Tòa án nhân dân - 70 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam (Kỳ cuối)
Tòa án - Ngày đăng : 07:00, 02/08/2015
Qua quá trình 70 năm xây dựng và phát triển với những thay đổi về tổ chức, về thẩm quyền, nhưng trong cơ cấu bộ máy các cơ quan Nhà nước, Tòa án được khẳng định là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tư pháp, nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đầu năm 2000, trong lĩnh vực tư pháp có nhiều việc bức xúc, tồn tại, yếu kém kéo dài. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 53-CT/TW, ngày 21-3-2000 “Về một số việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000”. Thực hiện Chỉ thị này, chúng ta đã giải quyết được một số việc bức xúc cụ thể, tạo bước khởi đầu quan trọng cho nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Tuy nhiên Chỉ thị 53-CT/TW chỉ mới đề cập một số việc cần phải thực hiện trong hai năm 2000 và 2001. Do vậy, để công tác tư pháp có chuyển biến rõ nét về chất, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã tạo ra được một số chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về tính cấp thiết và yêu cầu khách quan của việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, từ đó đã phát huy và đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, huy động lực lượng, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của cải cách tư pháp.
Thực tiễn đất nước ta đặt ra những nhu cầu cải cách tư pháp sâu rộng; thường xuyên, lâu dài, tiến hành một cách cơ bản và đồng bộ. Do vậy, ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó nêu rõ: “xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tư pháp. Nghị quyết 49-NQ/TW thể hiện quyết tâm sâu sắc của Đảng ta cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước nhà. Nền tư pháp Việt Nam là nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Công tác tư pháp phải quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng. Cải cách tư pháp phải tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính. Các cơ quan tư pháp phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và không được gây nên oan, sai. Cải cách tư pháp phải gắn bó, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 49-NQ/TW nêu rõ: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…
Đổi mới việc tổ chức phiên Tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên Tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.
Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết của Đảng, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã xác định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020” như sau:
-Tham gia vào việc “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, phát luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp”. Cụ thể là: Chủ động nghiên cứu, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp theo tinh thần và nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp; chủ trì, phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật về các lĩnh vực này khi phân công.
-Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án nhân dân. Cụ thể là: Đề xuất, xây dựng cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án các cấp, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức, bộ máy của Tòa án mỗi cấp và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện việc tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, kể cả đối với Tòa án quân sự; đổi mới việc tổ chức các phiên Tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, công khai, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần cải cách tư pháp và quy định của pháp luật tố tụng tư pháp.
-Xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức xã hội đối với Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán; cải cách quy trình tuyển chọn và tăng thời hạn nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Thẩm phán.
-Xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và từng bước hiện đại cho hoạt động xét xử. Cụ thể là: Triển khai xây dựng mới, nâng cao, cải tạo trụ sở Tòa án các cấp phù hợp với mô hình hệ thống tổ chức Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp; trang bị phương tiện kỹ thuật làm việc tiên tiến cho các Tòa án trong phạm vi kinh phí được cấp từ ngành sách trung ương.
-Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án.
-Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trước hết là với Tòa án các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; xây dựng đề án về đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế theo chủ trương và sự phân công của Đảng, Nhà nước. Chủ động hoặc phối hợp thực hiện việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; nâng cao trình độ về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ cho cán bộ Tòa án để tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam.
-Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng trong các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Với nhiệm vụ xét xử, mặc dù số lượng các loại vụ án hằng năm tăng gần 20.000 vụ so với cùng kỳ năm trước, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, phát sinh một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt tại Tòa án các cấp; đặc biệt, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã xác định và tổ chức thực hiện tốt 04 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đó là: (1) Tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; (2) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; (3) Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; (4) Đổi mới công tác hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân có việc liên quan đến Tòa án…cho nên hàng năm, kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương lấy ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghiên cứu, góp ý kiến xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); đồng thời, gấp rút xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự của Tòa án nhân dân 4 cấp với nhiều thay đổi lớn, đảm bảo để các Tòa án thực hiện đúng đắn, có hiệu quả Quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp 2013.
