Bản sắc chợ phiên Hội Hoan ngày cận Tết

Đời sống - Ngày đăng : 18:55, 16/01/2023

Giữa núi rừng, khi mà sương vẫn đọng trên những tán lá, mây vẫn lơ lửng quanh quẩn bên những đỉnh non, thì chợ phiên Hội Hoan (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đã trở nên rộn rã bởi tiếng cười, nói của “kẻ bán, người mua”. Với người dân bản địa, chợ phiên ngày giáp Tết không chỉ là dịp để mọi người trao đổi, bán mua, mà còn là điểm hò hẹn, gặp gỡ để giao lưu bầu bạn cùng nhau.

Muốn đến với chợ phiên Hội Hoan, từ Thị trấn Na Sầm đi ngược dốc men theo đường tỉnh 231 khoảng 40 km là lên tới. Tuy nhiên, con đường này đã được làm từ lâu nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng, nó có rất nhiều những “ổ voi, ổ gà”, đường thì quanh co bởi liên tục có những khúc cua tay áo. 

Qua lời kể của người dân bản địa, chợ Hội Hoan đã được hình thành từ thời xưa, tới nay cũng đã chừng mấy mươi năm rồi, nó là một nét văn hóa, phong tục được chúng tôi tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cứ như vậy chợ phiên Hội Hoan đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm để mọi người trong khu vực giao thương, trao đổi hàng hóa, chợ được họp cố định vào ngày 2 và 7 trong tháng, nên gọi là phiên.  

Bản sắc chợ phiên Hội Hoan ngày cận Tết

Người dân tấp lập mua hoa quả tại phiên chợ

Trong những ngày cận Tết Quý Mão 2023, đến với chợ phiên Hội Hoan chúng ta mới cảm nhận rõ không khí đầm ấm, vẻ vui tươi được hiện hữu trên nét mặt của người dân bản xứ, họ tranh thủ mua sắm cho gia đình những vật phẩm dành cho ngày Tết và những món đồ để cho bản thân được “lộng lẫy” hơn trong mùa Xuân mới.

Thay vì tò mò qua lời kể, chúng tôi quyết định thực hiện cuộc hành trình để “mục sở thị” phiên chợ Hội Hoan trong những ngày cận Tết Quý Mão 2023. Do có sự chuẩn bị trước, nên đoàn chúng tôi xuất phát từ sớm, khoảng 9 giờ sáng là chúng tôi đã lên đến nơi.

Dạo một vòng quanh chợ để thăm thú, sự mới lạ đã khiến cho chúng tôi phải chăm chú, ngắm nghía, hỏi han về những sản phẩm đang được người dân bày bán. Có lẽ biết chúng tôi không phải là người địa phương, nên ai ai cũng rất là nhiệt tình giới thiệu về sản phẩm của mình, thực sự là gần gũi và thân thiện.  

Bản sắc chợ phiên Hội Hoan ngày cận Tết

Anh Khánh thịt con lợn nhà nuôi đã gần 2 năm để mang tới chợ bán phục vụ người dân.

Ghé qua quầy thịt lợn, nhìn những tảng thịt tươi ngon, khi chúng đang được chủ nhân “múa tay” như một nghệ sĩ để tạo ra sản phẩm của riêng mình. Tới hỏi thăm thì mới biết anh tên Khánh, hôm nay anh thịt con lợn của nhà nuôi, để bán phục vụ cho người dân, một phần cũng là để gia đình mình có thêm khoản tiền mua sắm lương thực, đồ dùng gia đình trong dịp Tết đang đến gần.

Anh Khánh chia sẻ: “con lợn này nhà mình nuôi được hơn 2 năm rồi, nó được gần 2 tạ ố, nay mới nhờ mấy anh em đến bắt thịt để mang đi bán cho bà con và nhà mình cũng có tiền để ăn Tết mà”. Thịt ở đây rất ngon, vì lợn được người dân nuôi tự nhiên kiểu “thả cỏ”, cho tới dịp lễ tết hoặc khi nhà có việc gì mới thịt, nên thịt rất thơm và săn chắc. 

