Những “chiến sĩ nhí” trên quần đảo Trường Sa
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 25/01/2023
Đảo xa rộn tiếng cười trẻ thơ
Sau mấy chục giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, đảo đầu tiên Đoàn công tác của chúng tôi đặt chân lên là Song Tử Tây. Trong đoàn, có nhiều người đã từng ra với Trường Sa vài lần. Với tôi, đây cũng là lần thứ hai ra với “quần đảo bão tố” này, song, những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến vẫn vậy.
Theo những hàng cây, rặng hoa giấy rực rỡ khoe sắc, cả đoàn đều lặng người xúc động khi vừa tới sân chào cờ của đảo đã bắt gặp những hàng dài bộ đội, dân quân, ngư dân và các thầy giáo, các cháu học sinh ăn mặc chỉn chu, tươi cười đứng chào đón. Mọi người vẫy chào đoàn công tác như đón chào những người thân yêu lâu ngày mới gặp lại. Đặc biệt là các cháu nhỏ không kìm nén được cảm xúc, gương mặt xốn xang khó tả, có bé nhảy cẫng lên.
Hai “chiến sĩ nhí” trên đảo Song Tử Tây.
Trung tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây tươi cười giới thiệu với đoàn: “Đám nhỏ này chính là những người “bầu bạn” của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hết giờ học, nếu không phải phụ giúp bố mẹ, bọn trẻ lại lên chơi với các bác, các chú. Sự vô tư, hồn nhiên, tinh nghịch của đám nhỏ khiến những người lính xua đi nỗi vất vả, mệt nhọc sau buổi huấn luyện, vơi bớt nỗi nhớ hậu phương, đất liền”.
Sau câu giới thiệu của Trung tá Dân, bé Ngô Nguyễn Thiên Lân, 5 tuổi, nhỏ nhất trong đám học trò, nhoẻn miệng cười, khoe ra mấy chiếc răng sứt ngộ nghĩnh đáp lại: “Hôm nay các bác bận tiếp khách, tối chúng cháu lên chơi nhé”. Trước sự ngộ nghĩnh của cậu nhóc, cả đoàn bật cười.
Chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, quê Hưng Nguyên, Nghệ An, mẹ Thiên Lân lấy tay giật giật, ra hiệu cho con trai. Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, chủ nhiệm lớp Thiên Lân đứng cạnh góp vui: “Thiên Lân thông minh, hiếu động lắm. Mới 5 tuổi mà đã theo học được lớp 1 cùng anh trai rồi. Cháu có khả năng đặc biệt, đó là ngay khi biết mặt chữ đã có thể đọc báo vanh vách, tốc độ nhanh như người lớn”.
Các cháu học sinh đảo Trường Sa tham gia tiết mục văn nghệ cùng quân và dân trên đảo.
Trong lúc đoàn công tác đi kiểm tra, thăm các phân đội đóng quân trên đảo, tôi tách riêng đi tìm lớp học của các cháu. Cách Sở chỉ huy đảo vài trăm mét là khu trường học được xây dựng khang trang, bên ngoài có đầy đủ các khu vui chơi, hoạt động ngoài giờ. Từ xa, tôi đã được nghe tiếng đánh vần, học bài của đám nhỏ. Được một lát thì đến giờ ra chơi. Bé Thiên Lân nhìn thấy tôi, chạy lại bắt chuyện, khoe tíu tít đàn gà nhà mình vừa đẻ trứng. Mấy bạn khác trong lớp cũng chạy ra nghe chuyện. Có lẽ, chúng cũng tò mò như tôi vì biết rằng ở trên đảo, để nuôi được con gà khỏe mạnh, sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt đã khó, khiến chúng đẻ được trứng càng khó hơn. Thấy mọi người say sưa nghe chuyện, Thiên Lân càng hào hứng: “Con gà này các bác bộ đội trên đảo cho nhà em đấy. Sau này lớn lên, em cũng xung phong vào bộ đội hải quân, lúc đó, em sẽ nuôi thật nhiều gà, bắt gà đẻ con như trong đất liền”.
