Những người mẹ ngóng con

Phóng sự - Ghi chép - Ngày đăng : 15:13, 30/01/2023

Cơn mưa nặng hạt tạt vào mái tôn phát ra âm thanh chói tai, cộng thêm cái lạnh đậm đặc cứ phả thẳng vào mặt càng khiến cho tâm tư của những người già thêm trĩu nặng. Bất quá nghĩ đến những đứa con lầm lỡ, lòng họ lại rối bời.

1. Thấy nhà hàng xóm tất tả đùm đùm, gói gói quà bánh để con cháu mang đi sau những ngày về quê đón Tết cùng ông bà, bà Nguyễn Thị Thúy lặng lẽ quay người giấu đi ánh mắt đã hằn lên tia đỏ. Bà thực sự đang tủi thân, bà cố gắng hết sức để đè nén nỗi nhớ con, nhớ cháu. Dù tỏ ra “ổn” nhưng mấy ngày Tết trôi qua dài đằng đẵng càng khiến mọi cố gắng của bà đều trở nên vô nghĩa, bà đã không thể thắng được cảm xúc thực sự của mình.

Ai cũng nói cuộc đời của bà Thúy là những chuỗi ngày buồn chồng xếp lên nhau kéo dài và không có dấu hiệu dừng lại. Từ ngày bà về làm vợ ông Huỳnh Xuân đến nay đã mấy chục năm trôi qua, ngày vui có lẽ cũng chỉ tính trên đầu ngón tay. Bà đến với ông khi ông đã qua một lần đò. Người “đàn bà mới” chấp nhận gắn kết với người “đàn ông cũ” chỉ mong có một cuộc sống hạnh phúc, bình yên vậy mà điều bà hy vọng ấy lại cứ để bà nhìn thấy nhưng lại không dành cho bà.

Bà Thúy sinh được hai đứa con trai và một trong số đó lại khiến cho vợ chồng bà đến bây giờ vẫn không thể an yên với tuổi già. Ông bà càng hy vọng con nên người thì người con trai cả lại càng khiến ông bà ôm về rất nhiều thất vọng. Hoàn cảnh của bà Thúy là kiểu “đời bà khổ vì con, nay cháu bà lại vì con bà mà khổ… rồi bà lại khốn khổ thêm bởi chính “con của con bà”.

Nói một cách “rối rắm” như vậy để thấy rằng cuộc đời của bà Thúy chẳng khác nào chiếc lò xo tồn tại bởi vô số những vòng xoay, nhưng kỳ thực đơn giản hiểu thì bà khổ vì con, rồi nay bà lại tiếp tục khổ vì cháu. Huỳnh Lai là con trai cả của bà Thúy với ông Xuân, cuộc đời của Lai cũng chẳng khác nào một cuốn sách mà trong đó toàn những điều trắc trở.

Thương- người phụ nữ đến với Lai bằng những lời thề non hẹn biển cuối cùng cũng “không từ mà biệt”, bỏ lại cho Lai đứa con trai mới lọt lòng 17 ngày tuổi. Một gã thanh niên vừa trưởng thành, một đứa trẻ còn chưa kịp hiểu được thế giới xung quanh, Lai đã phải trải qua trong những tháng ngày dài chạm đến cùng cực. Dĩ nhiên, bà Thúy vì vậy đã trở thành người “mẹ bất đắc dĩ” cho cháu mình từ đó.

Lấy lý do buồn chán, Lai bắt đầu lao vào những cuộc chơi không có điểm dừng rồi dính vào ma túy. Theo thời gian, cuối cùng Lai cũng “xếp xó” nỗi đau cũ với người đàn bà cũ. Con trai Lai sống với cha mẹ già, còn Lai lại “phiêu” với những người phụ nữ mới. Lần này Lai “gá nghĩa” với người phụ nữ tên Tình mà không cưới xin, cũng không ràng buộc nhau bởi tờ giấy đăng ký. Họ là kiểu “rổ rá cạp lại”, Tình là người đàn bà đã qua một lần đò, sống với hai người con gái. Mặc dù có niềm vui mới nhưng “đam mê” cũ đã khiến Lai bị bắt về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và phải thụ án. Trong thời gian này, Lai lại án chồng thêm án vì các tội “Hiếp dâm”, “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Bà Thúy năm nay 68 tuổi, ông Xuân thì đã ở tuổi 90 nhưng phải mất đến 28 năm nữa để chờ ngày Lai trở về. Có thể nói, những con số cho thấy năm tháng vô tình đẩy con người ta về điểm cuối, đặc biệt đối với ông bà quỹ thời gian ngày càng cạn kiệt thì đây quả thực là điều quá tàn nhẫn. Con trai đi tù, đến đứa cháu trai cũng vì nghiện ngập phải đi trại cai nghiện ma túy… về nhà chưa “nóng chân” lại bị bắt vì ma túy đang chờ ngày xét xử. Nhìn con, ngó cháu, bà Thúy thấy cuộc đời mình thực sự đã thất bại, thất bại một cách đau đớn.

