Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Đời sống - Ngày đăng : 13:59, 29/01/2023

Cứ vào mỗi dịp đầu năm mới, nhiều bạn trẻ lại háo hức tới nơi thờ tác giả "Đại Việt sử ký" (tại Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để cầu an, may mắn, nhất là thi cử. Sau khi thắp hương khấn tại Đền Lê Văn Hưu, những ước muốn ghi trong tờ giấy đỏ được treo lên cây ở chùa Hương Nghiêm ngay đó sẽ ứng nghiệm.

Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Theo sử sách ghi lại, Lê Văn Hưu (1230-1322) là nhà sử học đầu tiên của nước ta, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam. Ông là nhà sử học uyên bác, có phương pháp chép sử vững vàng, có cách diễn đạt dồi dào tình cảm đồng thời là nhà giáo dục kiệt xuất, danh nhân văn hóa tiêu biểu, một tấm gương, một nhân cách hoàn hảo. Nhằm tri ân công lao của ông, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới.

Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Khuôn viên được đầu tư bài bản

Lê Văn Hưu từ nhỏ đã thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Năm 17 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần, lấy danh vị Khôi nguyên. Sau khi thi đỗ, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều đại nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Binh bộ Thượng thư, Hàn lâm Viện Học sĩ kiêm Quốc sử Viện Giám tu... Trong thời kỳ làm quan, Lê Văn Hưu được biết đến với học vấn uyên thâm, đức độ hơn người, luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. 

Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Nhiều bạn trẻ tới thắp hương, cầu đổ đạt thi cử

Đặc biệt, Lê Văn Hưu là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng "Đại Việt sử ký", bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1244). "Đại Việt sử ký" ngay từ khi mới ra đời đã có những đóng góp xứng tầm vào những kỳ công xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa Vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Lê Văn Hưu đã để lại cho dân tộc Việt Nam một bộ Quốc sử quý giá, là cơ sở quan trọng cho các sử gia sau này. 

Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Chùa Hương Nghiêm ngay cạnh đền thờ Lê Văn Hưu

Thăm Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu

Du khách buộc giấy đỏ viết mong ước lên cây tại chùa Hương Nghiêm

Sau khi ông mất, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Năm 1990, Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Từ năm 2018-2022, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng và khánh thành vào tháng 4/2022. 

Tại Thiệu Hóa có một ngôi trường mang tên nhà sử học nổi tiếng là Trường THPT Lê Văn Hưu. Cứ vào dịp đầu năm hoặc gần ngày thi tốt nghiệp, đại học, các bạn trẻ lại tới đền thờ thắp hương, khấn nguyện cho việc thi cử được như ý. Đền thờ được mở cửa thường xuyên.

Ngay bên cạnh đền thờ Lê Văn Hưu là chùa Hương Nghiêm được đầu tư, xây dựng khang trang với khuôn viên thoáng, xanh, thanh tịnh. Nhiều điểm để du khách chụp hình lưu niệm sau khi đã vào chùa cầu an lac, gia đình, quê hương an khang, thịnh vượng. Chính vì thế mà lượng khách đổ về đây rất đông vào dịp Tết Nguyên đán.

Thanh Phương