Chùm ảnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 13:58, 02/01/2023
Việc đưa Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND vào sử dụng là bước đi quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Trung tâm này được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” giúp tổng hợp, phân tích các hệ cơ sở dữ liệu điện tử hiện có của Tòa án để đưa ra các báo cáo phân tích chuyên sâu và trình diễn dưới dạng biểu đồ động đa chiều giúp lãnh đạo TANDTC dễ dàng theo dõi, giám sát được: hoạt động xét xử, công bố bản án, quyết định của từng Toà án và Thẩm phán; tình hình giải quyết công việc của từng đơn vị, công chức Tòa án; dự báo biến động biên chế, tài sản trong toàn hệ thống Tòa án để kịp thời ban hành các quyết sách chỉ đạo phù hợp.
Ngoài ra, hệ thống này giúp đơn vị chức năng của TANDTC theo dõi, giám sát được: tình hình hoạt động và an toàn thông tin của các hệ thống CNTT Tòa án; thông tin nói về Tòa án trên không gian mạng và tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến của Tòa án các cấp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm và xem xét xử trực tuyến tại một số Tòa án trên cả nước.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với TANDTC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số. Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đề án có mục đích nâng cao hiệu quả, trách nhiệm xét xử, thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao niềm tin của nhân dân, của công lý, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của xã hội. Theo Chủ tịch nước, việc xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình với các toàn cán bộ Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND
Cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, gồm: Hạ tầng tính toán và truyền dẫn; Hệ thống tổng hợp dữ liệu; Hệ thống màn hình hiển thị, giám sát thông tin lớn với 24 màn hình ghép loại 49 inch và thiết bị điều khiển màn hình thông minh; Hệ thống âm thanh và các máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm…
Phòng xét xử trực tuyến của các các điểm cầu được thiết kế gồm các camera chuẩn Full HD quay quét được nhiều góc độ, thiết bị giải mã hình ảnh, máy tính điều khiển, thiết bị trình chiếu tài liệu, chứng cứ, hệ thống âm thanh, các màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh các điểm cầu thành phần, thiết bị mạng, thiết bị lưu điện, đường truyền mạng riêng kết nối thẳng về TANDTC.
Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến được thiết kế với đầy đủ các chức năng như: chức năng quản lý thông tin, hồ sơ vụ án; chức năng điều khiển các thiết bị camera, âm thanh, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; chức năng ghi hình có âm thanh toàn bộ diễn biến phiên tòa xét xử trực tuyến, chức năng chuyển đổi giọng sang văn bản để hỗ trợ Thư ký xây dựng biên bản phiên tòa. Phần mềm có giao diện đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc ngành Tòa án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, hoạt động, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng công tác; TAND các cấp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục những hạn chế trong công tác tòa án, từ đó hỗ trợ các thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng phiên tòa xét xử trực tuyến nhằm góp phần chủ động và thích ứng linh hoạt, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động và quản trị Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng cán bộ vận hành Trung tâm
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến phát biểu và cắt băng khánh thành Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, nền tảng xét xử trực tuyến TAND cùng với việc ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm nỗ lực lớn của tuệ thống tòa án trong việc đồng hành hỗ trợ người dân doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình kéo băng khánh thành Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga tại buổi khai trương Trung tâm.
Chủ tịch Quốc hội tập cùng thể lãnh đạo TANDTC
Đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương xem các hoạt động tại Trung tâm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung uong xem xét trực tuyến tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND.
Việc tổ chức thực hiện các phiên tòa xét xử trực tuyến là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Học viện CSND, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cùng một số lãnh đạo các trường thăm và trải nghiệm tại Trung tâm
Đại diện lãnh đạo Phòng, Khoa thuộc Học viện CSND tại Trung tâm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý ngành Tòa án cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp trong TAND với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp trong TAND; Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp…