Một năm lăn lộn chốn pháp đình
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 07:44, 19/02/2018
Có lần rảnh rỗi, tôi buột miệng hỏi thăm chú bảo vệ già làm lâu năm ở TAND TP HCM: Hôm nay sao tòa cứ buồn buồn vậy chú? Chú cười nhẹ rồi trầm ngâm đáp: "Tòa thì có bao giờ vui đâu mà buồn hả con. Chú làm việc ở đây hơn chục năm rồi mà chưa thấy ngày nào vui cả. Chốn này chỉ gắn liền với những tranh chấp, tù tội mà thôi".
Ngẫm lại, tôi giật mình thấy chú nói thật đúng. Một năm trôi qua, tôi chẳng thấy có ai vui vẻ, sung sướng khi phải đặt chân đến pháp đình cả. Nơi này là xung đột, chia lìa và nước mắt. Nhưng những vụ án đau lòng nhất phải kể đến là những chuyện xảy ra trong cùng một gia đình.
Những giọt nước mắt nhân đôi
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh 2 đứa trẻ bám vào song sắt hàng rào, rướn cổ vào bên trong để nhìn cha. Cha chúng là bị cáo Trần Phú Tài (29 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) mà TAND TP HCM đưa ra xét xử về hành vi giết chính vợ của mình, cũng chính là mẹ của 2 đứa trẻ.
Trước đó, Tài vốn là một người cha tốt, luôn cố gắng vun vén, chăm lo cho vợ con. Nhưng đặc thù công việc phải đi làm xa, hạnh phúc của gia đình đã không còn hé nụ cười với Tài. Trong một lần nghi ngờ vợ ngoại tình mà không chịu giao lại 2 con nhỏ, Tài nổi cơn thịnh nộ vung nhát dao oan nghiệt. Người vợ trẻ chết, Tài vướng vòng lao lý còn 2 con nhỏ bơ vơ, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ mới đầy 4 tuổi.
Phiên xử hôm ấy, Tài lặng lẽ cúi đầu đón nhận phán quyết của công lý về hành vi phạm tội của mình. Người cha chỉ buông xuôi sự mạnh mẽ cuối cùng và bật khóc khi được gặp đứa con trai lớn, nghe con dặn dò: "Cha ráng về sớm với tụi con nha. Tụi con nhớ cha lắm!". Tài bị tuyên 20 năm tù, đứa con trai lớn ôm mặt nức nở chạy ra khỏi sân tòa. Khi em trai ngây thơ hỏi: "Cha sắp được về chưa anh?", đứa anh cố bình tĩnh, xoa đầu em động viên: "Cha xong công việc rồi sẽ về. Nhưng em phải ngoan thì cha mới sớm về được". Chứng kiến đứa nhỏ vui vẻ nhảy chân sáo và hát véo von chắc ít ai cầm được nước mắt.
Bị cáo Trần Phú Tài ngoảnh mặt tìm kiếm người thân với đôi mắt đỏ hoe.
Cũng trong một vụ án hình sự khác, những đứa trẻ bật khóc nức nở tại tòa khi phải chứng kiến cảnh cha và mẹ cãi nhau giữa chốn pháp đình. Hôm ấy, ông Nguyễn Đào (60 tuổi, ngụ TP HCM) với mái tóc bạc trắng, lọm khọm bước vào phòng xử án. Ông bị cáo buộc đã sát hại người tài xế chuyên chở hàng cho vợ. Hai mấy năm trước, vợ chồng ông kết hôn rồi cùng nhau đồng cam cộng khổ nuôi 4 đứa con gái. Năm 2016, vợ con ông quyết định dọn ra ở riêng để thoát khỏi người chồng gia trưởng, nóng nảy. Rồi một đêm nọ, ông lẻn vào nhà riêng của người vợ thì phát hiện một người đàn ông nằm ngủ gần vợ mình liền ra tay sát hại.
Tại tòa, ông một mực cho rằng vợ ngoại tình đẩy mình vào thế khốn cùng. Còn người vợ khai nạn nhân chỉ là tài xế chở hàng, bà cho ở chung nhà để tiện cho việc làm ăn. Bà khẳng định hôm đó cả hai đi lấy hàng khuya, nên nằm ngủ giữa nhà vì quá mệt. Hai bên tranh cãi gay gắt qua lại, còn những đứa trẻ ngồi ở giữa ôm mặt òa khóc. Khi tòa hỏi, những đứa con đã lên tiếng bảo vệ mẹ vì họ cho rằng mẹ không làm điều gì sai. Còn cha chính là người bạo hành mẹ con họ cả tuổi thơ. Cô độc trước tòa, ông Đào cúi đầu mếu máo: "Các con hại cha rồi". Cả nhà bật khóc trong nỗi bất hòa.
Tức giận với chồng là vậy nhưng khi tòa hỏi vì sao cũng bị chồng đánh bị thương nặng nhưng không đi giám định thương tật?, vợ ông Đào nói: "Vì tôi thương ổng, không muốn ổng bị nặng tội thêm. Dù gì đó cũng là chồng tôi!". Nghe vợ nói vậy, ông Đào lặng người, đón nhận bản án 14 năm tù mà tòa tuyên. Mấy mẹ con cố choàng tới ôm lấy chồng, lấy cha còn ông Đào bước lên xe chở phạm nhân với đôi mắt đỏ hoe. Tiếng còi xe xa dần, tôi nghe thấy mấy mẹ con lau nước mắt cho nhau, rồi bàn chuyện chuẩn bị đồ ăn để thăm ông. Không rõ ông Đào có biết họ vẫn còn yêu thương ông biết bao!