2. Cùng cảnh với bà Thúy, bà Nguyễn Thị Thương năm nay đã gần tuổi 70. Bà Thương “nổi tiếng” bởi vì nghèo. Chồng bà làm nghề đánh cá, một lần ra biển rồi đi mãi không về, bà thành góa phụ một mình nuôi con trai. Người ta nói, “nghèo khó không có tội nhưng nghèo khó đã chặn mọi nẻo đường, lấy đi nhiều cơ hội của người nghèo” thực sự không sai. Như Tuấn con trai bà Thương chẳng hạn, Tuấn làm gì cũng trầy trật, bao gồm cả lập thất. Bà Thương cũng bất đắc dĩ trở thành mẹ của con Tuấn vì con dâu bà rời đi để lại đứa con trai mới 24 tháng tuổi.

Bà Thương đã sống những ngày tháng chông chênh chẳng khác nào đứng ở mũi thuyền trước cơn sóng lớn. Tuấn con trai bà cũng đã sống những ngày tháng chênh vênh, vô định chẳng kém mẹ của mình. Thương mẹ, xót con thơ Tuấn đã vứt đi những tháng ngày buồn chán, quyết tâm "sống vì con" với hy vọng đời con mình sẽ khác. Nhưng rồi, gánh nặng cơm áo cho gia đình, đối diện với sự trống trải cô đơn... Tuấn đã đánh rơi niềm hy vọng vốn mong manh ấy. Tuấn sa vào con đường nghiện ngập, rồi buôn bán ma túy để kiếm tiền và tất nhiên Tuấn đã phá nát tất thảy sự kỳ vọng của bà Thương.

Những người mẹ ngóng con

Trái tim của người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở dưới đáy, chúng ta sẽ luôn tìm thấy sự thứ tha.

Ngày Tuấn vào tù, con trai 5 tuổi, ở tuổi này làm sao con có thể hiểu hết sự mất mát và những khó khăn trên chặng đường phía trước của cuộc đời mình. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nuôi cháu thay con… lại một lần nữa xoay vòng bà Thương trong cảnh khó. “Đêm đêm nghe cháu thủ thỉ, con nhớ ba lắm, đã lâu con không được gặp ba. Con nghe nói ba đi tù, nhưng đi tù là đi đâu? Lúc nào ba mới về hả bà, hay bà cũng cho cháu đi tù ở với ba’..., tôi đau lắm, đau vô cùng. Không biết cuộc đời bà cháu tôi sẽ ra sao”, bà Thương tâm sự trong nước mắt.

Ở vào vị trí của bà, yêu thương cũng được, oán hận cũng được, bà hoàn toàn có quyền… thế nhưng cuối cùng bà vẫn chọn dừng lại ở sự yêu thương. “Dù thế nào cũng là con của mẹ, con dại thì cái mang”, bà đang sống kiên cường không phải vì bản thân mà là vì con, vì cháu. Không phải bà đã hết đau lòng, cũng chưa hết mềm yếu chỉ là bà không cho phép bản thân mãi trầm luân trong đó. Bà từng tự trách, cuộc đời bà là những chuỗi dài khốn khổ, cho nên cuối cùng vận khổ ấy lại ứng lên con trai và cháu của bà.

Vừa nói chuyện, bà Thương vừa vấn chặt cuộn băng keo trên thùng xốp. Bà đang chuẩn bị quà để ngày mai dẫn cháu vào trại thăm con. Cả bà Thương lẫn cháu trai không giấu được sự háo hức, mong chờ vào chuyến đi này. Bà sẽ được gặp con, cháu bà sẽ được gặp ba… vậy là món quà bà hứa tặng cháu đã trở thành hiện thực. “Lần trước tôi vào thăm nghe cán bộ nói thằng Tuấn ở trong ấy ngoan lắm, chăm chỉ làm việc, tay chân tháo vát. Hắn nói, phải cố gắng thật nhiều để được xét giảm án sớm về với mẹ, với con. Hắn nói đã ân hận lắm rồi. Nghe mà thương đứt ruột…”, bà Thương vừa nói vừa nhìn về phía đứa cháu đang đặt những tấm hình của mình vào túi để tặng ba vào ngày mai, đôi mắt bà đã trở nên ướt át…

3. Ngọn đèn dầu le lói đặt trên chiếc bàn kê tạm nơi lề phố, đó là nơi bà Nguyễn Thị Bình chọn kế mưu sinh nuôi hai đứa cháu qua ngày. Trời khuya, phố vắng nhưng bà Bình vẫn cần mẫn ngồi đó với giỏ trứng vịt lộn đang đầy. Bà nói, bây giờ phải sống gồng mình, sống và làm mọi thứ một cách gấp gáp để chạy đua với thời gian. Bà sợ, bà không còn nhiều cơ hội bù đắp những thiệt thòi mà cháu mình đang phải chịu.

