Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Đời sống - Ngày đăng : 18:39, 15/01/2023

Thị hun khói, bò giàng, lạp xưởng, rượu cần, rượu men lá… vốn là những món ăn của người dân tộc thiểu số miền núi ở miền Tây xứ Nghệ thì ngày nay lại trở thành món ăn được người phố thị ưa thích và tìm mua với giá đắt đỏ.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Người dân ở các huyện miền núi Nghệ An chế biến thịt bò giàng phục vụ tết.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thị trường các mặt hàng thực phẩm lại bắt đầu "nóng" với nhiều mẫu mã, các món ăn và đa dạng các sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Trong số đó, những món đặc sản ở các vùng miền núi xa xôi được rất nhiều người săn lùng, tìm kiếm để về ăn tết. Đặc biệt là những người ở phố thị, ít được tiếp xúc với những sản vật miền quê.

Những món ăn được ưa chuộng và tìm kiếm nhiều là những món thịt hun khói, thịt trâu, bò gác bếp hay như món lạp xưởng cho đến rượu cần, rượu men lá.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Thịt được cắt thớ và ướp với gia vị đặc trưng.

"Những món ăn này không hề rẻ chút nào nhưng bán rất đắt khách. Tết các món như gà, cá, thịt bình thường thì ăn quanh năm rồi. Tết họ muốn mua món gì lạ lạ ăn cho vui. Nên dù giá có đắt thì khách vẫn đặt mua rất nhiều", chị Hương - chủ cửa hàng bán những món ăn, đồ sản vật miền quê tại thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ.

Trước đó, từ những này đầu tháng 12 âm lịch, các bản làng ở miền Tây xứ Nghệ đã đỏ lửa suốt ngày đêm chế biến các đặc sản cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Nhiều nhất là món thị bò, lợn giàng (trâu, bò, lợn gác bếp) bởi rất được khách hàng ưa chuộng.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Thịt được hong trên hơi nóng, khói của củi.

Thịt bò giàng ở huyện Kỳ Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) là món được giới sành ăn đánh giá cao với số lượng tiêu thụ mạnh nhất. Để chế biến món thịt bò giàng, phải chọn phần thịt chắc, thớ dọc, tươi và ngon mà chỉ có loại thịt bò bản địa nơi đây mới đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này.

Sau khi đã chọn thịt bò loại ngon sẽ được làm sạch rồi cắt từng thớ theo thớ dọc để miếng thịt được dài và nguyên miếng. Người thợ sẽ ướp những miếng thịt này với các loại gia vị đặc trưng như: gừng, riềng, ớt khô, mặc khén và muối trắng... Khi thịt bò đã ngấm gia vị, bà con sẽ gác thịt bò trên bếp củi, hong khô bằng than và khói bếp.

Trước đây, người dân ở các bản mường miền núi sẽ gác thịt trên bếp nấu ăn hàng ngày. Nhờ khói, hơi nóng từ việc nấu ăn, dần dần miếng thịt sẽ khô lại và chín. Ngày nay, khi thịt được sản xuất nhiều để bán cho khách hàng, các chủ hàng sẽ dùng những lò tôn to có giá treo thịt. Chủ hàng sẽ đốt lửa phía dưới để lấy khói và hơi nóng làm thịt khô lại. Mỗi lần hong thịt sẽ mất một vài tuần lễ.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Món lạp xưởng được người dân miền núi làm để bán cho khách ăn trong những ngày tết.

Chế biến từ những phần ngon nhất của con bò, qua nhiều công đoạn, bò giàng có vị đậm đà, được nhiều người ưa chuộng. Hiện giá 1kg bò giàng dao động từ 1-1,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, với ưu điểm tiện lợi, đây là món đặc sản được nhiều người chọn làm quà biếu trong dịp Tết, nhất là những vị khách ở vùng đồng bằng, phố thị.

Ngoài bò giàng thì lạp xưởng cũng là món ăn truyền thống thường được chế biến mỗi khi dân bản có lễ hội, đặc biệt là vào dịp Tết. Lạp xưởng được chế biến từ thịt lợn nạc chen thớ mỡ, rửa sạch, cắt hình hạt lựu và ướp với gia vị truyền thống.

Sau khi ướp gia vị, phần thịt đó được dồn chặt thành từng khúc vào lòng non của lợn đã làm sạch và hong khô. Những khúc thịt lạp xưởng sau đó được đem hong dưới nắng rồi hun bằng khói bếp tạo vị thơm đặc trưng. Đây cũng là một trong những món ăn được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

Lạp xưởng được hong nắng và hong trên hơi nóng của ngọn lửa từ bếp củi.

Chị Hoàng Thị Lan (chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ: "Tết năm nay, cơ sở chúng tôi sản xuất hơn 1 tấn lạp xưởng, đã có nhiều đơn đặt hàng của khách miền xuôi. Giá mỗi kilogam lạp xưởng dao động từ 400.000 - 450.000 đồng/1kg".

Không chỉ bò giàng, lạp xưởng, rượu của người miền núi cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó 2 loại rượu gồm rượu cần, rượu men lá được nhiều khách ưa chuộng tìm mua về uống tết.

Thịt hun khói của người dân tộc trở thành đặc sản của người phố thị

 Những món ăn của người miền núi trở thành đặc sản của người phố thị trong dịp tết đến xuân về.

Để có những chum rượu cần phục vụ Tết thì trước đó 5 tháng, người dân đã chọn gạo, nấu cơm, ủ men. Mãi đến tháng 12 âm lịch, những chum rượu cần mới chín mang mùi thơm phức. Cũng dịp này, những hũ rượu cần vừa kịp xuất để bán cho khách đúng dịp Tết.

Gia Hưng