Tình người ôm lấy niềm đau
Trong nước mắt người ta mới biết trân quý những hạnh phúc giản đơn, trong vòng tù tội người ta mới thấm thía, hối hận những phút giây tội lỗi của mình. Và đâu đó trong những xung đột, hận thù người ta tìm thấy tình người le lói. Đó là những người nén nỗi lòng đau khổ để tha thứ, chỉ mong nhận được sự thanh thản.
Hình ảnh người cha của cô gái bị Phạm Ngọc Sơn (25 tuổi; quê Đắk Lắk) giết hại ôm ngực, xin giảm án cho bị cáo khiến nhiều người phải rơi lệ. Phiên tòa hôm ấy, bị cáo Sơn đã khóc rất nhiều, bởi hối hận vì hành vi phạm tội của mình. Khi không níu kéo được tình cảm, cậu đã rút dao đâm bạn gái nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong ở tuổi 18 - độ tuổi thanh xuân nhất. "Chỉ vì quá yêu mà chẳng thể níu kéo, bị cáo không kiềm chế được bản thân đã sát hại người mà bị cáo từng xem là cả cuộc đời" – Sơn cúi gầm mặt trước vành móng ngựa lí nhí nói.
Ngày ra toà, Sơn mới niết tin mẹ đã mất trong thời gian mình bị giam. Anh ta siết chặt hai bàn tay rồi khóc mếu máo như một đứa trẻ. Cho đến lúc này, hung thủ mới thực sự thấm thía được nỗi đau mất người thân.
Hôm ấy, Sơn đã rụt rè quay xuống hàng ghế dành cho gia đình người bị hại, cúi đầu xin lỗi họ mà chẳng thể nói vẹn câu. Nơi góc phòng xử, cha bị hại ôm ngực đau đớn, cố gắng giấu những giọt nước mắt. Ông nén nỗi đau mà nói: "Con tôi không thể nào sống lại được, Sơn còn quá trẻ để phải chôn vùi vĩnh viễn cuộc đời. Tôi xin tòa giảm án để Sơn cơ hội được trở về đoàn tụ gia đình".
Hơn ai hết ông là người hiểu được nỗi đau chia lìa. Ông nói không muốn chứng kiến thêm ai phải chịu nỗi đau mất người thân và cũng để con gái ông ra đi thanh thản. Nhưng công lý vẫn phải thi hành, tòa tuyên kẻ cuồng yêu án tử hình. Nước mắt Sơn vẫn tuôn nhưng không còn những tiếng nức nở, có lẽ hung thủ hiểu được những điều mà mình phải trả giá.
Bị cáo Phạm Ngọc Sơn òa khóc trong phiên xử.
Cũng một phiên xử khác đẫm nước mắt nhưng cũng chứa chan tình người, nụ cười hạnh phúc đã hé mở. Đó là phiên xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (35 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) về hành vi đổ xăng, đốt chết người tình. Bi kịch của người đàn ông hào hoa ập tới khi Sơn đã có gia đình hạnh phúc với vợ hiền, con ngoan. Đến năm 2014, tiếng sét tình ái khiến Sơn rời xa vợ con để đến với người tình. Chợt nồng rồi cũng chóng phai, 2 năm sau, Sơn đổ xăng đốt chết người tình khi chị này muốn dứt áo ra đi.
Phiên sơ thẩm, tòa tuyên Sơn án chung thân, Cứ ngỡ cuộc đời gã chấm hết, thế rồi vợ Sơn đã dang vòng tay bao dung đón kẻ lầm đường. Chị nói: "Chồng tôi ngoài tính đào hoa thì cái gì cũng tốt. Mặc dù có vợ bé nhưng ổng vẫn luôn yêu thương, trách nhiệm với vợ con. Bởi vậy, tôi không bỏ ổng được. Ông đi tù bao nhiêu năm, tôi vẫn sẽ đợi". Chị đã cố gắng mọi thứ để thay chồng chăm lo, bù đắp cho gia đình nạn nhân.
Trong lần xử phúc thẩm, nhiều người đã bất ngờ xúc động khi thấy mẹ bị hại ôm lấy vợ bị cáo mà an ủi. Hai người phụ nữ mang hai nỗi đau nhưng họ đồng cảm với nhau. Nước mắt không hẹn mà rơi một lượt.
"Sơn là người chịu thương chịu khó, sống có tình có nghĩa. Tôi mong tòa giảm án cho bị cáo Sơn để sớm được đoàn tụ cùng vợ con. Con gái tôi ra đi cũng để lại một cháu nhỏ, sống cảnh không còn cha mẹ. Mong Sơn có cơ hội trở về để chăm lo cho gia đình và cháu tôi" – Mẹ bị hại nhiều lần khẩn cầu trước tòa.
Những giọt nước mắt không thể lay động công lý nhưng có lẽ HĐXX nhìn thấy những thiện lương ẩn khuất trong con người bị cáo, sự chân thành của người nhà bị cáo và người nhà nạn nhân. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, tòa quyết định giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù đối với bị cáo Sơn. Cả phòng xử vỡ òa nức nở. Nhưng đó là những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc.
Trước khi bị áp giải đi, Sơn khẽ cúi đầu trước mẹ nạn nhân và người vợ thủy chung. Chắc hẳn, người đàn ông này đã biết ai là người sẽ yêu gã suốt cả cuộc đời này?
Và còn vô số vụ án khác, nước mắt đã rơi thật nhiều. Tôi cũng đã nghe không biết bao nhiêu lời khẩn cầu, lời ăn năn sám hối. Dẫu vậy, họ đều phải trả giá cho những lỗi lầm mình đã gây ra. Nhẹ thì chuỗi ngày dài sau song sắt, nặng thì cả cuộc đời. Phải chăng, nếu mỗi người tự biết đặt vào hoàn cảnh của người khác, biết nghĩ về những người thân yêu thì có lẽ đã không phạm tội!