TAND cấp cao tại Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 18:47, 06/01/2023
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cùng dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội và tập thể lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, lãnh đạo VKSND cấp cao, đại diện các đơn vị thuộc TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán cao cấp cho 5 Thẩm phán.
Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du chúc mừng các đồng chí vừa được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán cao cấp. Đó là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề. Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách, sứ mệnh của người Thẩm phán rất cao quý.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật. Phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp. Đồng thời đề nghị các Thẩm phán mới được bổ nhiệm cần nghiên cứu thật kỹ, thực hiện cho đúng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Kiên định giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết với tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức TAND cấp cao tại Hà Nội, thực hiện tốt các chủ trương của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC đề ra góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị được giao.
Hội nghị đã nghe báo cáo công tác năm 2022 của TAND cấp cao tại Hà Nội. Theo báo cáo, công tác giải quyết, xét xử phúc thẩm đã giải quyết 2.968/4.113 vụ, việc, còn lại 1.145 vụ, việc, đạt tỷ lệ 72,2%. Các vụ án hình sự đã giải quyết, xét xử 1.578/1.904, còn lại 326 vụ; đạt tỷ 82,9% (tăng 16,7% so với năm 2021).
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả, đảm bảo thời gian tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Đã giải quyết, xét xử 559/997 vụ, việc, còn lại 438 vụ, việc.
Án Dân sự: Đã giải quyết 461/845 vụ, việc; còn lại 384 vụ, việc; đạt tỷ lệ 54,6% (tăng 16,7% so với năm 2021). Án Kinh doanh thương mại: Đã giải quyết 52/99 vụ, việc; còn lại 47 vụ, đạt tỷ lệ 52,5% (tăng 16,8% so với năm 2021). Án Hôn nhân gia đình: Đã giải quyết 45/52 vụ, việc; còn lại 07 vụ; đạt tỷ lệ 86,5% (tăng 50,3% so với năm 2021). Án Lao động: Tổng số phải giải quyết: 01 vụ, đã giải quyết 01 vụ, đạt tỷ lệ 100%
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động: TANDCC tại Hà Nội đã quán triệt đến Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký thực hiện đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, từng bước khắc phục có hiệu quả việc để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án, chú trọng việc hòa giải giữa các đương sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời.
Công tác giải quyết các vụ án hành chính: Đã giải quyết, xét xử 831/1.212 vụ; còn lại 381 vụ; đạt tỷ lệ 68,6% (tăng 20,6% so với năm 2021). Trong năm 2022, TAND cấp cao tại Hà Nội có 21 vụ án Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó hủy sửa 02 vụ), chiếm tỷ lệ 0,3% (giảm 0,53% so với năm 2021). Không vụ án xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm. Số bản án phải đính chính giảm so với năm 2021, không có bản án khó thi hành.
Về thực hiện công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân, TAND cấp cao tại Hà Nội chấp hành tốt Nghị quyết 03/2017/NQ- HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử TAND, đã khai được 1.480 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử TAND.
Về tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức 54 phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các loại vụ án, vượt 16 phiên tòa theo chỉ tiêu mỗi Thẩm phán tổ chức ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Về công tác giới thiệu và phát triển nguồn án lệ, đã giới thiệu 04 bản án và được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn 02 bản án làm án lệ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp
Nhìn chung, năm 2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, công chức, chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy, sửa chỉ chiếm 0,3% trên tổng số kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây kết quả như trên là do tập thể lãnh đạo đã có những giải pháp đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm một số tồn tại trong công tác chuyên môn năm 2021, nhất là việc thực hiện giải pháp giao cho các Tòa chuyên trách chủ động lên lịch xét xử phúc thẩm các vụ án dân sự, hành chính tại trụ sở, cũng như phát huy được vai trò chủ động của các lãnh đạo các Tòa chuyên trách trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt, năm 2022 nhiều vụ án trọng điểm, án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh, chú trọng công tác thu hồi tài sản khi giải quyết, xét xử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đề ra.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao tính tích cực, chủ động, đầy trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể TAND cấp cao tại Hà Nội trong tổ chức triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp chung vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của TAND. Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du biểu dương những kết quả mà TAND cấp cao tại Hà Nội đã đạt được trong năm qua.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCNVN trong giai đoạn mới; các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TANDTC về các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023.
Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu cơ bản mà Chỉ thị của Chánh án với các TANDTC đã đề ra. TANDCC đề xuất ít nhất 03 bản án, quyết định có hiệu lực là nguồn để phát triển án lệ. Bảo đảm 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, các vụ án dư luận xã hội quan vè tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trao một số danh hiệu thi đua cho TANDCC tại Hà Nội và các Tòa chuyên trách thuộc TAND cấp cao tại Hà Nội có thành tích cao trong công tác
Trong công tác giải quyết các vụ án dân sự hành chính nói chung đảm bảo không để án quá hạn luật định, tạm đình chỉ kéo dài, không có căn cứ pháp luật. Tiếp tục cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ hoạt động của Trọng tài thương mại.
Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án. Tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Nghị quyết số 33/2021/QD15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Trong giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cần đề ra các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn. Phấn đầu đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Bảo đảm việc trả đơn có căn cứ, đúng pháp luật. Nâng cao chất lượng quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm bảo đảm có căn cứ đúng pháp luật, khắc phục tình trạng chậm gửi quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ công chức mà trọng tâm là đội ngũ Thẩm phán. Làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch đối với cán bộ, công chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp, ứng dụng phần mềm trợ lý ảo, hệ thống giám sát điều hành theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.