Việt Nam phát huy vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc
Chính trị - Ngày đăng : 08:03, 16/02/2023
Cuộc họp của Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Tham dự cuộc họp có thành viên của Tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, Tổ trưởng Tổ Công tác khẳng định việc Việt Nam trúng cử làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là thành công lớn của công tác đối ngoại đa phương, góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.
Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao; uy tín, vị thế và những thành tựu toàn diện của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo đảm quyền con người; quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì là Bộ Ngoại giao với các ban, bộ, ngành liên quan và sự ủng hộ, tín nhiệm của các nước, bạn bè quốc tế.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, Tổ trưởng Tổ Công tác phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, trên cơ sở báo cáo của Bộ Ngoại giao, các thành viên Tổ công tác liên ngành đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Quy chế hoạt động, Chương trình công tác và phân công trách nhiệm giữa các thành viên của Tổ Công tác, để bảo đảm sự tham gia hiệu quả, thiết thực, có trách nhiệm của Việt Nam tại HĐNQ LHQ trong nhiệm kỳ của mình, góp phần nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao các ý kiến trao đổi thực chất của thành viên Tổ công tác, gợi mở nhiều định hướng, giải pháp thiết thực nhằm triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác liên ngành nói riêng và công tác thành viên HĐNQ nói chung.
Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Các Tổ chức quốc tế, cơ quan Thường trực của Tổ Công tác tổng hợp, tiếp thu để xây dựng Kế hoạch tổng thể, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin; thúc đẩy các sáng kiến, đề xuất tạo dấu ấn của Việt Nam trên các lĩnh vực, vấn đề ưu tiên; triển khai đồng bộ công tác bảo đảm quyền con người và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thành viên của các Công ước quốc tế liên quan; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin tuyên truyền để tạo hiệu ứng liên thông, lan tỏa, góp phần thực hiện tốt vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
HĐNQ LHQ là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng LHQ, được thành lập năm 2006 gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép. Ngày 11/10/2022, trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng LHQ tổ chức tại New York, Việt Nam được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cùng 14 nước khác. Là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho nhiệm kỳ này, Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho Tất cả mọi người” được các nước hưởng ứng, ủng hộ. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ LHQ từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của HĐNQ, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”. |