Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Đời sống - Ngày đăng : 14:10, 26/01/2023

Theo thông lệ, năm họp chỉ có một phiên, cứ vào chiều, đêm mùng 7 và rạng sáng mùng 8 tháng Giêng (sau Tết Nguyên đán), dòng người các nơi tấp nập kéo về chợ Viềng Nam Định để “mua may, bán rủi”. Ai đến với phiên chợ “cầu may”có một không hai trong cả nước này cũng đều mong muốn những điều như vậy cho năm mới được bình an, may mắn. Cả người bán lẫn người mua đều không cần nói thách hay mặc cả nhiều.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nam Định có tới 4 chợ có tên Viềng nhưng thu hút du khách, nhiều hơn cả là 2 chợ Viềng được họp tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực và xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (hay còn gọi là chợ Phủ). Chợ họp cả đêm mồng 7 và cả ngày mồng 8 Tết. Sự hấp dẫn của hai chợ xuân này có những nét khác nhau, nhưng điểm chung nhất là đi chợ “cầu may”, đó là nét đậm trong tâm lý dân gian khi đến với chợ Viềng Xuân sau dịp Tết.

Tương truyền, chợ Viềng thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực, gắn liền với việc thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không, gắn với làng rèn Vân Chàng ở xã Nam Giang có bề dày truyền thống hơn 700 năm. Nên ở chợ Viềng này thường bày bán đồ đồng, đồ cơ khí nhiều hơn và trưng bày cổ vật bằng đồng, sứ.

Chợ Viềng ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản còn được gọi là chợ Phủ, là do chợ gắn với Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - thờ Mẫu Liễu Hạnh. Theo đó, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Hằng năm, cứ vào dịp đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng, huyện Vụ Bản đón hàng trăm nghìn lượt khách du xuân chợ Viềng

Cũng theo các bậc cao niên ở địa phương, cả hai chợ Viềng ở Nam Định có từ rất lâu và chợ Viềng hôm nay như là sự tái hiện lại hình ảnh một phiên chợ của cư dân nông nghiệp từ xa xưa. Chợ chủ yếu bày bán các sản phẩm từ nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp như: các loại cây giống, cây cảnh, thịt bò thui, mía, cào sắt, cuốc, liềm, dao, búa, quang gánh, nón lá…

Nói chợ Viềng Xuân là chợ văn hóa bởi cả người bán và người mua mang ý niệm khi đến chợ đều mang tâm thức “cầu may”: người bán không nói thách, người mua không trả giá vì sợ không bán, không mua được, dễ mất đi sự “linh thiêng” và bị “dông” cả năm. Thực hiện được ý niệm này thì người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc”.… Bởi vậy khi đi chợ Viềng Xuân, ít người về tay không mà bao giờ cũng mang theo một cây giống, cây cảnh hoặc cân thịt bò đem về nhà để có được may mắn về học hành, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh… trong một năm mới.

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Dòng người đổ về chợ Viềng

Trong tâm thức dân gian, niềm tin về một phiên chợ cầu may “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ hăm sáu chợ phiên/ Bỏ tổ, bỏ tiên không bỏ chợ Viềng mồng Tám” mang nặng yếu tố tâm linh. Có thể thấy, chợ Viềng Xuân là hình ảnh lễ hội của cư dân lúa nước thờ Nữ thần nông nghiệp với ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chính vì vậy, hàng chục năm nay, người dân tại khu chợ Viềng đã quen với không khí sôi động của đêm mồng 7 tháng Giêng, chứng kiến cảnh hàng trăm ô tô, xe máy của những người buôn bán, làm ăn từ các tỉnh thành đổ về các đền phủ thắp hương lễ rồi mua cây, nông cụ, cho đến mua cả thịt bò thui về cho bạn bè, người thân trong gia đình ăn lấy may.

Bên cạnh ý nghĩa của phiên Chợ, chợ Viềng còn mang sắc thái “hội xuân” bởi đến với Chợ Viềng du khách được tham dự vào các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, tò he,…Những sắc thái văn hóa đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp.

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Qua bao thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng

Trong Tân Biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết năm 1915 có một số đoạn viết về Chợ Viềng được tác giả ghi lại: “Chợ Viềng một dải bờ sông/ Bán mua chắc hẳn tay không trở về’’.

Hàng hóa ở Chợ Viềng thật phong phú và đa dạng. Có thể nói như là cuộc triển lãm kinh tế xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi như: Làng hoa cây cảnh; Các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng nổi tiếng và cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công mỹ nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh trong nước.

Đến với Chợ Viềng du khách thập phương ai ai cũng ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn nơi diễn ra cảnh mua bán đồ cổ, giả cổ với hàng ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, sứ, đồ gỗ... Không thiếu một thứ gì từ đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng, đông tây, kim, cổ đủ loại... Có thể nói, ai đến với những gian hàng này cũng đều không muốn rời khỏi và ai muốn mua gì, dù quý hiếm đến đâu thì ở những không gian hàng đồ cổ chợ Viềng đều có và chắc hẳn du khách không thể “tay không trở về”.

Một mùa xuân mới lại về. Đến chợ Viềng là đến một điểm hẹn đầu xuân - nơi có phong tục tập quán đậm đà bản sắc văn hóa không nơi nào có được đó là “bán rủi, mua may”. Và n­gười dân không chỉ gửi gắm ước vọng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nông - công - thương phát đạt mà còn cầu mong bình an, hạnh phúc.

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Thịt bò thui là thực phẩm được nhắc đến đối với mỗi ai đến với chợ Viềng 

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Du khách cũng có thể tìm thấy ở đây rất nhiều đồ cổ   

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Người ta đến chợ Viềng để tham gia mua bán lấy may đầu xuân, đúng như câu ca dao Chợ Viềng năm có một phiên/Cái nón em đợi cũng tiền anh mua…

Đầu xuân đến chợ Viềng “mua may bán rủi”

Nhiều người vẫn giữ được thói quen “mua may bán rủi”

Mai Đỉnh