Trong những năm qua, thực hiện Đề án công tác đối ngoại của hệ thống các Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả với Tòa án tối cao các nước láng giềng, các quốc gia trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực tư pháp, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực Tòa án với các nước bạn.
Đó là các hoạt động: Ba lần tham gia Hội nghị Chánh án Tòa án các nước ASEAN; Ba lần tham gia và đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ tư “Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN” về môi trường được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ 12-14/12/2014; Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương với các nước lãng giềng và trong khu vực. Điển hình là: Ngày 13/08/2008 tại Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hai nước Việt Nam – Lào đã cùng ký Bản thỏa thuận Hợp tác mới giữa Tòa án hai nước.
Trong khuôn khổ thực hiện “Dự án nâng cao năng lực cho Tòa án nhân dân nước CHDCND Lào” (Giai đoạn I) và các thảo thuận Hợp tác giữa Tòa án hai nước, từ năm 2005 đến 2012, thông qua Trường cán bộ Tòa án (thuộc Tỏa án nhân dân tối cao Việt Nam) và Tòa án quân sự Trung ương, Tòa nhân dân tối cao Việt Nam đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng xét xử, kinh nghiệm điều hành phiên tòa, đào tạo Thư ký, Thẩm phán…cho trên một trăm cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân Lào (Với thời gian từ 1 đến 3 tháng/khóa). Hiện nay, hai bên đang tiếp tục thỏa thuận, triển khai thực hiện giai đoạn II Dự án này. Ở cấp độ các Tòa án nhân dân địa phương, sau khi Tòa án tối cao hai nước ký bản thỏa thuận năm 2008, nhiều Đoàn cán bộ, Thẩm phán các Tòa án địa phương Việt Nam và Lào đã trực tiếp sang thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm công tác, ký kết các Biên bản ghi nhớ giữa các Tòa án địa phương của Việt Nam – Lào về hợp tác tư pháp.
Với mong muốn đẩy mạnh, phát triển mối quan hệ công việc, thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực Tòa án giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, năm 2009 Tòa án nhân dân tối cao nước CHXHCN Việt Nam và Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc chủ quyền quốc gia, tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, Bản Thỏa thuận đặt mục tiêu xác định những nguyên tắc chung làm cơ sở xây dựng sự hợp tác giữa các bên trong phạm vi quyền hạn, khả năng của mình; trên cơ sở cùng có lợi, hiệu quả, tuân thủ pháp luật của mỗi nước, phù hợp với tình Hữu nghị truyền thống giữa Tòa án nhân dân Việt Nam và Tòa án Campuchia.
Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị Tòa án có chung đường biên giới (nhóm họp hai năm một lần) và đã được Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia, Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhất trí hưởng ứng. Hội nghị Tòa án có chung đường biên giới lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam ngày 22,23/12/2010. Trong cả ba lần tổ chức Hội nghị, Tòa án tối cao ba nước đều thống nhất cùng nhau xây dựng thông cáo chung trên quan điểm xuyên suốt là: Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ cùng nhau đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm xuyên biên giới nói riêng, đặc biệt là các tội phạm về ma túy, tội phạm buôn bán người xuyên quốc gia.
Đối với các nước thuộc Châu Âu và Liên Xô (cũ), trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm về mô hình tổ chức, về đào tạo Thẩm phán, tranh tụng, và các lĩnh vực khác liên quan đến công tác Tòa án. Trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, tôn trọng luật pháp và chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối ngoại giao của Đảng, Tòa nhân dân tối cao Việt Nam đã ký kết các Văn bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tư pháp với các nước: Bungari, Hunggari, Pháp, Slovakia, cộng hòa liên bang Nga, Áo, Bêlarutxia, Uzebekistan, Cộng hòa Cuba..v.v..
