyên, Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh (Đakrông) đang được các đơn vị thi công tích cực khắc phục.

Ngành Y tế đã tổ chức phun hóa chất, hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt bằng Cloramin; làm vệ sinh môi trường, xử lý xác gia súc, gia cầm; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phòng chống các loại dịch bệnh về tiêu hóa, ngoài da, các bệnh về mắt… Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chuyển 1 tấn CloraminB, 300.000 viên Cloramin xử lý nước sinh hoạt và trên 60.000 gói xử lý nước hỗ trợ các địa phương, khu dân cư có nguy cơ tái ngập lụt trong thời gian tới.


Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; huy động lực lượng tuần tra canh gác, gia cố bờ bao, bơm tiêu úng bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, vườn cây ăn trái, ao hầm nuôi thủy sản; vận động và hỗ trợ các hộ vùng sâu, vùng sạt lở di dời đến nơi an toàn, tổ chức cứu trợ cho các hộ gặp khó khăn, khắc phục cơ sở hạ tầng...

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Long An chỉ đạo các huyện vùng lũ di dời ngay những hộ ngập sâu lên các cụm, tuyến dân cư, nhất là sơ tán những người già, trẻ em ra khỏi vùng bị ngập lũ để phòng ngừa tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, các đoàn thể phụ nữ, hội chữ thập đỏ, thanh niên, giáo dục tích cực tổ chức thêm các điểm giữ trẻ kiên quyết không để trẻ em sống trong những căn nhà kê kích tạp bợ bị ngập lũ rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ em.

Duy Thưởng

congly.com.vn