Góc nhìn pháp lý vụ chủ chó hành hung người cha bảo vệ con

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 18:19, 06/02/2023

Liên quan đến vụ người cha bị hành hung vì bảo vệ con trai trước con chó không đeo rọ mõm, theo luật sư nếu xử lý hình sự, hành vi của chủ chó hành hung người khác phải đối mặt với hình phạt cao nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.

Góc nhìn pháp lý vụ chủ chó hành hung người cha bảo vệ con

Anh D bị thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ răng cửa hàm dưới trái.

Trước đó, anh N.H.D (34 tuổi) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy của chung cư Q7 Saigon Riverside, TP.HCM thì có một con chó không đeo rọ mõm, không có dây xích và không có người dắt tiến sát con trai anh.

Thấy con mình sợ hãi, anh D đã dùng chân gạt con chó ra, bất ngờ lúc này anh Đ.T.V (28 tuổi, ở cùng chung cư) chạy lại đánh vào mặt anh D. Hậu quả, anh D bị thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ răng cửa hàm dưới trái.

Vụ việc dậy sóng mạng xã hội mấy ngày qua, hiện Công an Quận 7 phối hợp cùng Công an phường Phú Thuận, TP.HCM  đang làm rõ, xử lý vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Trong trường hợp người đàn ông bị thương tích có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích, thì dù thương tích dưới 11%, Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điều 134 BLHS, với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ.

Trường hợp bị xử lý hình sự, người đàn ông hành hung người khác sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Ngoài việc bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới 3 năm tù, anh Đ.T.V sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản.

Theo Luật sư Cường, trường hợp người bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn, cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vì nhiều lỗi, trong đó có lỗi thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5-8 triệu đồng.

Theo quy định của pháp luật, người nuôi chó phải xích, nhốt, giữ trong khuôn viên của gia đình mình. Trường hợp đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình phải đeo rọ mõm hoặc xích có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng mà không có người dắt, không xích (thả rông) mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng.

Hành vi này còn thể hiện ý thức kém trong việc thực hiện nếp sống văn minh, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn công cộng. Nếu không may trường hợp con chó cắn cháu bé gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, lúc này người chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người, theo điều 295 BLHS.

Luật sư Cường cho biết: Hành vi của chủ vật nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân. Hành vi côn đồ trước mặt trẻ em như vậy là rất đáng trách, đáng lên án. Sự việc này sẽ tạo ra cú sốc tâm lý đối với cháu bé và đối với cha của cháu bé. Hành vi của Đ.T.V không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, xâm phạm đến sức khỏe của người khác.

Mặc dù sau khi sự việc xảy ra, người đàn ông này đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi người bị hại và không còn gì để bào chữa cho hành vi sai trái của mình, tuy nhiên cũng cần phải có mức xử lý phù hợp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Hoàng Nhưỡng