Không có di chúc, làm thế nào để nhượng lại tài sản thừa kế?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 07:03, 01/12/2016
Cha mẹ tôi hiện đang ở trong một căn nhà khá giá trị tại một phố lớn ở Hà Nội. Nhà tôi có 2 chị em, đều đã lấy chồng ra ở riêng. Gia đình nhỏ của tôi cũng có điều kiện, chị gái tôi thì đôi chút khó khăn nên tôi muốn sau này căn nhà của cha mẹ, tôi sẽ để lại toàn bộ cho chị gái sau khi cha mẹ qua đời.
Nếu như chỉ có mình sự đồng ý của tôi mà không có sự đồng ý của chồng tôi và cha mẹ đẻ của tôi, thì thành ý của tôi có được chấp thuận không? Luật sư tư vấn cho tôi với. Tôi xin cảm ơn.
Độc giả ở Hà Nội.
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Thứ nhất, về hưởng tài sản thừa kế:
Bố mẹ bạn hiện đang ở trong một căn nhà khá giá trị ở một phố lớn ở Hà Nội và hai chị em bạn đều đã lấy chồng ra ở riêng. Vì gia đình người chị gái khó khăn nên bạn muốn sau này căn nhà này sẽ để lại toàn bộ cho chị gái nếu cha mẹ qua đời. Bạn có thể thoả thuận với bố mẹ của bạn và nếu bố mẹ bạn chấp thuận thì sẽ lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người chị gái của bạn.
Trong trường hợp sau này bố mẹ bạn mất không để di chúc, việc hưởng di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo đó, hai chị em bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng suất thừa kế bằng nhau. Khi đó, bạn hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản của mình mà không cần có sự đồng ý của chồng bạn. Bạn có quyền từ chối di sản thừa kế theo Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 hoặc có thể làm hợp đồng tặng cho cho chị gái của bạn.
Thứ hai, việc tặng cho quyền sử dụng đất được coi là hợp pháp phải làm một hợp đồng tặng cho:
Theo Điều 722 Bộ luật Dân sự 2005 quy định thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý và nội dung của hợp đồng tặng cho này phải phù hợp với Điều 723 Bộ luật Dân sự 2005.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005 quy định cụ thể như sau:
“Điều 467. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Như vậy, bạn lên phòng công chứng hoặc lên UBND phường nơi có bất động sản để công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho này theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013. Sau đó rồi mới tiến hành thủ tục đăng ký sang tên cho chị gái bạn tại phòng đăng ký đất đai.