Năm 2015, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đối ngoại, hợp tác tư pháp với các nước trong khu vực và trên thế giới theo định hướng ngoại giao của Đảng và các chủ trương của Tòa án nhân dân. Theo đó, đối với Tòa án các nước trong khối ASEAN, tiếp tục chú trọng thực hiện trách nhiệm của Tòa án trong các Cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về Phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán người; Công ước chống tra tấn; Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…Tiếp tục thực hiện các Thỏa thuận hợp tác với Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia và Tòa án nhân dân tối cao Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào mà Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã ký kết. Đối với các Tòa án tối cao Singapore, Malaysia, Thái lan, Indonesia, Philippines…Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đang nghiên cứu, tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán song phương, nhằm thống nhất về quan điểm, nội dung hợp tác, tiến tới thực hiện ký kết các Thỏa thuận hợp tác tư pháp với Tòa án tối cao các nước trên trong năm 2015…
Về công tác đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục khẩn trương thực hiện Đề án nâng cao năng lực Trường Cán bộ Tòa án, tiến tới thành lập Học viện Tòa án, đưa cơ sở đào tạo của hệ thống các Tòa án nhân dân từng bước hiện đại, chính quy, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong tiến trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo định hướng của Đảng; Phát động các Phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong hệ thống các Tòa án, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2015), tạo động lực nâng cao chất lượng các mặt công tác của Tòa án trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng với việc tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án ; các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trương chỉ đạo toàn hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp thường xuyên, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, quán triệt, học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án « Phụng công thủ pháp, chí công công vô tư », phải « gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân », « Tận tụy phục vụ nhân dân » để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Quán triệt sâu sắc lời di huấn của Bác Hồ, từ năm 2007 đến nay, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân thường xuyên phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống Tòa án với khẩu hiện xuyên suốt là: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” theo lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với việc khắc phục những tồn tại sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4 (Khóa XI).
Đặc biệt, ngày 26/12/2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 223/TANDTC-TĐKT về việc ban hành Quy chế Thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp. Năm 2014 vừa qua, đã có 35 đơn vị Tòa án nhân dân lần đầu tiên tổ chức thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” với 193 Thẩm phán tham dự cuộc thi, tạo nên động lực thúc đẩy các Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân thi đua nâng cao chất lượng xét xử, tích cực tu dưỡng rèn luyện đạo đức; nhiều đơn vị Tòa án đã tổ chức cuộc thi “Thư ký giỏi”, cùng nhiều phong trào thi đua khác, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân các cấp năm 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân có sáng kiến tổ chức thi “Thẩm phán giỏi”, lựa chọn vinh danh “Thẩm phán ưu tú”, “Thẩm phán mẫu mực” nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, Thẩm phán thi đua rèn luyện phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo động lựcxây dựng Tòa án nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Với bề dày 70 năm xây dựng và phát triển, với những đổi mới tích cực, những cải cách đúng đắn, sự nỗ lực của cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp trên các mặt công tác…các Tòa án nhân dân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xây dựng và củng cố Nhà nước Pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, Thẩm phán các Tòa án đã nêu gương liêm khiết, vô tư, hết lòng vì việc công, tận tụy vì nhân dân, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi và tặng thưởng Huy hiệu của Người. Bốn mươi năm trở lại đây, Tòa án nhân dân có bước phát triển vượt bậc, đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý…
Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển; với trọng trách “Thực hiện quyền tư pháp”, với nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà Hiến pháp quy định và nhân dân Việt Nam đã tin tưởng giao phó…Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp càng thấm thía và quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để giúp mình thêm liêm khiết, công bằng.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân, bước sang một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới của tiến trình cải cách nền tư pháp đất nước theo định hướng của Đảng…cán bộ, công chức, Thẩm phán, viên chức, người lao động các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự trong cả nước nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị; phối hợp chặt chẽ với các Ngành, các cấp; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới đất nước, củng cố nền pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ.