Nét đẹp văn hóa của đồng bào thiểu số Nam Trung Bộ
Đời sống - Ngày đăng : 15:55, 01/01/2023
Làng văn hóa của đồng bào Bana
Xí Thoại là làng văn hóa rất đặc biệt của đồng bào Bana xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), mang vẻ đẹp thanh bình, con người hiền hòa, núi non trùng điệp với sắc màu xanh thắm. Ngôi làng có đến 95% người đồng bào dân tộc Bana, còn lại người Chăm H’roi và người Kinh sinh sống. Đây là vùng đất nổi tiếng khi sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc hiếm có.
Nhắc đến Xí Thoại người ta nghĩ ngay đến nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Với đồng bào Bana, Chăm H’roi nó có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ năm 1998, tỉnh Phú Yên có chủ trương về việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước thôn, buôn và phong trào xây dựng thôn buôn văn hóa, các già làng ở Xí Thoại quyết tâm đăng ký xây dựng thôn văn hóa, tiến hành soạn thảo hương ước. Năm 2000, chỉ 2 năm sau khi thực hiện, Xí Thoại được công nhận là thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên.
Điệu múa xoang của người Bana
Ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh nhận xét, mặc dù Xí Thoại nằm cách trung tâm xã Xuân Lãnh khoảng 2km, nhưng đây là 1 trong 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ gìn và phát huy tốt truyền thống của cộng đồng thiểu số...
Nếu như người dân thôn Xí Thoại giữ gìn các bộ môn nghệ thuật, giữ gìn xây dựng môi trường sống thôn bản sạch đẹp thì về làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đi đâu chúng ta cũng nghe câu chuyện người dân Bana cùng nhau hiến đất làm đường, chung tay giữ rừng, xây dựng quê hương.
Ông Đinh Thìn, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng Ban quản lý thôn Hà Ri cho biết, sau khi có chủ trương sẽ làm con đường bê tông hóa mở rộng từ đầu thôn cho đến khu vực suối Tà Má, các cấp, ngành đã nhiều lần đến tận thôn bàn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ cách vận động mềm dẻo, nên được người dân rất đồng tình ủng hộ.
Suối Tà Má được đánh giá có nhiều lợi thế để trở thành điểm du lịch đẹp và nổi tiếng, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc kết hợp văn hóa bản địa của đồng bào Bana. Suối này được “trời phú” như một thắng cảnh, một dải lụa bị “ngủ quên” trong khu rừng bấy lâu nay.
Thời gian qua, khu vực suối Tà Má được biết đến như một điểm du lịch xanh mới của tỉnh Bình Định. Để cuộc sống tốt hơn, trong số 56 hộ bị ảnh hưởng từ việc mở rộng đường giao thông vào khu vực suối Tà Má, có nhiều hộ gia đình trong đó có đảng viên, người uy tín, đã đi đầu trong hiến đất làm đường.
Nét đặc sắc trang phục của phụ nữ Chăm H’Roi với cây nêu
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, con đường xây dựng vào suối Tà Má khởi công vào giữa tháng 2 năm nay, có kinh phí đầu tư 8 tỉ đồng, với chiều dài hơn 2,5 km và bề rộng nền đường 6,5m.
Từ ngày triển khai xây dựng, đồng bào Bana tại Hà Ri luôn đồng thuận chủ trương cũng như nhiệt tình ủng hộ, vì thế công tác giải phóng mặt mới diễn ra suôn sẻ, hoàn thành công việc nhanh chóng.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống
Tỉnh Bình Định hiện có 3 dân tộc thiểu số chủ yếu gồm Bana, Chăm H’roi, H’rê, sinh sống ở 6 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài n, Tây Sơn và Phù Cát. Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi ở tỉnh Bình Định luôn chú trọng gìn giữ, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có rất nhiều lễ hội như Cầu mưa, Ăn heo ký, Cúng thần làng, Mừng về nhà mới.
Điểm chung của các lễ hội này luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi với nhau. Với người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, lễ Mừng về nhà mới là một nghi lễ thường xuyên và quan trọng. Tùy theo sự no đủ, thuận lợi trong công việc mà người dân tổ chức lễ và khấn cầu bình an, suôn sẽ trong mọi việc.
Không gian uống rượu của người Bana Vĩnh Thạnh trong nhà sàn
Khi tiếng cồng chiêng vang lên, cũng là lúc người có uy tín, thầy cúng và cộng đồng hỗ trợ đôi vợ chồng anh Đinh Văn Lịch (người đồng bào Chăm H’roi) thực hiện lễ Mừng về nhà mới. Thầy cúng và già làng uy tín, đại diện cho gia chủ trình các lễ vật lên thần linh gồm: một con gà trống biểu hiện cho sự bền bỉ, dẻo dai trước cuộc sống, 2 ché rượu cần để cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, công việc làm ăn suôn sẻ, mọi người đều khỏe mạnh.
“Lễ Mừng về nhà mới của người Chăm H’roi không được thiếu cây nêu đặt trước nhà. Cây nêu phải vươn cao, tạo thành đôi cánh chim Ktang - loài chim biểu hiện cho sự yên bình của người Chăm H’roi.
Đặc biệt, trong ngày hội, tất cả mọi người đều mặc trang phục thổ cẩm. Khi vào phần hội, tiếng cồng chiêng vang lên, mọi người cùng thưởng thức rượu cần và hòa nhịp vào điệu múa xoang của đồng bào vùng cao”, anh Lịch chia sẻ.
Với đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, lễ đón thần lúa về làng khi bà con bắt đầu vào mùa thu hoạch rất quan trọng. Theo tập tục truyền thống, trước khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy, từng gia đình và làng tiến hành tổ chức lễ đón thần lúa về làng.
Đây là dịp báo cho các vị thần, sau một năm lao động vất vả nay đã đến mùa thu hoạch. Lễ vật dâng các thần là con heo, con gà và nhiều ché rượu cần cùng cốm mới, cơm mới, mời các vị thần đến tham gia cùng gia đình, với làng để ăn cốm mới, uống rượu cần và cùng vui chơi đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát với dân làng.
Người dân hiến đất làm đường vào khu du lịch suối Tà Má
Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 16 đã diễn ra là dịp để đồng bào Bana, Chăm H’roi, H’rê giao lưu văn hóa, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em.
Ngoài ra, ngày hội còn góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa đặc sắc, phong phú độc đáo của các dân tộc anh em. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh. Thí điểm phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.