Hương vị Tết quê
Đời sống - Ngày đăng : 11:00, 22/01/2023
Trong tâm thức người Việt Nam "về quê ăn Tết" hay "ăn Tết ở quê" luôn là niềm háo hức chờ đợi. Đó cũng là khoảng thời gian thích hợp nhất gặp mặt sum vầy.
Người đi xa hớn hở với có lời hứa tới người trong gia đình, dòng tộc, bạn bè hàng xóm là năm nay mình về quê ăn Tết. Và người ở quê trong lòng lại rộn lên niềm vui đợi chờ những ngày xuân ấm áp hội ngộ.
Ngôi nhà cổ kính mang đậm nét đặc trưng ở làng quê Việt Nam tràn ngập không khí Tết. Ảnh: Nguyễn Minh Tiến
"Tết quê" là Tết đoàn viên là Tết chia sẻ khi mọi người cùng ngồi bên nhau bên mâm cỗ Tết với những món ăn, thức uống chắt lọc từ đất quê, mang đậm đà vị quê cùng vọng nhớ tổ tiên nguồn cội.
Về quê ăn Tết mang theo cả Tết về quê đó là những cành đào Nhật Tân mới bung nở, những gói mứt đặc sản của phố cổ Hà Nội; rồi tranh Đông Hồ mang những nét vẽ dân gian thật giản dị hồn nhiên mà vô cùng sinh động.
Mang Tết về quê không chỉ là những món quà thuần túy vật chất mà mang cả bao câu chuyện vui, bao không khí đổi thay có sức lan tỏa kết nối cộng đồng; mang cả hồn Tổ quốc, hồn nước non với bao phong vị, bao chân tình để Tết quê phong phú hơn, nhiều sắc màu hơn. "Tết quê" mãi là nơi hội tụ những cốt lõi tinh thần văn hóa, tình nghĩa đồng bào thủy chung.
Như mọi năm, cứ mỗi cái Tết về là ở chốn quê, bố mẹ lại thêm bận rộn. Bao công việc ngoài vườn, ngoài rẫy, phải hoàn tất trong năm cho kịp thời kịp vụ. Nào phải lo dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Rồi lo chuẩn bị rọc lá chuối để gói bánh. Trước để cúng ông bà tổ tiên theo lệ truyền thống, sau là cho con cháu tụ họp về ăn.
Hương vị quen thuộc khó quên làm ngất ngây bao người của Tết quê là mùi nếp mới.
Tết cổ truyền của người Việt bao đời nay gắn với nồi bánh chưng, bánh tét. Hương vị quen thuộc khó quên làm ngất ngây bao người của Tết quê là mùi hương nếp mới. Thôn xóm náo nức xay giã giần sàng. Nhà nhà thi nhau chuẩn bị bánh trái, bánh chưng, bánh tét, bánh dày, bánh ú, bánh khô, bánh nổ; rồi mâm ngũ quả nào chuối, nào cam, nào thơm, nào dừa, nào đủ, nào xoài…
Những ngày cuối năm, mẹ bắt đầu gói bánh. Nếp được ngâm vài giờ, vớt ra để ráo nước và ngâm mềm đậu xanh. Thịt ba chỉ cắt vuông được ướp gia vị thơm ngon cũng được bày ra để làm nhân bánh.
Bố mang lá chuối ra gói bánh cho u, còn đứa em thì thổi lửa chuẩn bị nước nấu bánh. Bên ngọn lửa bập bùng, cả nhà quay quần và trò chuyện rôm rả, kể về những chuyện đã qua và những dự định mới trong năm mới.
Phiên chợ Tết quê náo nức với bao âm thanh rộn rã. Kẻ gánh người gồng, lao xao mau mua kịp bán. Chợ quê đủ vị đủ thứ không thiếu thức chi, già trẻ người người tay xách nách mang, có người như muốn gánh cả chợ về nhà. Ai cũng mong muốn có đủ mọi thứ để chẳng thua em kém chị trong ba ngày Tết.
Đặc biệt, năm nào chiều tất niên, mẹ cũng đun một nồi nước lá mùi thật to để cho cả nhà tắm gội. Người già tắm trước, trẻ tắm sau, tất cả đều mang một niềm tin tắm gội nước mùi thơm phưng phức ấy thì gột rửa những điều "đen đủi" của năm cũ và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn hơn.
Đêm 30, mâm cỗ tất niên được dâng lên bàn thờ tiên tổ. Thắp lên bàn thờ ông bà nén nhang ngày Tết, khói hương bay lãng đãng. Từ cõi tâm linh hình như ông bà tổ tiên cũng đã về ăn Tết cùng con cháu.
Thời khắc giao thừa con trẻ xúng xính áo mới, cả nhà quây quần bên nhau chúc Tết, mừng thêm tuổi mới. Chúc năm mới phát tài đắc lộc, công thành danh toại, vạn sự an khang.
Mang lộc xuân đi chúc Tết, cúng bái tổ tiên, ông bà. Phong vị Tết quê in đậm trong ký ức người dân Việt
Tết còn có vị ngọt của hương đất tỏa buổi sáng sớm đầu tiên khi mở cửa nhà. Mưa xuân mỏng như sương rắc, chỉ đủ làm ẩm không gian và gọi mùi ngai ngái lan từ đất mềm, mùi nhựa cây mới ứa, mùi chồi nụ đang cựa mầm, lòng người ai cũng háo hức, kỳ vọng về năm mới bình an, hạnh phúc.
Sáng sớm mùng một Tết, các cụ cao niên chỉnh tề mũ áo, xông đất chúc Tết nhà nhà an lành, phát tài năm mới. Hết giờ xông đất, ai nấy yên tâm "có kiêng có lành" - ấy là lúc mọi người tha hồ vui chơi thoải mái.
Tết quê còn là dịp để mọi người qua lại thăm hỏi nhau. Sui gia, họ hàng, bạn bè, trai gái gặp gỡ chuyện trò tâm tình sau một năm dài "đầu tắt mặt tối".
Ngày Tết gia đình ăn bữa cơm với những món truyền thống của người Việt, được cùng chia nhau miếng bánh, chén trà cũng đủ nghe lòng mình lâng lâng niềm hạnh phúc.
Ở nơi phố thị luôn rực rỡ đèn hoa, chẳng thiếu thứ gì. Thế nhưng, cuối năm chỉ có về quê mới cảm nhận được hương vị Tết trọn vẹn nhất. Tết ở quê có nét đặc trưng là sự ấm áp, quây quần của các thành viên trong đại gia đình lớn. Đó là hương vị của tình thân mà không có gì đánh đổi được.