Án hôn nhân gia đình – hòa giải để đoàn tụ
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 19:30, 26/01/2023
TAND tỉnh Sơn La và TAND huyện Mộc Châu được tặng cờ thi đua của TANDTC.
Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một gia tăng. Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/10/2022, TAND hai cấp tỉnh Sơn La đã thụ lý, giải quyết 1.416/1.424 vụ việc Hôn nhân gia đình, chiếm 76% tổng số các loại vụ việc dân sự Tòa án thụ lý. Nguyên nhân ly hôn là do khó khăn về kinh tế dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống (chiếm 95,4%); do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc (2,5%); do ngoại tình (0,5%); ngoài ra một số ít vụ án xuất phát từ nguyên nhân khác như bất đồng tính cách, do một bên công tác, làm ăn xa ...(1,6%). Độ tuổi ly hôn chủ yếu dưới 35 tuổi, phần lớn có con nhỏ.
Quá trình giải quyết án Hôn nhân gia đình, Tòa án đặc biệt chú trọng công tác hòa giải giữa các đương sự. Từ ngày 01/01/2021, khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, phần lớn các vụ án Hôn nhân gia đình đều được Hòa giải viên tích cực hòa giải, thống nhất các nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự. Trường hợp hòa giải không thành, vụ án được chuyển sang giải quyết theo thủ tục tố tụng. Ngay khi được phân công giải quyết, Thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chống, xác định mức độ mâu thuẫn từ đó xây dựng phương án hòa giải.
Tại giai đoạn này, các đương sự tiếp tục được Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần, phân tích, giải thích pháp luật, khơi dậy tình cảm, để từ đó các đương sự có thêm cơ hội trở về đoàn tụ hoặc người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn khởi kiện hay thỏa thuận với nhau mà không phải xét xử, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các bên đương sự, góp phần làm giảm bớt mâu thuẫn sau khi ly hôn. Hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp tài liệu, chứng cứ; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết vụ án.
Đối với những vụ án phải đưa ra xét xử, trường hợp có tranh chấp về con chung các Thẩm phán tập trung nghiên cứu, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để xác định khi giao con chung cho bố hay mẹ thì sẽ lợi hơn cho con để phát triển về mặt tinh thần cũng như thể chất, hỏi ý kiến các con từ 7 tuổi trở lên để có phán quyết hợp tính, hợp lý, trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chung, Thẩm phán chú trọng vấn đề thẩm định, định giá, thu thập tài liệu để chia đôi tài sản nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của mỗi bên, công sức đóng góp và lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
Mặc dù số lượng các vụ việc hôn nhân gia đình phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều, nhưng cơ bản đều được giải quyết trong thời hạn luật định; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Tuy vậy, trong công tác giải quyết án hôn nhân gia đình vẫn còn xảy ra việc án tạm đình chỉ kéo dài, phiên tòa hoãn nhiều lần do một trong các bên không hợp tác, gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, làm cho tình trạng mâu thuẫn trầm trọng hơn.
Tòa án đặc biệt chú trọng công tác hòa giải giữa các đương sự.
Có thể nói, trong giải quyết hôn nhân và gia đình việc hòa giải để vợ chồng đoàn tụ có ý nghĩa sâu sắc và là vấn đề cốt lõi, mục đích chủ yếu mà Luật Hôn nhân và gia đình hướng tới. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hôn nhân gia đình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, TAND hai cấp đã đề ra nhiều giải pháp và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn về thủ tục hòa giải của Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tổ chức các cuộc họp chuyên đề hoặc kết hợp với giao ban hàng tháng để tổng kết, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong công tác hòa giải. Khen thưởng kịp thời đối với những Thẩm phán hòa giải đoàn tụ.
Thứ ba, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Chú trọng việc lựa chọn vụ án đảm bảo các tiêu chí theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát cùng cấp trong quá trình triển khai thực hiện. Sau mỗi phiên tòa tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc. Mở rộng quy mô hoạt động rút kinh nghiệm sau khi tổ chức phiên tòa để đông đảo cán bộ, Thẩm phán được học hỏi, rút kinh nghiệm.
Thứ tư, tăng cường tổ chức phiên tòa hôn nhân gia đình trực tuyến, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp hoặc vì lý do khác mà những người tham gia tố tụng không thể đến Tòa án mở điểm cầu thành phần để tham gia tố tụng; quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện kịp thời; tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, công khai, minh bạch hoạt động Tòa án, phù hợp với xu thế thời đại cách mạng khoa học công nghệ...Tiến tới tổ chức hòa giải trực tuyến để đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án và quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan. Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động định giá tài sản, ủy thác tư pháp, tống đạt văn bản tố tụng...Phối hợp, yêu cầu các cơ quan, tổ chức kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Thứ sáu, nâng cấp chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị; gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) với công tác xây dựng đội ngũ thẩm phán Tòa án trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về công tác giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, Thẩm phán.
Chú trọng công tác kiểm tra kỷ luật công vụ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ để các Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án theo học các chương trình đào tạo để nâng cao trình độ.
Thứ bảy, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm công tác tại bộ phận tiếp công dân, tiếp nhận đơn khởi kiện. Thực hiện việc phân công án cho thẩm phán đảm bảo khách quan.
Thứ tám, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hiệu quả các phần mềm do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng. Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án, đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo giám sát xã hội các hoạt động của Tòa án.
Công tác hòa giải có ý nghĩa to lớn, giúp các bên thấu hiểu lẫn nhau, giữ gìn uy tín, danh dự của nhau, chấm dứt tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn hoặc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng. Đã có rất nhiều vụ án hôn nhân gia đình nhờ thẩm phán chú ý khai thác các khía cạnh mâu thuẫn, từ đó giải quyết thành công, giúp gia đình đoàn tụ.