Làn gió nhẹ thổi chiếc lá chao xuống mặt bàn, rồi tham luyến thổi loạn mớ tóc mai trên trán bà Bình, mặc nhiên cứ như thể cuộc đời bà chưa đủ rối rắm. Trời đêm âm u, có chút ngột ngạt, bà Bình mở lời tâm sự. Bà là mẹ đơn thân, cũng khó khăn lắm để bước qua miệng đời mà nuôi con trai khôn lớn. Con là tất cả sự kỳ vọng của bà vì vậy khi vợ chồng con trai bà vào tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bà đã tưởng “không từ mà biệt” với con, với cháu.

Bà nói, “Khi sắp bước chân vào cửa tử, tôi đã nghĩ đến hai đứa trẻ bơ vơ, tôi không thể cứ vậy mà từ bỏ. Trốn tránh thống khổ là bản năng của con người, nhưng một khi không có người thay tôi “che mưa chắn gió” thì tôi phải tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân. Nhìn hai đứa trẻ ngơ ngác chưa hiểu chuyện đời, tôi cố hết sức mới có thể làm trái tim đang đập những nhịp yếu ớt kia quay về tiết tấu vốn có. Tôi cứ vậy mà buộc mình phải sống”.

Bà Bình thở ra một hơi rõ dài, ngắt ngang câu chuyện. Rốt cuộc thì cái chuyện sống, nuôi cháu đợi con trở về mới là chuyện lớn, tới mức cho dù cuộc sống có uất ức, có chật vật thì cũng tự cho là chuyện nhỏ để vượt qua. “20 năm nữa cha mẹ chúng mới về, hai đứa sẽ lớn lên như thế nào đây, “làm mẹ của cháu”, tôi phải vất vả bằng năm, bằng mười trước đây. Ngày tranh thủ đi nhặt ve chai, lúc rảnh rỗi làm giúp việc theo giờ để kiểm tiền nuôi cháu. Đến tối lại soạn hàng vịt lộn bán thêm. Tủi thân lắm chứ nhưng tôi chỉ cho phép mình yếu đuối, cho phép mình rơi nước mắt khi chỉ có một mình”, bà Bình giải bày.

Những ngày đầu năm, khi nhà nhà, người người vẫn hân hoan trong không khí vui xuân thì bà Bình lại tất bật với những nghề “thức thời” như ngày bán nước, tối bán trứng vịt lộn, lúc vắng khách tranh thủ gom lượn mớ “ve chai”. Bà nói, thời gian này họ sử dụng bia, nước ngọt nhiều nên “thu nhập” từ món hàng phế liệu của bà cũng được tăng lên đáng kể. “Ra tết, tiền đóng học cho hai đứa, mua ít thứ gửi cho vợ chồng con trai ở trong tù, rồi tiền này, tiền này và tiền này nữa…”, bà Bình bấm đốt ngón tay kể ra từng món, đôi mắt chất chứa ưu tư.

4. Thời gian luôn chuyển, một năm mới nữa lại qua cũng là đặt những người phụ nữ này vào điểm đầu của một năm đầy những lo toan, khắc khoải mới. Đâu đó cũng sẽ có một vợ chồng bà Thúy, bà Bình, bà Thương cùng cảnh ngộ, họ thấy tủi thân, thấy trống trải, thấy chạnh lòng khi vắng con, xa cháu bởi lý do không ai mong muốn nhất. Họ đã hết lòng vì con lại hết lòng vì cháu, không biết nỗi khổ cực ấy đến bao giờ mới dừng lại, bao giờ họ mới chạm đến sự thảnh thơi khi tuổi về chiều.

Xuân này, Xuân sang năm, hay Xuân sang năm nữa “những đứa con lầm lỡ” của họ mới trở về?. Xuân này, Xuân sang năm, hay Xuân sang năm nữa những đứa trẻ đáng thương ấy mới được đón tết cùng mẹ cha?. Mỗi một mùa xuân qua đi là mang theo nhiều thứ, trong đó mang đi “quỹ thời gian” quý giá của những bậc làm cha làm mẹ khi sức khỏe của họ chỉ còn là “chỉ mành treo chuông”. Họ- những người cha, người mẹ bất đắc dĩ có đủ thời gian để chờ con trở về?. Những câu hỏi ấy thực sự như đáy ngọn nguồn của tầng tầng đắng chát, nó khiến những người cùng cảnh ngộ quấn riết trong vòng tròn hy vọng- thất vọng- rồi tiếp tục thất vọng… nhưng hiển nhiên chưa bao giờ hết yêu thương!.

Tết đã đi qua, họ lại thêm những ngày da diết nỗi nhớ con. Vô luận cuộc đời có là đêm đen như mực thì chắc chắn vẫn sẽ tồn tại đâu đó một ánh sao tỏa sáng, họ đã chọn trao đi sự thương yêu để chờ đón những đứa con lầm lỡ quay về, cũng vô cùng hy vọng sớm có một cái Tết đoàn viên, hạnh phúc…

Trang Trần