Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 03/02/2023

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền tọa lạc tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Nơi đây lưu giữ lại những hiện vật và trưng bày một số tư liệu về đồng chí Nguyễn Chí Hiền, người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn thế, đây còn là “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Chí Hiền (1905 – 1933) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Trường Trung, xã Hòa Lộc, nay là làng Xuân Tiến, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Từ nhỏ ông đã bộc lộ sự thông minh, tính tình ngay thẳng, cương nghị. Thời niên thiếu, ông sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Đồng chí Nguyễn Chí Hiền - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Năm 1926, ông liên lạc với đồng chí Lê Hữu Lập – người cùng quê để biết thêm về những kiến thức mà Lê Hữu Lập đã được học ở Quảng Châu (Trung Quốc), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền thụ.

Tháng 4/1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, Nguyễn Chí Hiền đã gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông được tổ chức cử sang Ma Cao (Trung Quốc) dự lớp tập huấn do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tùng Mậu tổ chức. Hai tháng học đã giúp ông có được cái nhìn mới về thế giới, về thời cuộc, về đất nước. Học xong, ông trở về Thanh Hóa tiếp tục hoạt động trong tổ chức thanh niên.

Ngày 14/7/1929, hoạt động tổ chức Thanh niên Thanh Hóa ở làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị lộ, thực dân Pháp khủng bố và truy lùng ráo riết. Trước tình hình đó, ông cùng các đồng chí buộc phải di tản khỏi quê. Để thoát sự truy lùng của kẻ thù, ông đã ra Bắc Ninh nhằm bắt mối với Xứ ủy Bắc Kỳ.

Năm 1930, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ bổ sung vào Tỉnh ủy Thái Bình. Ông đã tổ chức lãnh đạo nông dân Tiền Hải vùng lên làm cuộc mít tinh diễu hành vào ngày 14/10/1930, yêu cầu giảm sưu cao, thuế nặng, xóa bỏ việc bắt muối, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

Hai tháng sau, ông trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn thuyết tại chợ Cao Mai, huyện Kiến Xương để kêu gọi quần chúng đấu tranh hưởng ứng phong trào Tiền Hải.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền

Tháng 4/1931, trong chuyến đi công tác về Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Hiền đã bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò. Cuối năm 1932, thực dân Pháp đã chuyển ông từ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội đi Sơn La. Dù bị tra tấn, đánh đập dã man, song ý chí người chiến sĩ cách mạng không cho phép ông đầu hàng. Năm 1933, ông hy sinh tại nhà tù Sơn La.

Nhằm tôn vinh, tri ân và tưởng nhớ những cống hiến, hi sinh của đồng chí Nguyễn Chí Hiền cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, năm 2005, tuổi trẻ Hậu Lộc đã vận động đoàn viên đóng góp xây dựng công trình Nhà lưu niệm ông.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2016. Đến năm 2017, Nhà lưu niệm được trùng tu, xây dựng lại với tổng diện tích khoảng 6.000m2.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Bảng tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Chí Hiền

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Hiền có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Hiền sẽ mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Nguyễn Sự