Nhìn thấy thịt nhiều là vậy, nhưng vì từ nay đến Tết chỉ còn có 1 phiên nữa thôi, nên nhu cầu của người dân cũng tăng cao, hầu như ai đến chợ cũng đều mua cho mình một tảng thịt lợn mang về để làm bánh, và tích trữ cho gia đình. Hơn nữa chỉ vào những dịp lễ, Tết thì các gia đình mới đông đủ con cháu đi học, đi làm ở xa trở về, nên nhà nhà đều mua sắm đồ ăn uống rất là tươm tất, anh Khánh tâm sự thêm.

Kế đến là những khu bán gà, vịt rồi hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho việc bếp núc. Nhìn đâu cũng là niềm vui, cũng thấy nụ cười rạng rỡ của người dân nơi xứ chân mây này.   

Bản sắc chợ phiên Hội Hoan ngày cận Tết

Cụ bà đang xem chọn cho mình một đốc lịch về treo để theo dõi, chờ đợi thời khắc Xuân về.

Với một lẽ tất yếu của cuộc sống, khi có cầu ắt sẽ có cung. Cho nên, đường tới chợ phiên Hội Hoan có khó đi đến mấy thì cũng không thể cản được bước chân của những “con buôn” chính hiệu, họ đến để phục vụ người dân những đồ dùng hay loại thực phẩm mà nơi đây không có.  Đó là quầy hàng của vợ chồng Hậu từ Bắc Giang lên, nhà anh bán hàng gia dụng.

Thấy chúng tôi ghé tới, anh Hậu giới thiệu, ở đây tất cả các sản phẩm đều có một giá là 39 nghìn đồng, không hơn, cũng chẳng kém, tùy thích mua cái gì cũng được. Cũng do là giá cả phù hợp nên quầy hàng của vợ chồng anh Hậu lúc nào cũng đông đúc, người mua nhiều đến mức khi trả tiền còn phải xếp hàng.   

Bản sắc chợ phiên Hội Hoan ngày cận Tết

Người dân đang chọn cho mình những tàu lá dong to đẹp để về gói bánh.

Cứ như vậy, buổi chợ cuốn chúng tôi đi hết góc này tới xó kia, hết hít hà chiêm nghiệm, đến ngắm nghía thít tha những món đồ dùng của người dân bản xứ. Ở đây, người dân mua, bán không ai quan tâm đến món hàng đắt hay rẻ, mà chỉ cần niềm vui khi cả đôi bên đều ưng ý, hay trao đổi những vật phẩm của mình.

 

Người đến chợ đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, những bà mẹ, chị em phụ nữ mua bán, sắm sửa váy áo. Các ông chồng gặp gỡ bạn bè, uống chén rượu men lá của Hội Hoan thơm nồng. Trẻ em theo bố mẹ đi chợ ăn bát phở nóng hổi, mua thêm vài chiếc bánh rán mang về, còn nam thanh, nữ tú thì hò hẹn, giao lưu tạo nên một khung cảnh sinh động, vui tươi. Mọi sinh hoạt, các mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, tình cảm... tất thảy đều được khắc họa qua một phiên chợ. Đến đây, họ hỏi thăm nhau chuyện ruộng nương, nhà cửa, chuyện con cái, dựng vợ, gả chồng.  Bởi lẽ, chợ không hẳn là nơi chỉ dành cho việc bán mua, mà chợ còn là nơi để người vùng cao giao lưu, hò hẹn. Phiên chợ như cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, từ trang phục cho tới âm nhạc.

Chỉ cần có cây đàn tính trong tay là những chàng trai, cô gái có thể phiêu phiêu để lượn theo làn điệu hát then vô cùng đặc sắc, mang đậm nét đẹp tâm hồn của người dân bản địa. Họ mong ngóng từng phiên, chờ đợi từng ngày để “đến hẹn lại lên”, để được gặp lại cố nhân rồi cùng nhau dốc bầu tâm sự với bao nỗi niềm chất chứa đợi chờ giây phút tương phùng.

Với người dân bản xứ, từ khi sinh ra thì chợ phiên đã ngấm vào máu của họ, nó là một phần không thể tách rời của cuộc sống, trong sâu thẳm họ đã coi chợ như hơi thở hàng ngày. Họ có thể tất bật, lầm lũi quanh năm suốt tháng. Nhưng, tới phiên là xuống, mà xuống chợ là phải vui, phải say.

Trang Việt