Chuyện về lão thành cách mạng 75 năm tuổi Đảng
Đời sống - Ngày đăng : 16:10, 04/02/2023
Cụ Đỗ Hùng Lâm sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Trong những năm 40 của thế kỷ XX, tại căn nhà cấp bốn của gia đình cụ Lâm ở làng Tâm Quy thuộc tổng Nam Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa), mẹ của cụ và những người thân trong gia đình đã nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Ngô Đức, Nguyễn Văn Huệ,…Chính nơi đây đã hun đúc lên tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng cho chàng trai trẻ Đỗ Hùng Lâm.
Tháng 4/1944, khi đang học tại Trường Tiểu học Pháp Việt, cụ Lâm được kết nạp vào Việt Minh khi mới 16 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tháng 10/1944, cụ Lâm phải bỏ học và thôi học tiếng Pháp. Trong những ngày ở nhà, cụ trực tiếp sao chép lại thư từ cho Tố Hữu, Nguyễn Văn Huệ. Cụ Lâm còn được Tố Hữu giao cho nhiệm vụ tìm cách đưa giấy kêu gọi của ông vào nhà các cai tổng, phó tổng để kêu gọi họ tham gia Việt Minh, ủng hộ cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1945, cụ Lâm trực tiếp tham gia khởi nghĩa.
Lão thành cách mạng Đỗ Hùng Lâm cùng vợ là cụ Vũ Thị Thảo
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Đỗ Hùng Lâm tham gia Thanh niên cứu quốc, Bình dân học vụ của làng. Năm 1946, cụ được làm thư ký tại Ủy ban hành chính Tỉnh Thanh Hóa, rồi về làm thư ký Ủy ban Kháng chiến Huyện Hà Trung. Một năm sau, cụ được phân công phụ trách Thường vụ trực Thanh niên cứu quốc tổng Nam Bạn,...
Sau nhiều lần vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày 2/6/1948, cụ Lâm vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong quá trình công tác từ năm 1948 - 1979, dẫu ở lĩnh vực nào, trên cương vị nào, cụ Lâm cũng luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên để cùng xây dựng tập thể lớn mạnh.
Cụ Đỗ Hùng Lâm cùng các con, cháu, chắt trong gia đình
Vì điều kiện công tác, cụ thường xuyên xa nhà, một mình vợ cụ Lâm là Vũ Thị Thảo (SN 1928) tần tảo nuôi 7 người con (4 trai, 3 gái) khôn lớn, trưởng thành. Nối tiếp truyền thống gia đình, ba người con trai của cụ là Đỗ Quang Văn (SN 1954), Đỗ Quang Tuyến (SN 1957) và Đỗ Quang Khải (SN 1968) cũng tham gia kháng chiến.
Năm 1980, cụ Lâm nghỉ hưu và trở về địa phương. Với truyền thống cách mạng của gia đình, cụ Lâm luôn giáo dục các thế hệ con cháu trong gia đình phải đoàn kết, nghị lực và luôn lấy Đảng là kim chỉ nam cho mọi hành động.
Di tích cách mạng nhà bà Vũ Thị Lịch được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2012
Tại ngôi nhà cũ giữa làng Tâm Quy của gia đình cụ Lâm – nơi từng nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2012. Mấy năm sau, Nhà nước đã đầu tư, tu tạo, xây dựng lại di tích cách mạng này.
Ông Nguyễn Ngọc Ngãi - Bí thư Đảng ủy xã Hà Tân cho biết, cụ Đỗ Hùng Lâm là lão thành cách mạng với 95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Cụ Lâm là đảng viên kiên trung, phấn đấu và cống hiến trọn đời cho cách mạng và cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của quê hương.
“Mặc dù tuổi đã cao, cụ Lâm vẫn thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chi bộ, đảng bộ vững mạnh, dạy bảo con cháu trong gia đình nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại địa phương, gia đình cụ Lâm luôn hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào do địa phương phát động. Hàng năm gia đình cụ đều được công nhận gia đình văn hóa, Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, ông Ngãi cho hay.