Tưng bừng Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ
Đời sống - Ngày đăng : 17:24, 25/01/2023
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ gồm 2 phần chính gồm: Rước pháo và rước Ông đám với các nghi thức truyền thống, trang trọng. Hai quả pháo trong lễ rước được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, trong đó pháo Nhất dài 6m, pháo Nhì dài 5,8m, với đường kính hơn 1m.
Đặc biệt, thân pháo được chạm khắc hình Long - Lân - Quy - Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa. Mỗi quả pháo được trang trí với một đầu hình ngôi sao và một đầu hình trống đồng, nặng gần 1 tấn.
Mỗi quả pháo được thanh niên trong làng thay nhau khiêng từ Nhà văn hóa truyền thống đến sân đình của làng để làm lễ. Sau mỗi hồi trống, các thanh niên reo hò vang dội “mừng pháo Nhất", "mừng pháo Nhì” tượng trưng cho tiếng pháo, mang đến không khí sôi động cho người dân tham dự lễ hội.
Sau hai năm tạm ngừng vì dịch bệnh, lễ hội Rước pháo làng Đồng Kỵ được tổ chức tưng bừng (Ảnh: Tiền phong)
Xưa kia, làng Đồng Kỵ có hội thi làm pháo, đốt pháo để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc (vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng).
Những người rước pháo phải từ 35 tuổi trở lên. Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương.
Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng. Vào ngày mùng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ.
Mỗi quả pháo được 30 thanh niên trong làng thay nhau khiêng, rước dọc đường làng từ nhà truyền thống đến sân đình của để làm lễ.
Khi dẹp giặc xong, Thiên Cương trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng. Để nhớ ơn, làng Đồng Kỵ đã thờ đức Thiên Cương làm Thành hoàng làng tại đình và hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày ông ra lệnh xuất quân đánh giặc.
Cùng với Lễ hội rước pháo, Ban Tổ chức Lễ hội còn chú trọng duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc với các hoạt động sôi nổi như đấu vật dân tộc, chọi gà, hát quan họ, thi đấu cờ tướng... thu hút du khách thập phương tham dự.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Lễ hội kéo dài đến hết mùng 7 Tết.