Khúc quân ca vang mãi
Có một sự trùng hợp là ở bất cứ đảo nào, gặp các cháu học sinh, nếu hỏi các cháu thuộc bài hát nào nhất, tất cảđều đồng thanh: “Bài biển này là của ta, đảo này là của ta…”. Rồi, chẳng cần bắt nhịp, đám trẻ lúc lắc mái đầu, hồn nhiên hát đầy say sưa. Bài mà các bé hát có tên chính xác là “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Hôm lên đảo Trường Sa, “thủ phủ” của huyện đảo, trước khi vào làm việc, đồng chí Trưởng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng hỏi vui: “Các cháu ở đây có thuộc bài hát nào không? Lên đây hát tặng các bác, các chú xem nào”. Vừa dứt lời, một nhóm các bé giơ tay rồi líu ríu dắt nhau lên sân khấu. Chẳng biết đã được tập luyện trước hay chưa, nhưng bé nào cũng hát đầy say sưa. Những giọng hát trong trẻo, hồn nhiên cất lên khiến cả hội trường lắng xuống. Nếu chỉ nghe những tiếng hát líu lo ấy, chắc chẳng ai biết nó được cất lên bởi các cháu học sinh đang sống giữa trùng khơi, nơi cách đất liền cả vài ngày đi biển.
Các “chiến sĩ Hải quân nhí” chơi đùa trên đảo Trường Sa.
Ở hàng ghế đá kê ngoài sân hội trường trung tâm đảo, dưới bóng những cây bàng xanh tốt, tôi đặc biệt ấn tượng khi gặp một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm trong bộ quân phục hải quân dành cho thiếu nhi. Đó là bé Lê Xuân Viễn, hơn 3 tuổi, con anh Lê Xuân Việt, quê Cam Lâm, Khánh Hòa. Tôi lại gần hỏi: “Ai mua cho cháu bộ quần áo này vậy?”. “Mẹ ạ! Mẹ mua hai bộ cơ”- Viễn ngọng nghịu đáp, sau khi đã quay lại nhìn bố. Anh Việt cười giải thích: “Cháu nó thích bộ đội hải quân từ nhỏ, khi xem trên ti vi. Vì vậy, đi mua đồ cùng mẹ, cứ nằng nặc đòi mặc bộ đồ hải quân này”.
Câu chuyện của chúng tôi đang dở thì bé Viễn bị các anh chị chạy tới kéo đi. Cô bé cao nhất trong nhóm, có vẻ là “thủ lĩnh” của đám trẻ trên đảo vừa dẫn đoàn đi vừa quay lại tiết lộ: “Chúng cháu phải đi tập văn nghệ để tối nay giao lưu với các cô chú văn công của đoàn công tác. Tối nay chú nhớ đi xem, chụp ảnh cho chúng cháu nhé”. Tôi cười gật gật đầu. Cu Viễn lẫm chẫm chạy theo cuối cùng, dải của chiếc mũ Hải quân nhí bay phất phơ trong gió…
Tiết mục văn nghệ “tự phát” của các cháu học sinh đảo Trường Sa.
Hôm nay,khi ngồi nhớ lại những hình ảnh đẹp đẽ của các cháu bé mà tôi đã gặp trên quần đảo Trường Sa, cũng là lúc, tôi được biết dịp giáp Tết này, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức các đoàn công tác ra thăm, tặng quà, chúc Tết bộ đội và nhân dân trên các điểm đảo của Tổ quốc.
Hình dung cảnh các cháu nhỏ mắt lấp lánh niềm vui đón nhận những món quà từ đất liền gửi ra, trong tôi trào dâng những cảm xúc khó tả. Và tôi ước rằng, một ngày gần nhất, sẽ lại được đến thăm các đảo thân thương, nơi có những đồng đội, người dân và có cả những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên, yêu đời, tinh nghịch ấy nữa.